Các ý kiến được đưa ra và hầu như chưa được tranh luận rốt ráo. Nhiều tranh cãi còn bỏ ngỏ. Nhưng có một điều đã rõ, rằng những kết luận ban đầu về phát hiện một chiến trường Bạch Đằng 1288 ngay địa phận Cao Quỳ là quá nôn nóng. Chưa có kết luận giám định niên đại, chưa ngã ngũ về mục đích cuối cùng bãi cọc, mọi việc vẫn đang trong giai đoạn phỏng đoán và nghiên cứu. TS Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Khảo cổ học đô thị (Viện Khảo cổ học) cho rằng: “Đây là bước đầu tiên, bước lớn của lịch sử nên cần phải thận trọng, không vội vàng. Cần phải nghiên cứu cả sử liệu, khoa học kỹ thuật, làm tất cả các nghiên cứu khoa học có thể mới có thể đưa ra được kết quả. Hiện nay di chỉ này mới là bước khảo cổ nghiên cứu ban đầu nên việc tranh cãi là tất yếu”.
Nhưng rất nhanh, một công trình quy hoạch đã được gấp rút hoàn thiện ngay cả khi chưa có kết luận cuối cùng về bãi cọc Cao Quỳ. Người ta dự tính sẽ có một khu di tích rộng lớn nối liền di tích Bạch Đằng Giang và bãi cọc Cao Quỳ, mở cửa vào tháng 10 này. Và ngay ở khu di tích Bạch Đằng Giang, TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, đã cảnh báo: “Họ đang làm một giả định rất nguy hiểm”. Ở khu vực mô phỏng lại việc đóng cọc, hình ảnh cho thấy quân dân nhà Trần dùng bè tre mang cọc ra giữa sông đóng, người xưa dùng cọc vót nhọn hai đầu, dùng thớt đá để đóng cọc xuống sông. Những mô hình cọc ở trên sông được làm đầu bịt sắt. Thế nhưng việc “bịt sắt” là một chi tiết đã được cho là chưa hề được kiểm chứng trong lịch sử. Thêm vào đó, như lời GS-TS Lâm Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học: “Chúng ta đã có kết luận từ nhiều góc độ rồi. Chúng ta đã loại trừ câu chuyện ra giữa lòng sông để đóng cọc như từng được rao giảng nhiều năm trước rồi”.
Mô phỏng cách đóng cọc chuẩn bị trận chiến Bạch Đằng thời Trần năm 1288 ở khu di tích Bạch Đằng Giang |
Việc địa phương xác định “chính xác” về một di tích còn gây tranh cãi dường như là một điều chưa từng có tiền lệ. Sự tích cực một cách nôn nóng, có thể dẫn tới những hiểu nhầm sai lệch đáng kể về lịch sử.
Trong lúc ấy, số phận của nhiều di tích khác lại hẩm hiu hơn nhiều. Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đã được nghiên cứu hơn 20 năm qua, với rất nhiều báo cáo và di vật tìm thấy khẳng định giá trị của khu vực này. Thế nhưng, các nhà khoa học vẫn đau đớn nhìn Vườn Chuối bị xâm hại nghiêm trọng. GS-TS Lâm Mỹ Dung ngậm ngùi: “Cứ sơ sẩy một cái là công ty xây dựng sẵn lòng phá di tích và đặt ta vào sự đã rồi. Gò Mỏ Phượng mất rồi, gò Dền Rắn cũng đang lo. Chúng tôi không biết có giữ được không. Cứ qua độ vài tháng là thêm một phần di tích biến mất”.
Doanh nghiệp tranh thủ san ủi Vườn Chuối rất "tích cực" |
Cũng không đâu xa, năm 2019, di tích lò gốm Hưng Lợi (Quận 8, TP Hồ Chí Minh), một di tích cấp quốc gia bị xoá sổ chỉ trong một đêm và đơn vị xây dựng sẵn sàng chịu phạt bởi lợi ích kinh tế quá lớn so với việc giữ di tích. Nhưng cũng phải nói rằng trước đó, khu vực này đã hoang tàn và không hề có bàn tay bảo vệ của ngành văn hoá trong nhiều năm.
Câu chuyện về những “sự đã rồi” trong bảo tồn di tích vẫn liên tiếp xảy ra. Nhà khoa học thì kêu trời, ngành quản lý thì lúng túng. Sự đã rồi để nhìn di tích biến mất, nhưng cũng là sự đã rồi để nhìn những di tích chưa có kết luận rõ ràng được gắn mác lộng lẫy.
Ở khía cạnh nào, nôn nóng, hay đủng đỉnh đều có thể tạo ra những sai lệch nghiêm trọng về lịch sử. Lịch sử đòi hỏi sòng phẳng, tích cực nhưng cũng đòi hỏi sự cẩn trọng, công tâm từ tất cả các phía.
Bởi sai lầm với lịch sử, dù xuất phát từ việc vội vàng hay chậm trễ, đều có thể có tội với cha ông.
Phát hiện bãi cọc thế kỷ 13-15 ở Hải Phòng: Cần phải thận trọng khi kết luận
Có nhiều ý kiến khác nhau về niên đại của bãi cọc được xác định có khả năng liên quan đến trận đánh chống Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288.