Canh tác cà phê thông minh: Hướng đi bền vững cho ngành cà phê Tây Nguyên

Canh tác cà phê thông minh giúp nông dân nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường toàn cầu.

Cà phê Tây Nguyên bền vững đang gặp thách thức gì?

Tại Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo" do UBND huyện Ea H’leo chủ trì, phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức, ông Trương Hồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, thành viên Hội đồng khoa học Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, tính đến năm 2024, khu vực Tây Nguyên tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ngành cà phê Việt Nam khi chiếm tới 92% tổng diện tích trồng và đóng góp hơn 90% sản lượng cà phê cả nước.

Diện tích trồng cà phê toàn vùng đạt khoảng 640.000 ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk dẫn đầu với khoảng 212.000 ha. Tuy nhiên, dù đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, ngành cà phê Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực từ thị trường toàn cầu.

Năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, kim ngạch 5,48 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng giảm gần 19%, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng tới 29%. Điều này phản ánh xu hướng tăng giá nhưng cũng cho thấy sản lượng và chất lượng đầu ra đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều yếu tố, đặc biệt là sự suy giảm của hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống.

Theo ông Trương Hồng, Tây Nguyên hiện nay không chỉ đứng trước áp lực sản xuất đạt năng suất và chất lượng cao, mà còn phải ứng phó với hàng loạt yếu tố bất lợi mang tính dài hạn, đòi hỏi tư duy phát triển mới.

Diễn biến thời tiết bất thường như nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, khô hạn cục bộ... đang ảnh hưởng rõ rệt đến các giai đoạn sinh trưởng của cây cà phê. Tình trạng ra hoa kém, đậu quả không đồng đều dẫn đến năng suất và chất lượng cà phê suy giảm. Đồng thời, thời tiết cực đoan tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nhanh hơn, làm tăng chi phí chăm sóc và phòng trừ dịch hại.

Lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền thăm quan điểm trình diễn canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên.
Lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền thăm quan điểm trình diễn canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên.

 Sau nhiều năm thâm canh liên tục với cường độ cao, đất trồng cà phê tại Tây Nguyên đang cạn kiệt dinh dưỡng. Việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khiến hệ vi sinh vật đất bị phá vỡ, pH đất giảm mạnh (trên 80% mẫu đất có pHKCl <4), hiệu quả sử dụng phân bón giảm, buộc nông dân phải tăng liều lượng để duy trì năng suất. Hệ quả là chi phí sản xuất ngày càng cao, hiệu quả kinh tế giảm sút.

"Phần lớn nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, ít liên kết và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Việc thiếu thông tin về xu hướng thị trường, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, truy xuất nguồn gốc… khiến họ khó tiếp cận các thị trường lớn như EU, đặc biệt là trước yêu cầu khắt khe của Quy định chống phá rừng (EUDR). Điều này cũng khiến nông sản Việt khó đạt các chứng nhận bền vững như Fair Trade hay Rainforest Alliance" ông Trường nhận định. 

Vì vậy theo vị chuyên gia này, việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác như sử dụng giống mới, tưới tiết kiệm, bón phân theo dinh dưỡng đất hay áp dụng công nghệ số còn manh mún, thiếu đồng bộ. Tâm lý bảo thủ, đề cao kinh nghiệm cá nhân của một bộ phận nông dân khiến việc chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững gặp nhiều rào cản.

Canh tác cà phê thông minh – Lối đi tất yếu

Theo ông Trương Hồng, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tài nguyên đất và nước suy giảm, yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu và Mỹ, ngành cà phê Việt Nam buộc phải chuyển mình. Trong đó, mô hình Canh tác cà phê thông minh (Smart Coffee Farming – SCF) đang nổi lên như một giải pháp chiến lược, giúp người nông dân không chỉ tăng năng suất và tối ưu chi phí, mà còn đảm bảo được yếu tố môi trường, khả năng truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu như phương pháp canh tác truyền thống dựa nhiều vào kinh nghiệm và quy trình cố định, thì SCF hướng đến sự linh hoạt trong áp dụng công nghệ hiện đại. Từ khâu chọn giống, tưới tiêu, bón phân, đến thu hoạch, sơ chế và truy xuất nguồn gốc – tất cả đều được tích hợp với các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống cảm biến thông minh.

