Giải pháp góp phần bảo vệ môi trường - Nâng cao vai trò của trí thức trong thúc đẩy tiêu dùng xanh bền vững

Để thúc đẩy tiêu dùng xanh thì có nhiều thành phần tham gia, mỗi thành phần có những vai trò chung và vai trò cụ thể riêng. Trí thức là thành phần không thể thiếu khi nói tới tiêu dùng xanh.
GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, Hội nữ trí thức Hà Nội &Trường đại học Đông Đô
GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, Hội nữ trí thức Hà Nội &Trường đại học Đông Đô

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  tuyên bố mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Điều này thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Muốn vậy bắt buộc phải đổi mới mô hình tăng trưởng  kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.

Lịch sử phát triển kinh tế thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau với những đặc trưng  kinh tế tài nguyên, biens đổi khí hậu và tăng trưởng khác nhau. Hiện đang xuất hiện một số thuật ngữ đáng quan tâm như: Kinh tế nâu-Brown economy, Kinh tế xanh- Green economy, Tăng trưởng xanh -Green growth, Kinh tế tuyến tính - Linear economy, Kinh tế tuần hoàn -Circular economy và Phát triển bền vững -Sustainable development ( Trends Viet Nam, 2022).

Hiện tại nền Kinh tế nâu vẫn đang thống trị toàn cầu, nền Kinh tế xanh mới nổi lên còn non yếu nhưng đang được ủng hộ mạnh mẽ của từng địa phương, từng quốc gia và cả thế giới. Kinh tế xanh hướng đến mục tiêu chung của phát triển bền vững (Kinh tế, xã hội, môi trường, văn hoá).

Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm nên bao hàm rất nhiều nội dung mới mẽ cần phải bàn luận rộng rải, liên tục với nhiều hình thức khác nhau. Trong khuôn khổ hội thảo này chỉ tập trung thảo luận bước đầu, sơ bộ trong thời gian ngắn với tính chất gợi mở về Tiêu dùng xanh một nội dung không thể thiếu  khi nói đến kinh tế xanh. Để thúc đẩy tiêu dùng xanh thì có nhiều thành phần tham gia, mỗi thành phần có những vai trò chung và vai trò cụ thể riêng. Trí thức là thành phần không thể thiếu khi nói tới tiêu dùng xanh.

Mục tiêu nghiên cứu nhằm là làm rõ một số lý luận về tiêu dùng xanh. Một số minh chứng về tiêu dùng xanh. Vai trò trí thức trong thúc đẩy tiêu dùng xanh.

Một số nét đơn giản về Tiêu dùng xanh 

Tiêu dùng và người tiêu dùng

Tiêu dùng (consumption) được hiểu là quá trình sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ và tài nguyên để đáp ứng nhu cầu của con người. Nó bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến mua, sử dụng và tiêu hao các sản phẩm và dịch vụ bao gồm cả đồ dùng cá nhân, thực phẩm, quần áo, điện thoại di động, xe hơi, nhà cửa, năng lượng và nhiều thứ khác. Tiêu dùng là một phần quan trọng của hoạt động kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nền kinh tế của một quốc gia. Các hoạt động tiêu dùng của người dân sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đặc biệt là trong các quốc gia có nền kinh tế dựa vào tiêu dùng. Tuy nhiên, các hoạt động tiêu dùng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người, vì vậy cần phải chú ý quản lý và sử dụng các tài nguyên và sản phẩm một cách bền vững (ISOCERT, 2024).

Tiêu dùng chịu ảnh hưởng  của những yếu tố nào?

Một số yếu tố: Thu nhập, Kỳ vọng của người tiêu dùng, Tài sản tiêu dùng và của cải, Tín dụng tiêu dùng, Lãi suất, Quy mô hộ gia đình, Các nhóm xã hội, Thị hiếu của người tiêu dùng, Khu vực.

Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại (Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023).

Tiêu dùng xanh bền vững

Tiêu dùng xanh đề cập đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không làm tổn hại đến sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, còn gọi là sản phẩm xanh, là những sản phẩm gây hại tối thiểu đến môi trường trong suốt vòng đời của chúng: bao gồm vật liệu sử dụng trong sản xuất, quy trình sản xuất, bao bì, sử dụng và xử lý thân thiện với môi trường (FPT IS, 2024).

