Nữ Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, nguyên Vụ trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO, Đại sứ tại Áo và Canada...(Giữa hàng). Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương (Thứ từ bên trái qua) cùng các nữ đại sứ khác. Ảnh: PNVN |
Phụ nữ trong quá trình lịch sử của đất nước
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh vì hoà bình dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ luôn có một vai trò vô cùng quan trọng. Phụ nữ không chỉ có trọng trách không thể thay thế của người vợ, người mẹ, hậu phương vững chắc của mọi gia đình, mà còn đóng góp không nhỏ vào lực lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Ngay từ những ngày đầu lập nước, giữ nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp của tinh thần quả cảm, quật cường và cũng đầy hy sinh, vị tha.
Kể từ khi ra đời vào năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ tầm quan trọng của phụ nữ. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất tháng 10 năm 1930 đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, đề ra nhiệm vụ phải tổ chức các đoàn thể phụ nữ như “phụ nữ hiệp hội”. Trong đó, Đảng đã nhận thấy rõ những bất công, khổ cực mà phụ nữ phải chịu đựng trong suốt thời gian bị đô hộ bởi quân đế quốc. Đảng cũng nhận thức được rằng “các cuộc tranh đấu vừa qua chứng minh phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Nếu quảng đại phụ nữ không tham gia cách mạng thì cách mạng không thể thành công. Cho nên, vận động phụ nữ là nhiệm vụ lớn và quan trọng của Đảng”. Nghị quyết về phụ nữ vận động mang tính lịch sử đối với phong trào phụ nữ Việt Nam, tạo tiền đề cho sự tham gia của phụ nữ vào những phong trào cách mạng, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung sau này của đất nước. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, vai trò của phụ nữ được đánh giá một cách đầy đủ, đúng đắn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dấu ấn về những đóng góp của phụ nữ hiện lên rất rõ nét. Năm 1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập, trong đó có Đoàn Phụ nữ Cứu quốc. Trong giai đoạn này, Hội và các tổ chức trực thuộc đã vận động phụ nữ tham gia các phong trào như: phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”; mua công phiếu kháng chiến; “Diệt giặc dốt”; “Diệt giặc đói”; “Đời sống mới”; tham gia Hội mẹ chiến sĩ; … góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, khi đất nước bị chia cắt thành hai miền Bắc, Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam được thành lập nhằm đoàn kết phụ nữ hai miền đất nước với mục tiêu chung là đánh đuổi giặc Mỹ, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng đất nước. Tới năm 1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phát động phong trào “ba đảm đang”, gồm đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Khi ấy, có gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”; 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1718 chị em được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5000 chị em là chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây là một trong những phong trào thi đua nổi bật trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, và trong lịch sử Việt Nam nói chung, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ. Một số “nữ anh hùng” có thể kể tên là Nguyễn Thị Định, Kan Lịch, Nguyễn Thị Bình, Võ Thị Mô, Đinh Thị Vân,… đều có những đóng góp to lớn không chỉ trong phong trào thi đua, mà còn tham gia tích cực nơi tiền tuyến đầy hiểm nguy.
Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam đã vượt lên trên tất cả định kiến xã hội vốn đã tồn tại hàng thế kỷ về thân phận “ba chìm bảy nổi” của người phụ nữ để mang một ý chí kiên cường, tinh thần sắt đá và đầy mạnh mẽ để trở thành hậu phương vững chắc, nhưng đồng thời cũng là những chiến sỹ trên chiến trường, sản sinh ra các thế hệ anh hùng dân tộc. Năm 1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 153-NQ/TW về công tác cán bộ nữ, khẳng định: “Các cấp, các ngành cần nhận rõ vị trí và vai trò vô cùng trọng yếu của lực lượng phụ nữ, nhận rõ trách nhiệm lớn lao của phụ nữ trên các lĩnh vực công tác cũng như nhận rõ vị trí và vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung, trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng”.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến vai trò và quyền lợi của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Năm 1980, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia ký kết Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc (CEDAW). Các nguyên tắc của CEDAW đã được thể hiện đầy đủ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Nhà nước đã đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động chính trị, dân sự, tổ chức quốc tế; nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ, loại bỏ sự phân biệt đối xử trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Đến năm 2007, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan quản lý, đặt mục tiêu tối thiểu có 30% phụ nữ trong các cơ quan dân cử. Tính đến năm 2024, tỷ lệ đại biểu quốc hội nữ chiếm 26,7%; tỷ lệ cán bộ nữ cấp uỷ cấp tỉnh là 15,96%, cấp huyện là 19,63% và cấp xã là 24,77%.