Không dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật, SCF còn thể hiện năng lực thích ứng mạnh mẽ với những thay đổi trong chính sách thị trường, yêu cầu sản phẩm và điều kiện thời tiết. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh các quy định như EUDR của EU về chống phá rừng và phát thải carbon đang tạo áp lực lớn cho chuỗi cung ứng nông sản, bao gồm cả cà phê.

Bà con nông dân tìm hiểu về các sản phẩm phân bóncho cây cà phê. 
Bà con nông dân tìm hiểu về các sản phẩm phân bóncho cây cà phê. 

Một trong những bước đầu tiên trong SCF là chọn giống cà phê phù hợp. Các giống như TRS1, TR4, TR9, TR14, TR15 đã được kiểm nghiệm cho năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như thích nghi với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, mô hình còn khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm trên vườn cà phê, như trồng xen cây che bóng, cây dược liệu, kết hợp đai rừng chắn gió, vừa giúp tăng thu nhập, vừa bảo vệ hệ sinh thái.

Thay vì bón phân theo thói quen, SCF dựa vào phân tích độ phì nhiêu của đất định kỳ (khoảng 4–5 năm/lần) để xác định chính xác nhu cầu dinh dưỡng. Việc kết hợp phân bón hóa học với phân hữu cơ giúp cải thiện lý hóa tính đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân từ 5–20% và giảm chi phí 5–15%. Ngoài ra, SCF còn áp dụng bản đồ dinh dưỡng và phân bón thông minh, từ đó tăng cường sức đề kháng của cây và giảm phát thải môi trường.

Tưới nước đúng thời điểm quyết định đến tỷ lệ hoa nở và năng suất sau này. SCF khuyến nghị sử dụng thiết bị đo độ ẩm đất để xác định chính xác thời điểm tưới, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, và nếu có điều kiện, nên triển khai hệ thống tưới IoT tự động. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm nước, mà còn giúp cây được chăm sóc đúng lúc, đúng nhu cầu.

SCF ứng dụng IPHM – tức quản lý tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cây cà phê, như đất, nước, sinh vật có ích, sinh vật gây hại, thời tiết. Hạn chế tối đa thuốc hóa học, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Biện pháp này không chỉ nâng cao sức đề kháng cây trồng, mà còn giúp duy trì sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Hệ thống cảm biến thông minh có thể giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ dinh dưỡng đất theo thời gian thực. Những dữ liệu này được truyền đến điện thoại thông minh của nông dân, giúp họ ra quyết định kịp thời và chính xác trong chăm sóc cây trồng. Đây là bước chuyển đổi từ nông nghiệp dựa vào cảm tính sang nông nghiệp số.

AI và Big Data giúp phân tích hàng triệu dữ liệu từ quá khứ đến hiện tại để dự báo sâu bệnh, khí hậu, năng suất, thời điểm thu hoạch, từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể về lịch tưới, lịch bón phân, cải tạo đất… Điều này giúp nông dân tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu rủi ro sản xuất.

Máy bay không người lái (drone) và robot có thể hỗ trợ trong giám sát, phun chế phẩm sinh học, và thậm chí là thu hoạch cà phê tự động. Công nghệ này đặc biệt hữu ích với những vùng canh tác quy mô lớn hoặc thiếu lao động.

Mục tiêu sau cùng của SCF là hướng đến một nền sản xuất cà phê hiệu quả – bền vững – thân thiện với môi trường. Cụ thể: Tăng năng suất và chất lượng hạt cà phê; Tiết kiệm tài nguyên đất, nước và vật tư nông nghiệp. Đảm bảo sức khỏe cho cây trồng, con người và hệ sinh thái và tăng thu nhập bền vững và cải thiện đời sống cho người nông dân.

Canh tác cà phê thông minh không còn là lựa chọn, mà là điều tất yếu nếu Việt Nam muốn giữ vững vị trí là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Đây là mô hình không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong hành trình chuyển đổi nông nghiệp xanh – sạch – bền vững. Việc đầu tư cho SCF hôm nay chính là đặt nền móng vững chắc cho ngành cà phê Việt Nam trong tương lai.

CẨM MY

Cà phê và củ dền, sự kết hợp kỳ lạ đem lại hiệu quả bất ngờ

Cà phê và củ dền, sự kết hợp kỳ lạ đem lại hiệu quả bất ngờ

Nghiên cứu cho thấy công thức đồ uống mới này có thể cải thiện sức khỏe đáng ngạc nhiên cho những vận động viên không chuyên.