Một số thể hiện của tiêu dùng xanh: Tiêu dùng sản phẩm hữu cơ. Tiêu dùng sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn. Tiêu dùng sản phẩm được được dán nhãn xanh. Tiêu dùng năng lượng tái tạo. Tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên được sản xuất sạch…….

Tiêu dùng xanh, bền vững là việc mua, sử dụng, tuyên truyền hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường và không gây nguy cơ cho sức khỏe con người để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống, không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau ( Quyết định số 1658/QĐTTg , 2021).

Tiêu dùng xanh chịu ảnh hưởng của những yếu tố nào? Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Theo Hồ Mỹ Dung và cộng sự( 2019) thì có  5 yếu  tố ảnh hưởng đến ý định tiêu dùng xanh là Nhận thức về môi trường. Nhận thức về sức khỏe. Nhận thức hiệu quả tiêu dùng xanh. Nhận thức về giá. Truyền thông đại chúng.

Lê Thị Thanh Loan (2023) chỉ ra các ảnh hưởng của yếu tố xã hội, tính sẵn có của sản phẩm xanh, thái độ tiêu dùng xanh, giá cả sản phẩm xanh, hoạt động quảng bá tiếp thị...

Tham khảo các nghiên cứu khác kết hợp với nghiên cứu riêng tác giả đưa ra một số yếu tố ảnh hưởng tới  tiêu dùng xanh bền vững như:

Chính sách của nhà nước về kinh tế xanh, tiêu dùng xanh;

Nhận thức và quyết định của người tiêu dùng;

Lòng tin của người tiêu dùng với thị trường tiêu dùng xanh;

Tuyên truyền về tiêu dùng xanh;

Sản xuất, cung ứng và giá cả sản phẩm xanh;

Nghiên cứu và giáo dục tiêu dùng xanh;

Tâm lý tiêu dùng theo đám đông.

GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, Hội nữ trí thức Hà Nội &Trường đại học Đông Đô
GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, Hội nữ trí thức Hà Nội &Trường đại học Đông Đô

Vai trò của trí thức trong thúc đẩy tiêu dùng xanh bền vững

Vai trò của trí thức với các chính sách tiêu dùng xanh

Để thúc đẩy tiêu dùng xanh trước hết nhà nước phải có định hướng và chinh sách hỗ trợ. Có 2 giai đoạn trong chu kỳ chính sách là ban hành, thực thi, điều chỉnh để thực thi tốt hơn. Vai trò của trí thức thể hiện qua một số hoạt đông như:

Nghiên cứu đề xuất, phản biện, góp ý để nhà nước ban hành chính sách phù hợp. Đào tạo, tập huấn, phổ biến chính sách cho từng đối tượng cụ thể. Theo dõi, đánh giá thực thi chính sách và phát hiện bất cập. Để xuất, phản biện, góp ý để đưa các chính sách vào thực tế.Đánh giá tác động của chính sách tới phát triển tiêu dùng xanh.

Muốn làm tốt vai trò thì khi nhận xét, phản biện, đề xuất thì trí thức phải tìm hiểu các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh dược thể hiện trong những văn bản nào.

Sau đây là một số văn bản chính sách cần quan tâm:

Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020

Yếu tố “xanh” lần đầu tiên được đề cập trong đó xác định việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH là yêu cầu cấp thiết. Chiến lược nhấn mạnh tới các nội dung như Nâng cao ý thức BVMT, gắn nhiệm vụ, mục tiêu BVMT với phát triển kinh té xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.

Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tiêu dùng xanh do TTCP phê duyệt ngày 25/9/2012.

Trong đó, lần đầu tiên đề cập tới tiêu dùng bền vững với các nội dung như dán Nhãn sinh thái và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường; Chi tiêu công phải gương mẫu thực hiện theo tiêu chuẩn kinh tế xanh và hướng đến mua sắm công xanh; Khuyến khích tiêu dùng bền vững trong khu vực doanh nghiệp , khu vực dân cư; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tiêu dùng bền vững.

Với quan điểm Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế; được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên; chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo vật liệu mới, tái chế. 

Chương trình số 889/QĐ-TTg về hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 TTCP phê duyệt ngày 24/6/2020.

