Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
PGS.TS. Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học của Nhà xuất bản CTQG Sự thật
PGS.TS. Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học của Nhà xuất bản CTQG Sự thật

Quyền năng kinh tế của phụ nữ có thể được hiểu là khả năng và cơ hội mà phụ nữ có để tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế trong xã hội. Điều này không chỉ phản ánh khả năng độc lập về tài chính mà còn bao gồm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các khía cạnh như việc làm, sở hữu tài sản, ra quyết định kinh tế, cũng như tiếp cận các nguồn lực quan trọng như vốn, giáo dục, công nghệ, mạng lưới hỗ trợ… Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới mà còn là một động lực chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ - yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững

Phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khi phụ nữ được tăng cường tiếp cận với các nguồn lực kinh tế, họ sẽ không chỉ làm cải thiện được mức sống của bản thân và gia đình mà còn góp phần tăng năng suất lao động, giảm nghèo đói và thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Được trang bị các kỹ năng, cơ hội tiếp cận nguồn vốn và quyền ra quyết định kinh tế, phụ nữ có thể tạo ra giá trị lớn hơn, cải thiện năng suất lao động và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ là một vấn đề đạo đức và công lý mà còn mang lại lợi ích toàn diện cho xã hội và nền kinh tế, là yếu tố thiết yếu để đạt được bình đẳng giới và bảo đảm các quyền cơ bản của phụ nữ. Điều này đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào thị trường lao động, được hưởng các quyền lợi xã hội, kiểm soát tài nguyên và đời sống cá nhân của họ, đồng thời làm gia tăng sự tự quyết và sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ vào các quyết định kinh tế ở mọi cấp độ.

Về khía cạnh kinh tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế của xã hội có thể tạo ra sự phát triển đáng kể về kinh tế của cộng đồng và cả quốc gia. Khi phụ nữ tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động kinh tế, năng suất lao động quốc gia được cải thiện. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu phụ nữ có cơ hội ngang bằng trong việc tham gia lực lượng lao động, GDP của các quốc gia có thể tăng đáng kể. Việc này không chỉ nâng cao năng lực kinh tế của từng cá nhân mà còn tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế phát triển bền vững. Theo Báo cáo Không bỏ lại ai phía sau: Kêu gọi hành động vì bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ của UN Women[1], việc thu hẹp khoảng cách giới và thúc đẩy bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế cho phụ nữ là chìa khóa để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, bao gồm việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Nghiên cứu Theo đuổi quyền năng kinh tế của phụ nữ của Quỹ tiền tệ quốc tế[2] cũng khẳng định việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ làm tăng cường sự đa dạng hóa nền kinh tế mà còn thúc đẩy sự thịnh vượng chung thông qua việc giảm bất bình đẳng thu nhập. Ước tính của Dawn Holland và Katrina Ell trong nghiên cứu Thu hẹp khoảng cách giới để thúc đẩy năng suất tăng trưởng[3] cho thấy nếu khoảng cách giới được thu hẹp, nền kinh tế toàn cầu có thể tăng thêm 7 nghìn tỷ USD. Phụ nữ có quyền năng kinh tế cao hơn sẽ chủ động hơn và đóng góp hiệu quả hơn trong việc ra quyết định, tham gia quản lý doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng một nền kinh tế đa dạng và toàn diện hơn. UN Women trong báo cáo Sự tiến bộ của Phụ nữ Thế giới 2015 - 2016[4] đã đưa ra nhận  định rằng các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn khi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động và các vị trí lãnh đạo. Những công ty có nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò quản lý cấp cao thường đạt được kết quả vượt trội về hiệu suất tổ chức, trong tất cả mọi khía cạnh.