Tác giả bài nghiên cứu, ThS. Trần Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Học viện Ngoại giao. và ThS. Nguyễn Thị Nga Phương, Viện Nghiên cứu Chiến lược Học viện Ngoại giao. |
Phụ nữ trong công tác đối ngoại
Trong lĩnh vực đối ngoại, phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đã tham gia tích cực, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan làm công tác đối ngoại, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của nền đối ngoại nước nhà. Vai trò của phụ nữ trong hoạt động đối ngoại ngày càng được công nhận và củng cố trong những năm qua, thể hiện nỗ lực của Việt Nam đối với cam kết về bình đẳng giới.
Những nhân vật như Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã có những đóng góp quan trọng trong Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973. Đây là một trong những nhà ngoại giao nữ tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam, bà đã góp phần đáng kể vào việc chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Bên cạnh đó là Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng là một nhân vật nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam. Bà từng giữ chức Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014–2018. Bà cũng trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO). Ngoài ra, rất nhiều nhà ngoại giao nữ nắm giữ các chức vụ quan trọng, chủ chốt trong Bộ Ngoại giao như Vụ trưởng, Đại sứ, trưởng phái đoàn tại các quốc gia, tổ chức quốc tế, góp phần củng cố quan hệ song phương và đa phương của nước ta.
Trong khuôn khổ ASEAN, các nhà ngoại giao nữ của Việt Nam tích cực tham gia vào Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình (AWPR), một cơ chế thúc đẩy, nâng cao những đóng góp của phụ nữ vào việc giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng các sáng kiến như Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN 2020 do các nhà lãnh đạo nữ chủ trì nhằm nêu bật những đóng góp của phụ nữ cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Trong cả hai nhiệm kỳ đảm nhiệm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất về Phụ nữ, hoà bình và an ninh (WPS). Tháng 12/2020, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị cấp cao về WPS, thông qua Cam kết Hành động Hà Nội, nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và tái thiết sau xung đột là một trong những mục tiêu chính.
Trong những năm gần đây, Bộ Ngoại giao của nhiều nước trên thế giới chứng kiến tỷ lệ cán bộ ngoại giao nam và nữ hướng tới sự cân bằng hơn. Những thập kỷ trước đây, trong ngành Ngoại giao, nam giới đóng vai trò chủ chốt nhưng hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ ở nhiều Bộ Ngoại giao đều trên 40%, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, trong Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện đang có khoảng 47% cán bộ ngoại giao nữ công tác ở trong nước, và khoảng 42% ở các cơ quan đại diện nước ngoài. Ở cấp lãnh đạo đơn vị, có khoảng 14,8% nữ cán bộ ở cấp Vụ trưởng, và 34% ở cấp Phó Vụ trưởng. Ở cấp Lãnh đạo Bộ, hiện đang có hai đồng chí nữ Thứ trưởng. Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao có hai nữ Thứ trưởng cùng đương nhiệm.
Đóng góp của phụ nữ vào công tác đối ngoại không chỉ giới hạn bởi các nhà ngoại giao nữ, mà là tất cả những người phụ nữ tham gia vào công tác hội nhập quốc tế ở góc độ địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức, đơn vị. Trong Lực lượng Gìn giữ Hoà bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại Nam Sudan, có sự đóng góp không nhỏ của các nữ quân nhân, sỹ quan Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân Việt Nam. Tính đến nay, tỉ lệ quân nhân là nữ của Việt Nam tham gia vào Đội Gìn giữ Hoà bình ở mức cao hơn tỉ lệ chung và cũng cao hơn mục tiêu mà Liên hợp quốc đề ra. Các nữ quân nhân, công an Việt Nam đã tham gia vào các vị trí công việc khác nhau, từ sỹ quan tham mưu huấn luyện, tác chiến; quan sát viên; tới điều dưỡng, bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến. Điều này đã góp phần vào thành công chung của Lực lượng Gìn giữ Hoà bình của Việt Nam, cũng như việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế; thể hiện hình ảnh một Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam đã và đang làm tròn sứ mệnh trong việc gìn giữ hoà bình, đảm bảo an ninh trên thế giới, thúc đẩy Chương trình Nghị sự Phụ nữ, hoà bình và an ninh của Liên hợp quốc. Đây cũng là một thành tựu trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới của Việt Nam ứng với nhu cầu và xu thế chung của thế giới.
Phụ nữ có một số thuận lợi khi làm đối ngoại. Với sự khéo léo và mềm mại, phụ nữ sở hữu nhiều điểm mạnh so với nam giới, khiến vai trò và đóng góp của họ trong lĩnh vực đối ngoại ngày càng được coi trọng. Bên cạnh đó là động lực từ truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; tinh thần chiến đấu kiên cường trong các cuộc chiến giành độc lập; những tấm gương đàm phán tài ba như bà Nguyễn Thị Bình trong những nỗ lực thiết lập hoà bình của đất nước. Sự tham gia của phụ nữ vào công tác đối ngoại nói riêng và các lĩnh vực khác của đất nước ngày càng được động viên, khuyến khích và ủng hộ. Đây cũng là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về vai trò quan trọng của phụ nữ trong các công việc của đất nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng năm 2021 nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Trong Nghị quyết 43-NQ/TW năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, việc xây dựng phụ nữ trong thời đại mới được cụ thể hoá, trong đó yêu cầu “hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề mục tiêu rất cụ thể, đó là nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo và quản lý, đảm bảo 75% cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2030, cũng là cam kết rõ nét nhất trong nỗ lực về bình đẳng giới trong công cuộc xây dựng và hội nhập đất nước.
Các tổ chức quốc tế và đối tác quan trọng của Việt Nam cũng ngày càng đề cao các tiêu chuẩn về bình đẳng giới, do đó, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng cán bộ làm đối ngoại, hội nhập quốc tế cũng phải đảm bảo cân bằng hơn so với trước đây. Nhìn chung, môi trường trong nước và quốc tế hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể tham gia một cách chủ động, tích cực vào công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần củng cố an ninh và phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, phụ nữ trong công tác đối ngoại cũng có một số khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh hiện nay, những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với phụ nữ làm công tác đối ngoại bắt nguồn từ bối cảnh văn hoá, xã hội, chứ không phải ở năng lực, trình độ cá nhân. Nhìn chung, so với nam giới, phụ nữ có nhiều “trách nhiệm gia đình” hơn như chăm sóc con cái, nhà cửa. Điều này đòi hỏi người phụ nữ phải cân bằng tốt giữa công việc và gia đình. Trong xã hội Việt Nam, phụ nữ thường được kỳ vọng phải “ưu tiên” các trách nhiệm gia đình đó, phần nào tạo ra gánh nặng cho các nhà ngoại giao nữ khi đảm nhiệm các nhiệm vụ công tác ở nước ngoài. Người phụ nữ còn phải mang trọng trách sinh nở và làm mẹ, ít nhiều gây ra sự ngắt quãng trong quá trình công tác, chưa kể tới những ảnh hưởng về sức khoẻ. Đây là một yếu tố bất lợi đối với phụ nữ, ảnh hưởng tới sự phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp, đặc biệt đối với những công việc đòi hỏi cao về chuyên môn; luân chuyển và đi công tác liên tục như lĩnh vực đối ngoại. Bên cạnh đó, phụ nữ thường được cho là có thế mạnh kỹ năng ngoại giao “mềm” như ngoại giao văn hoá, giáo dục,…, hơn là các vấn đề về an ninh, quốc phòng… do đó phụ nữ thường có ít tiếng nói hơn trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về các lĩnh vực này.
Phụ nữ tham gia đối ngoại: kinh nghiệm của một số nước
Để phát huy tốt hơn vai trò của phụ nữ trong công tác đối ngoại, việc học hỏi, tham khảo bài học kinh nghiệm của các nước có ý nghĩa quan trọng, gợi mở ý tưởng, giải pháp cho tương lai.
Pháp
Pháp là một trong các quốc gia nổi bật nhất trên thế giới trong các chính sách về bình đẳng giới. Trong những năm đầu thế kỷ XX, phụ nữ Pháp phải đối mặt những thách thức to lớn khi tham gia vào ngành ngoại giao. Trên thực tế, tới năm 1944, phụ nữ mới được chính thức tham gia vào hoạt động đối ngoại. Từ đó đến nay, vai trò và vị thế của phụ nữ trong hoạt động chính trị - xã hội nói chung, trong đó có hoạt động đối ngoại, ngày càng được cải thiện.
Sự tham gia của phụ nữ Pháp trong ngành ngoại giao và công tác đối ngoại đã có những bước phát triển đáng kể với việc xây dựng “chính sách đối ngoại vì quyền phụ nữ” (FFP). Trong thời gian nắm quyền, Tổng thống Emmanuel Macron đã ưu tiên đẩy mạnh các chính sách đảm bảo quyền của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Năm 2018, Pháp công bố “Chiến lược quốc tế về bình đẳng giới giai đoạn 2018-2022”, khẳng định mong muốn tiến hành chính sách “ngoại giao nữ quyền”. Trọng tâm chính là ODA với năm mục tiêu ưu tiên, bao gồm việc “bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước mọi hình thức bạo lực”; đảm bảo “sự tham gia hiệu quả của phụ nữ trong các lĩnh vực ra quyết định kinh tế, chính trị và xã hội”; và “sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh”.
Ở góc độ đa phương, trong nhiệm kỳ chủ tịch G7 của mình, năm 2019, Pháp tiếp tục duy trì cơ cấu của Hội đồng Tư vấn cấp cao về bình đẳng giới nhằm thúc đẩy, vận động và yêu cầu các quốc gia G7 thực hiện chính sách ngoại giao vì quyền của phụ nữ và đưa bình đẳng giới trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại cũng như chương trình ODA của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ chủ tịch EU năm 2022, Pháp cũng đưa vấn đề bình đẳng giới vào chương trình nghị sự và thúc đẩy các quốc gia thành viên EU tuân thủ Công ước Istanbul của Hội đồng châu Âu (EC).
Ở trong nước, Pháp đã cải thiện hệ thống bình đẳng giới từ chính bên trong Bộ Ngoại giao Pháp. Cụ thể, việc cải tổ tập trung vào: (i) chính sách bổ nhiệm cán bộ nữ; (ii) đào tạo và hỗ trợ nhân viên; (iii) mạng lưới đầu mối về bình đẳng giới. Tính đến đầu năm 2024, 31% Đại sứ của Pháp là nữ, gia tăng đáng kể so với mức 14% vào năm 2012. Ngoài ra, phụ nữ ở vị trí quản lý hành chính trung ương cũng chiếm 45%. Những con số này là kết quả của nỗ lực nhằm tăng cường bình đẳng giới trong ngành ngoại giao Pháp nói riêng, và lĩnh vực hành chính công nói chung, bao gồm cả việc thực hiện hạn ngạch giới tính theo đạo luật Sauvadet[1] năm 2012.
Mông Cổ
Mông Cổ đã có những nỗ lực ấn tượng trong việc đảm bảo cân bằng và bình đẳng giới trong ngành ngoại giao. Tính đến 2023, số lượng phụ nữ chiếm một nửa số nhân sự của Bộ Ngoại giao Mông Cổ, trong đó có sáu nữ Đại sứ, con số cao nhất trong lịch sử của nước này. Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1961, Mông Cổ đã tích cực tham gia vào các nỗ lực quốc tế về bình đẳng giới, bao gồm các nghị quyết về cải thiện tình hình của phụ nữ và trẻ em gái ở các vùng nông thôn. Mông Cổ cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ quân nhân trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc lên 15% vào năm 2027.
Đặc biệt, vào năm 2023, Mông Cổ đã tham gia FFP+tại Liên hợp Quốc, tái khẳng định cam kết đối với nỗ lực bình đẳng giới trên toàn cầu. Mông Cổ ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ và các nhóm thiểu số, khẳng định rằng một chính sách toàn diện sẽ giúp đảm bảo một nền ngoại giao và hoà bình bền vững hơn. Đến cuối tháng 6 năm 2023, Mông Cổ tổ chức Hội nghị các Nữ Bộ trưởng Ngoại giao tại Ulaanbaatar với sự tham dự của đại diện các quốc gia như Đức, Pháp, Indonesia và Nam Phi. Kết quả của cuộc gặp là sự ra đời của Tuyên bố Ulaanbaatar, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận đề cao quyền của phụ nữ và người chuyển giới trong chủ nghĩa đa phương và chính sách đối ngoại. Có thể thấy, Mông Cổ rất chủ động và đề cao việc xây dựng chính sách đối ngoại đảm bảo quyền phụ nữ, cam kết thúc đẩy bình đẳng giới cả ở trong nước và quốc tế. Đây là một trong những nước đi đầu trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ ở Châu Á.
Vương quốc Anh
Tại Vương Quốc Anh, sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực đối ngoại cũng khá ấn tượng. Tính đến năm 2023, 43% Đại sứ của Anh là nữ, gia tăng đáng kể so với mức 28,8% vào năm 2018, và 33,8% vào năm 2021. Sự gia tăng này là kết quả của các sáng kiến nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ Ngoại giao của Anh. Nổi bật trong đó là Chiến lược quốc tế về phụ nữ và trẻ em gái 2023 đến 2030 nhằm mục đích tăng cường quyền lợi, tự do, khả năng của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu; giải quyết nhiều thách thức khác nhau, bao gồm cả những thách thức do biến đổi khí hậu, xung đột và khủng hoảng về y tế. Các nguyên tắc chính của Chiến lược là: (i) ủng hộ quyền phụ nữ ở góc độ quốc tế; (ii) trao quyền cho phụ nữ ở cấp độ cơ sở; (iii) đầu tư vào các giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái; (iv) hỗ trợ trên danh nghĩa của những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng; (v) tăng cường các hệ thống bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ.
Ngoài ra, Chương trình Việc làm và Cơ hội cho Phụ nữ (WOW) do Bộ Ngoại giao Anh khởi xướng với mục tiêu cải thiện cơ hội kinh tế cho phụ nữ trong chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo điều kiện làm việc xứng đáng và trao quyền cho phụ nữ. Sáng kiến này bao gồm những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức cam kết trao quyền kinh tế cho phụ nữ; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường lập trình liên quan đến các vấn đề kinh tế của phụ nữ. Nhìn chung, Bộ Ngoại giao Anh chú trọng và ưu tiên yếu tố giáo dục đối trẻ em gái, trao quyền cho phụ nữ và chấm dứt bạo lực về giới. Đây là những lĩnh vực quan trọng để đạt được tiến bộ lớn trong nỗ lực bình đẳng giới ở Vương quốc Anh.
Qua ba ví dụ nêu trên có thể thấy các nước, không phân biệt lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, đều rất coi trọng vai trò và đóng góp của phụ nữ trong công tác đối ngoại, ngoại giao. Điều này được phản ánh trong nhận thức của xã hội và người dân cũng như trong nỗ lực thể chế hóa, luật hóa các quy định về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ.
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong đối ngoại hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2030 – 3/2/2030), và hướng tới 100 năm thành lập nước (1945 – 2045). Đây là kỷ nguyên phát triển bứt phá, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để làm được điều này, mọi lĩnh vực từ kinh tế, an ninh, quân sự, khoa học – công nghệ, và cả đối ngoại, cần phải tăng tốc phát triển mạnh hơn nữa, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mới của đất nước.
Phụ nữ là một lực lượng đông đảo, chiếm hơn 50% dân số cả nước và hơn 46% lực lượng lao động trong xã hội. Trong đó, phụ nữ cũng chiếm một phần không nhỏ trong lực lượng làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng tạo nên thành công của đối ngoại nói riêng và quá trình phát triển bứt phá của đất nước nói chung. Trước những cơ hội và thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, vai trò của phụ nữ cần tiếp tục được củng cố và thúc đẩy thông qua việc tăng cường các chính sách về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ; cũng như nỗ lực học tập, phát triển từ chính bản thân người phụ nữ.
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Trong đó, nền tảng là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/4/2007 về “công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Phát triển dựa trên các quyết sách trước đó của Đảng về công tác cán bộ nữ, Nghị quyết 11 khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ứng với vai trò quan trọng và to lớn của phụ nữ, coi đây nguồn lực thiết yếu trong lực lượng cán bộ của Đảng, Nhà nước. Đây là nền tảng góp phần vào quá trình phát triển và hội nhập của nước ta, từng bước thu hẹp khoảng cách về giới trong các mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Trên cơ sở này, cần tiếp tục đề ra những mục tiêu rõ ràng hơn về việc tăng cường tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, các ngành, bao gồm cả ngành ngoại giao và các vị trí làm công tác đối ngoại; tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể tham gia, đóng góp vào quá trình hoạch định các chính sách quan trọng, cũng như các cuộc đàm phán, trao đổi quốc tế về những vấn đề cấp bách, chiến lược đối với an ninh và phát triển của đất nước.
Thứ hai, thay đổi định kiến về giới và quan điểm xã hội đối với phụ nữ. Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam nói chung, và phụ nữ làm công tác đối ngoại nói riêng, vẫn đứng trước những quan điểm xã hội nặng nề về trách nhiệm gia đình và con cái, phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển nghề nghiệp của họ. Trên thực tế, lịch sử và thực tiễn ngày nay đã cho thấy phụ nữ có thể vừa đảm nhận vai trò của một người vợ, người mẹ, vừa đảm đương được trọng trách của một người cán bộ, thậm chí là nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, đổi mới sáng tạo, tới đối ngoại. Cần nâng cao ý thức về việc chia sẻ trách nhiệm gia đình giữa nam giới và nữ giới, từ đó giảm áp lực đối với phụ nữ. Điều này góp phần xoá bỏ gánh nặng về tâm lý đối với phụ nữ, đặc biệt là những người làm công tác đối ngoại vốn đòi hỏi nhiều thời gian, cũng như sự cam kết về việc công tác và luân chuyển.
Thứ ba, tăng cường, phát triển các chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm đối ngoại. Các chính sách như chính sách thai sản, hưu trí, đào tạo và bồi dưỡng trình độ cần được thiết kế, điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp đối với từng vị trí và tính chất công việc. Đối với những phụ nữ công tác nhiều năm và thường ở nước ngoài, trong lĩnh vực đặc thù như đối ngoại, có thể cân nhắc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cao hơn, tạo điều kiện để những cán bộ nữ phát triển sự nghiệp trong thời gian dài hơn, đóng góp thêm nhiều cho sự phát triển của đất nước.
Thứ tư, bản thân người phụ nữ cần có ý thức trau dồi và phát triển các kỹ năng cần thiết gắn với công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá và hướng tới kỷ nguyên mới. Cán bộ là trọng yếu, và là “cái gốc của mọi việc”. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực cần sự chủ động học hỏi và phát triển từ chính những người cán bộ. Với tiềm lực, vị thế và cơ đồ như hiện nay, và trong bối cảnh Việt Nam định vị mình là bạn, là đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, các vấn đề về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chưa bao giờ được đề cao đến thế. Những cán bộ nữ làm công tác đối ngoại chính là đại diện cho phụ nữ Việt Nam trong các diễn đàn hợp tác và đàm phán quốc tế. Do đó, các cán bộ đối ngoại nữ cần phát huy sự tự tin, tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, liên tục nâng cao năng lực và các kỹ năng cần thiết. Điều này sẽ góp phần tạo ra những thế hệ cán bộ mới “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
[1] Đạo luật Sauvadet, có tên chính thức là Đạo luật số 2012-347, được ban hành tại Pháp vào ngày 12 tháng 3 năm 2012. Mục tiêu chính của đạo luật này là thúc đẩy bình đẳng giới trong bộ máy hành chính công của Pháp bằng cách đưa ra hạn ngạch giới tính bắt buộc đối với các vị trí điều hành cấp cao.
Nghiên cứu giải mã ảnh vệ tinh mở ra hướng đi cho công cuộc khắc phục hậu quả sau chiến tranh tại Việt Nam
Nghiên cứu phân tích các bức ảnh vệ tinh đã giải mật để xác định các khu vực bị ảnh hưởng bởi bom mìn và chất độc da cam