Mục tiêu tổng quát

Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025

Có nhiều mục tiêu, trong đó có xây dựng chính sách và khuyến khích lồng ghép các nội dung sản xuất và tiêu dùng bền vững vào các chương trình đào tạo, giảng dạy ở các cấp đào tạo.

 Mục tiêu đến năm 2030

Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Quyết định số 1658/QĐTTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng  trưởng xanh  giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn tới 2050, TTCP phê duyệt ngày 1/10/2021.

Mục tiêu tổng quát

Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

4 mục tiêu cụ thể

Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP

Xanh hóa các ngành kinh tế

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu

Vai trò của trí thức trong việc thúc đẩy quyết định tiêu dùng xanh

Ra quyết định tiêu dùng xanh là một quá trình đi từ biết về tiêu dùng xanh, muốn tiêu dùng xanh, thử nghiệm tiêu dùng xanh, quyết định tiêu đùng xanh và phát triển tiêu dùng xanh. Như vậy đây là một quá trình từ chuyển biến nhận thức, tri thức đến hành động và khẳng định hành động của người tiêu dùng.

Bảng 1. Vai trò trí thức trong thúc đẩy quyết định tiêu dùng xanh

TT

Trạng thái của người tiêu dùng với tiêu dùng xanh

Trí thức nên làm gì

Tác động động đến người tiêu dùng

 

Chưa biết, chưa hiểu

Cung cấp thông tin, giả thích, tập huấn, tuyên truyền

Biết sơ bộ, biết cụ thể hơn

 

Muốn thử tiêu dùng xanh

Kết nối người tiêu dùng với người sản xuất để được thử, nếm

Biết rõ sản phẩm xanh, thích sản phẩm xanh

 

Còn một số băn khoăn, một số yêu cầu

Chuyển các yêu cầu tới bên cung ứng để hoàn thiện sản phẩm. Cho thử lại

Hài lòng, quyết định tiêu dùng

 

Tăng bền vững cho quyết định

Hỗ trợ bên sản xuất để cải thiện sản phẩm, đề xuất sản phẩm mới cho kỳ sau

Khách tiêu dùng sẽ tiêu dùng xanh lâu hơn, bền vững hơn

Nguồn: Tác giả thiết kế

Vai trò của trí thức trong việc nâng cao lòng tin của người tiêu dùng xanh

Sản phẩm cho tiêu dùng xanh phải có chất lượng cao, vệ sinh, an toàn, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiện lợi trong tiếp cận và sử dụng. Người tiêu dùng xanh rất quan tâm các tiêu chí mà bên cung ứng đã hứa, đã trao cho họ. Khi họ phát hiện ra sự không rõ ràng thì sẽ mất lòng tin có thể không bao giờ lấy lại được. Đây là một cơ hội để trí thức thể hiện vai trò, khả năng của mình trong việc giúp người tiêu dùng kiểm tra người sản xuất và giúp người sản xuất chứng minh chất lượng sản phẩm xanh của mình.

Một số thể hiện như:

Xây dựng mã QR code. Xây dựng phần mềm quản lý chất lượng sản phẩm. Tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng biết cách khai thác hỗ trợ từ Hội người tiêu dùng, câu lạc bộ tiêu dùng, chính quyền khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Tư vân hỗ trợ nâng cao trách nhiệm xã hội cho cả bên sản xuất và bên tiêu dung.

Để tư vấn hỗ trợ nâng cao lòng tin của người tiêu dùng vào lợi ích của tiêu dùng xanh, tin vào việc tra thêm tiền để mua sản phẩm  xanh là đáng giá thì một mặt trí thứ phải rất am hiểu vấn đề mình tư vẫn. Mặt khác còn phải nắm được tâm lý của từng loại người tiêu dùng.

 Vai trò của trí thức trong việc tuyên truyền, quảng bá về tiêu dùng xanh

Tuyên truyền quảng bá về tiêu dùng xanh có tầm ảnh hưởng lớn đến thay đổi hành vi tiêu dùng. Trí thức sẽ dùng các kiến thức chung và riêng để đổi mới sáng tạo trong tuyên truyền quảng bá. Khi tuyên truyền cần chọn lựa phương pháp phù hợp. Có một số cách  tuyên truyền quảng bá phổ biến hiện nay như:

Tuyên truyền miệng trực tiếp tiếp qua hội nghị, hội thảo, trao đổi thảo luận, hỏi đáp. Việc này càn có dủ tri thức để trình bày.