Về khía cạnh xã hội, khi phụ nữ có quyền tiếp cận và kiểm soát nguồn lực kinh tế tốt hơn, họ sẽ không chỉ cải thiện đời sống cá nhân mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển của gia đình và cộng đồng. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa các giới và các tầng lớp xã hội, làm cho xã hội ổn định hơn. Nâng cao quyền năng kinh tế giúp phụ nữ gia tăng khả năng tự chủ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ đó, họ có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, sở hữu và sử dụng các nguồn lực. Phụ nữ có thu nhập ổn định sẽ không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân mà còn đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe, giáo dục và phúc lợi của gia đình, từ đó tạo ra hiệu ứng tích cực đối với các thế hệ tiếp theo. Đây là chìa khóa để phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội. Họ cũng có thể tự nâng cao giá trị của bản thân bằng cách thực hiện các hoạt động cải thiện phúc lợi, nâng cao trình độ học vấn, khởi nghiệp… và có quyền lực hơn trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng thu nhập của mình để xây dựng cộng đồng xã hội phù hợp đối với chính họ và thế hệ tương lai.

Kết quả nghiên cứu ở nhiều cộng đồng cho thấy, khi phụ nữ được trao quyền kinh tế nhiều hơn, xã hội sẽ trở nên ổn định và công bằng hơn, bình đẳng giới được cải thiện và giảm bạo lực trên cơ sở giới[5]. Thực tế đã chứng minh rằng các cộng đồng có tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế cao thường có thái độ xã hội ít khoan dung với bạo lực trên cơ sở giới hơn, vị thế của phụ nữ được coi trọng hơn, và có sự tôn trọng hơn đối với các giá trị bảo vệ quyền con người nói chung. Với việc tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chứng minh rằng khả năng của mình không thua kém nam giới, từ đó dần dần thay đổi các quan niệm phân biệt giới tính trong xã hội, phá vỡ các định kiến giới, giúp mang lại sự cân bằng hơn trong các quyết định kinh tế và xã hội, giảm thiểu sự chia rẽ và mâu thuẫn trong cộng đồng, giảm bất ổn và xung đột xã hội.

Về khía cạnh chính trị, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ làm tăng cường tiếng nói và vai trò của phụ nữ trên các diễn đàn chính trị. Phụ nữ có quyền năng kinh tế lớn hơn đồng nghĩa với việc họ có khả năng tham gia vào quá trình ra quyết định hiệu quả hơn, không chỉ trong gia đình mà còn ở cấp độ cộng đồng và cả quốc gia. Điều này dẫn đến kết quả là thúc đẩy sự tiến bộ hơn trong môi trường chính trị, với việc các giá trị, nhu cầu và quan điểm của cả hai giới đều được cân nhắc một cách bình đẳng. Vì thế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ là vấn đề quyền lợi của cá nhân hay của riêng các nhóm phụ nữ mà còn là chìa khóa để xây dựng một xã hội hài hòa, công bằng, và mọi người đều có cơ hội phát triển trong một môi trường ổn định, bền vững. Báo cáo Bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và lãnh đạo của UNDP[6] cũng khẳng định rằng trong nhiều bối cảnh, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ làm tăng cường sự tham gia và lãnh đạo chính trị của phụ nữ. Khi phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, họ thường tạo ra những giải pháp sáng tạo và dài hạn hơn cho các vấn đề xã hội và kinh tế. Sự tham gia của họ có thể thúc đẩy các chính sách bền vững và chú trọng đến phúc lợi của cộng đồng, bảo đảm sự phát triển hài hòa hơn cho tất cả các giới, từ đó góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ giúp các quốc gia không chỉ thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới mà còn cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút đầu tư và hợp tác từ các đối tác quốc tế.

Về khía cạnh môi trường, báo cáo Sự tiến bộ của Phụ nữ Thế giới 2015 – 2016 của UN Women[7] khẳng định rằng việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tạo điều kiện giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Theo UNDP, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường và phát triển con người[8]. Phụ nữ thường có góc nhìn và cách tiếp cận khác biệt trong kinh doanh và quản lý, tạo ra những giải pháp sáng tạo, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển xanh, phụ nữ có quyền năng kinh tế cao hơn sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và phát triển bền vững, nhất là trong các cộng đồng dễ bị tổn thương. Việc nâng cao quyền kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để phụ nữ tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các sáng kiến xanh và bảo vệ môi trường.

Thực trạng quyền năng kinh tế của phụ nữ Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò kinh tế quan trọng xuyên suốt lịch sử, từ thời kỳ phong kiến đến hiện đại. Trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, phụ nữ không chỉ đảm nhận công việc đồng áng mà còn phụ trách sản xuất thủ công, nuôi dưỡng gia đình và tham gia các hoạt động thương mại nhỏ lẻ. Những công việc này góp phần duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như cộng đồng địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phụ nữ Việt Nam vừa tham gia sản xuất vừa đóng vai trò quan trọng ở hậu phương, duy trì nguồn lực kinh tế để hỗ trợ tiền tuyến. Họ là lực lượng chủ lực làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp công nghiệp và đảm nhiệm các công việc hậu cần như chế biến lương thực, vận chuyển hàng hóa. Nhiều phụ nữ đã đóng vai trò dẫn dắt các phong trào thi đua lao động và trở thành lực lượng chính trong các ngành sản xuất của đất nước.

Sau thời kỳ chiến tranh và tiếp tục đến nay, vai trò kinh tế của phụ nữ ngày càng được khẳng định và cải thiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp đến thương mại và dịch vụ. Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ khá lớn phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, với 47,7% trong lực lượng lao động thành thị và 47,2% trong lực lượng lao động nông thôn[9], và chiếm số đông trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, y tế. Theo báo cáo Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chung của năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm trước (so với tỷ lệ tương ứng ở nam giới là 75,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm)[10]. Đây là một tỷ lệ cao so với nhiều quốc gia trong khu vực, cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế.

Theo Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) 2021, phụ nữ Việt Nam đang tham gia ngày càng mạnh mẽ vào các hoạt động kinh doanh với tốc độ tăng trưởng vượt trội, đạt mức hơn 20%. Tốc độ này thậm chí còn cao hơn đáng kể khi so với nam giới. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tại Việt Nam đạt 69,3%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chiếm 26,5% số lượng doanh nghiệp, tạo ra doanh thu trung bình hàng năm không hề thua kém các doanh nghiệp do nam giới điều hành[11].

Tuy nhiên, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam vẫn phải chịu sự bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội. Dù tham gia lao động nhiều, nhưng phụ nữ vẫn thường tập trung vào các ngành nghề có thu nhập thấp như nông nghiệp, công nghiệp may mặc, hoặc lao động phi chính thức. Do những yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa…, lao động nữ vẫn thường có trình độ chuyên môn thấp hơn nam giới, phải chịu nhiều rủi ro về  nguy cơ mất việc do không đáp ứng được yêu cầu đổi mới về khoa học, công nghệ, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam. Phụ nữ cũng thiệt thòi hơn nam giới trong tiếp cận với nguồn lực kinh tế. Nhiều người không có quyền sở hữu tài sản hoặc tiếp cận tín dụng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, khiến hạn chế khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế bền vững hoặc khởi nghiệp. Hơn nữa, việc thường phải đảm nhiệm cả công việc chính thức lẫn vai trò nội trợ và chăm sóc gia đình, thời gian làm việc không lương của phụ nữ trung bình gấp đôi so với nam giới, khiến phụ nữ phải chịu áp lực lớn và bị hạn chế về cơ hội phát triển kinh tế. Bạo lực gia đình và định kiến giới vẫn tiếp tục là rào cản lớn khiến nhiều phụ nữ không thể phát huy hết tiềm năng kinh tế của mình.

Một số gợi ý về giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ góp phần giảm đói nghèo, tăng trưởng kinh tế, mà còn thúc đẩy bình đẳng giới, ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước. Để đạt được điều này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức quốc tế, cùng với sự nỗ lực của bản thân phụ nữ. Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số hiện nay, khi Việt Nam cần tận dụng tối đa nguồn lực nhân lực để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp sau đây:

Về nhóm giải pháp đối với các cơ quan, tổ chức

Một là, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và chính sách hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thông qua các biện pháp như đẩy mạnh hỗ trợ, ưu tiên phụ nữ trong tiếp cận tín dụng và tài chính, xây dựng và triển khai các gói tín dụng lãi suất thấp dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và phụ nữ làm kinh tế phi chính thức. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo đảm quyền sở hữu tài sản và đất đai một cách bình đẳng cho cả hai giới, theo đó có thể ban hành bổ sung các nội dung chính sách hoặc văn bản hướng dẫn ưu tiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài sản đứng tên cả vợ và chồng, giúp phụ nữ có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn lực tài chính. Đối với các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ, cần có những quy định cụ thể để thực hiện ưu đãi thuế, phí và tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thành lập, mở rộng doanh nghiệp.

Hai là, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có thể phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng số, xây dựng các khóa học miễn phí hoặc trợ cấp học phí để giúp phụ nữ thích nghi nhanh chóng với nền kinh tế số thông qua việc được đào tạo về kỹ năng số, công nghệ và kinh doanh số. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục tài chính, phổ cập kiến thức quản lý tài chính, lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ cũng cần được quan tâm thỏa đáng.

Ba là, cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm bình đẳng giới trong thị trường lao động. Những chính sách về cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ như tiền lương bình đẳng, bảo hiểm thai sản và môi trường làm việc an toàn cần được đặc biệt chú ý ở khâu kiểm tra, giám sát thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nội dung chính sách và kết quả thực hiện trong thực tế. Cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để xóa bỏ định kiến giới, thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ, nhằm thúc đẩy có hiệu quả sự công nhận đóng góp kinh tế của họ. Đồng thời, cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý bạo lực trên cơ sở giới và đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, nghiêm chỉnh thực thi pháp luật nhằm xây dựng môi trường làm việc thân thiện, bảo đảm các chính sách về quyền làm việc, nghỉ thai sản và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tại nơi làm việc.

Bốn là, thúc đẩy các sáng kiến xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy dịch vụ công hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Việc này có thể được thực hiện bằng cách tạo điều kiện về cơ chế phát triển dịch vụ chăm sóc gia đình, đầu tư phát triển hợp lý hệ thống nhà trẻ (công lập và tư thục), dịch vụ chăm sóc người cao tuổi… để giảm gánh nặng việc nhà không lương cho phụ nữ. Các cơ quan, tổ chức, nhất là những đơn vị có nhiều lao động nữ cần xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ làm việc linh hoạt, áp dụng hình thức làm việc từ xa, làm việc linh hoạt thời gian để tạo điều kiện cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có con nhỏ cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình.

Năm là, áp dụng các biện pháp và lộ trình cụ thể, khả thi để tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức. Việc hỗ trợ phụ nữ phát triển năng lực quản lý và ra quyết định, tăng cường tỷ lệ nữ trong các vị trí lãnh đạo là rất quan trọng bởi họ có thể tạo nên những thay đổi lớn về chính sách, trên cơ sở thấu hiểu nhu cầu và năng lực của chính phụ nữ, từ đó tạo ra các mô hình phát triển bền vững, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các vị trí quản lý và ra quyết định ở doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đồng thời, cần hỗ trợ phụ nữ tham gia các khóa học phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý để có thể đảm nhiệm tốt các vị trí công tác được phân công.

Về nhóm giải pháp đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tập hợp và phát huy tối đa năng lực và sự sáng tạo của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thúc đẩy việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hội cần tận dụng vị thế đặc thù của mình để triển khai thực hiện một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao vai trò kết nối và hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho hội viên khẳng định quyền năng kinh tế của mình. Các cấp Hội có thể phối hợp với các cơ quan, tổ chức cả trong và ngoài nước thúc đẩy xây dựng mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp và doanh nhân nhằm tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kết nối vốn, thị trường và công nghệ cho phụ nữ. Đối với các hoạt động kinh tế quy mô nhỏ hơn ở cấp cộng đồng, các cấp Hội cần tiếp tục nâng cấp, cải thiện hiệu quả các hoạt động, đồng thời khuyến khích đổi mới, sáng tạo các hoạt động có tác động thực sự đến quyền năng kinh tế của phụ nữ, như đẩy mạnh hình thức nhóm tiết kiệm tín dụng, tín chấp thông qua tổ chức Hội, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ lãnh đạo trong các làng nghề truyền thống…

Thứ hai, tăng cường thực hiện các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực cho phụ nữ. Trong bối cảnh hiện nay, các cấp Hội cần đặc biệt chú ý tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số và quản lý kinh doanh, phối hợp với các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng quản lý và hội nhập kinh tế số cho hội viên. Đồng thời, cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tổ chức các chương trình giáo dục về bình đẳng giới và kỹ năng mềm ở tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm tạo điều kiện để phụ nữ tự tin tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội, thay đổi bức tranh về bình đẳng giới một cách thực chất.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và thay đổi nhận thức xã hội về bình đẳng giới nói chung và về quyền năng kinh tế của phụ nữ nói riêng. Cần thúc đẩy thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền kinh tế của phụ nữ, xóa bỏ định kiến giới và củng cố hình ảnh tích cực của người phụ nữ thời đại mới thông qua những trường hợp điển hình, khơi nguồn cảm hứng cho đông đảo phụ nữ và đặc biệt là trẻ em gái. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần tiếp tục triển khai một cách sâu rộng các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các tổ chức liên quan trong tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách phòng chống bạo lực gia đình, bảo đảm môi trường an toàn cho phụ nữ.

Về nhóm giải pháp từ phía bản thân người phụ nữ

Có thể nói, điểm khởi đầu và điểm kết thúc của việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đều nằm ở chính người phụ nữ. Do vậy, sự nỗ lực, cố gắng của bản thân người phụ nữ là vô cùng quan trọng.

Trước hết, bản thân người phụ nữ cần chủ động học hỏi và nâng cao năng lực và kiến thức của mình để có được những tri thức và kỹ năng cần thiết. Tri thức và kỹ năng là đòn bẩy mạnh mẽ để phụ nữ phát huy năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh tế mới. Do vậy, họ cần tích cực học hỏi về các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch tiết kiệm và đầu tư hiệu quả, vì tiết kiệm và quản lý tài chính là những kỹ năng thiết yếu để có thể độc lập và vững vàng về tài chính cho bản thân và cho gia đình. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, phụ nữ cần chủ động tìm hiểu và tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng số và quản lý kinh doanh để thích nghi với yêu cầu chuyển đổi số.

Thứ hai, bản thân phụ nữ cần nỗ lực thay đổi tư duy định kiến về vai trò của mỗi giới, tự tin vươn lên xóa bỏ rào cản tâm lý và khẳng định bản thân, sẵn sàng tham gia các hoạt động kinh tế và không ngừng học hỏi để nâng cao giá trị của mình. Họ cần tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ, tổ chức dành cho phụ nữ và vì phụ nữ để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và chủ động tiếp cận các nguồn lực kinh tế để cùng nhau phát triển kinh tế. Hơn ai hết, chính phụ nữ cần áp dụng lý thuyết “dán nhãn” và “gỡ nhãn” để xóa bỏ những rào cản, ràng buộc của định kiến giới, nâng cao vị thế của bản thân, vững vàng đồng hành với nam giới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, phụ nữ cần chủ động cân bằng vai trò giữa gia đình và sự nghiệp, cùng với nam giới thúc đẩy bình đẳng giới thực chất cả trong gia đình và ngoài xã hội, với sự chia sẻ trách nhiệm gia đình và tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội, nhất là với vai trò lãnh đạo, quản lý. Để làm được điều đó, phụ nữ cần sắp xếp thời gian một cách khoa học để cân bằng giữa công việc, học tập và cuộc sống gia đình, là một tác nhân tích cực và chủ động trong việc huy động sự đóng góp bình đẳng của từng thành viên trong gia đình đối với tất cả các loại công việc, nhất là trong phân bổ vai trò chăm sóc và nội trợ.

Kết luận

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm việc tạo điều kiện xây dựng và thực thi các chính sách, cơ chế của các cơ quan, tổ chức, các hoạt động đào tạo và kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cũng như sự chủ động và nỗ lực không ngừng từ bản thân mỗi người phụ nữ. Sự kết hợp đồng bộ này sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc để phụ nữ Việt Nam phát huy hết tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà còn tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ, bao trùm và công bằng hơn. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam tiến xa hơn trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, để đất nước đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PGS.TS. Lê Thị Thục

Kỷ nguyên mới và sứ mệnh của phụ nữ Việt Nam

Kỷ nguyên mới và sứ mệnh của phụ nữ Việt Nam

Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên thách thức mọi giới hạn phát triển có thể bằng nắm lấy thời cơ, xuất phát từ chính mình, với bản lĩnh tự tôn.