Tuyên truyền quảng bá qua các phương tiện thộng tin đại chúng. Việc này thường một chiều nên nghệ thuật quảng bá tuyên truyền cũng cần được nghiên cứu kỹ và phù hợp với quy định quản lý. Cần cân nhắc mức độ tiếp nhận bền vững giữa tuyên truyền quảng bá và lợi ích thực tế của sản phẩm xanh.

Tuyên truyền quảng bá qua các mạng xã hội. Việc này có tính lan tỏa nhanh trong cộng đồng mạng nhưng khi tuyên truyền quảng bá cũng cần phân biệt tiếp nhận của những người tiêu dùng có lý trí và người tiêu dùng thiển cận.

Tuyên truyền quảng bá bằng cách vẽ tranh, phát tờ rơi.

Tổ chức các sự kiện, chiến dịch như bữa ăn an toàn, người việt Nam dùng hàng Việt nam, nói không với túi ni long, mang làn đi chợ, đi học bằng xe đạp…

Vai trò của trí thức trong việc hỗ trợ sản xuất sản phẩm xanh

Sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm xanh cho tiêu dùng xanh là việc của các đơn vị sản xuất kinh doanh như hộ nông dân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiêp. Vai trò của trí thức trong các hỗ trợ có thể thông qua một số hoạt động như:

Nghiên cứu thu thập thông tin của người tiêu dùng để phản hồi lại cho người sản xuất.

Nghiên cứu cải tiến sản phẩm đã có để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh.

Trang bị kiến thức mới cho người sả xuất để đổi mới sáng tạo tìm tòi sản phẩm mới.

Liên kết, hợp tác, mua cổ phần, cổ phiếu của bên sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm xanh.

Sử dụng khả năng, mối quan hệ, vốn ngoại ngữ để kết nối các đơn vị sản xuất với trong và ngoài nước.

Cung cấp, dịch vụ, tư vấn cho bên sản xuất.

Vai trò của trí thức trong nghiên cứu và giáo dục tiêu dùng xanh

Nghiên cứu khoa học và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ vụ khoa học nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho nhà nước, bên tiêu dùng và bên sản xuất.

Đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức về tiêu dùng xanh cho cả người đã tiêu dùng và người chưa tiêu dùng, cả cho người lớn và trẻ con.

Xây dựng các tài liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng xanh với các mưc sđộ khác nhau theo từng đối tượng của xã hội.

Chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ tiêu dùng xanh.

Tuyên truyền, phổ biến và quảng bá rộng rãi các công nghệ mới, công nghệ tiến bộ.

Phân tích các khó khăn thách thức với phát triển tiêu dùng xanh như giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thói quen tiêu dùng….

Vai trò của trí thức trong việc làm mẫu, làm mô hình tiêu dùng xanh

Trí thức vừa là nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo hoặc hoạt động thực tiễn nhưng trong xã hội thì trí thức cũng là người tiêu dùng. Để đóng vai trò mẫu mực hoặc mô hình tiêu dùng xanh thì có lẽ nên thực hiện một số hành động như: 

Trí thức cần đi đầu trong tiêu dùng xanh và dắt tiêu dùng xanh cho các thế hệ trong gia đình, trong cộng đồng.

Có các hoạt động tập thể về tiêu dùng xanh như cùng nhau hợp tác đặt hàng xanh, cùng mua chung sản phẩm xanh.

Tổ chức câu lạc bộ tiêu dùng xanh, HTX tiêu dùng xanh.

Luyện tập cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn để làm minh chứng về lợi ích từ tiêu dùng xanh.

GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung

Nữ trí thức vì một hành tinh xanh: Đổi mới tư duy, hành động vì tiêu dùng bền vững

Nữ trí thức vì một hành tinh xanh: Đổi mới tư duy, hành động vì tiêu dùng bền vững

Hội thảo cùng nhau tìm kiếm các giải pháp đột phá để thúc đẩy tiêu dùng xanh, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững.