Bộ GD&ĐT vừa đưa dự thảo quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh nhằm lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 6/5 - 6/7. Thông tư này khi được ban hành sẽ thay thế cho Thông tư 08/1988, ra đời cách đây gần 40 năm.
Theo dự thảo Thông tư, biện pháp kỷ luật đối với học sinh bậc tiểu học khi vi phạm là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh. Đối với học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.
Trước đó, Thông tư 08 quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh có các hình thức kỷ luật là khiển trách trước lớp, trước trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ trường học. Các hình thức phê bình trước lớp, trường đã bị bỏ. Mức kỷ luật cao nhất với học sinh là tạm dừng học có thời hạn, thường là 1-4 tuần.
Nếu quy định mới được thông qua, mức kỷ luật cao nhất với học sinh THCS, THPT là viết bản tự kiểm điểm, bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Từ “đuổi học” đến “giáo dục lại”: Một bước tiến nhân văn
Như đã nói ở trên, điểm nổi bật nhất trong dự thảo chính là việc loại bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh, vốn từng là mức kỷ luật cao nhất từ năm 2020. Thay vào đó, trọng tâm chuyển sang các hình thức mang tính chất nội tâm, tự nhận thức và sửa đổi hành vi. Đối với nhiều chuyên gia, nhà giáo dục và phụ huynh, đây là một bước chuyển đầy tính nhân văn.
Trong một môi trường học đường lý tưởng, học sinh được nhìn nhận không phải là những cá thể “hoàn hảo”, mà là những người đang trên hành trình hình thành nhân cách. Khi các em mắc lỗi, nhiệm vụ của nhà trường không phải là loại bỏ, mà là hướng dẫn, bao dung và giúp các em sửa sai.
Việc đình chỉ học, đuổi học – dù chỉ mang tính tạm thời – cũng vô tình tạo ra nguy cơ đẩy các em ra khỏi vòng tay giáo dục, nơi lẽ ra phải là bệ đỡ để các em quay đầu.
Nói về việc dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học, một giáo viên lâu năm ở Nam Định cho rằng, việc này là rất nên. Theo cô giáo này, với nhiều học sinh hư, đình chỉ học không phải "bị" mà là "được". Các em thích thú vì "được nghỉ", "được ở nhà chơi". Bố mẹ đi làm cả ngày, không có giáo viên quản lý ở trên trường, các em dễ sa vào tệ nạn. Có những em, sau 1, 2 tuần bị đình chỉ thậm chí còn bỏ học luôn.
Làm như vậy, thì cách giáo dục đình chỉ vô tình "ruồng bỏ" học sinh, thay vì giáo dục. "Như vậy là thiếu nhân văn, nhà trường, thầy cô không dạy được nên đẩy học sinh cho xã hội", cô giáo này nhận định.
Việc không lưu dấu kỷ luật trong học bạ cũng là một động thái tích cực. Nó cho thấy sự thấu hiểu tâm lý tuổi học trò và tầm quan trọng của việc cho học sinh “cơ hội làm lại”. Một học sinh vi phạm không đồng nghĩa với một học sinh “hư hỏng vĩnh viễn”, và càng không nên để một vết mực trong học bạ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai học tập và nghề nghiệp sau này.
Nhưng bao dung có dễ khiến học sinh "nhờn", coi trời bằng vung?
Mặc dù tư tưởng nhân văn của dự thảo được đánh giá cao, không ít ý kiến lo ngại liệu quy định này có đang tước đi những công cụ quan trọng mà nhà trường cần trong việc xử lý các vi phạm nghiêm trọng.
Anh Phạm Quang Vinh (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ rõ sự lo ngại. Phụ huynh này chia sẻ: "Ở lớp con tôi có một bạn khá hư, thường bày trò nghịch ngợm, làm ảnh hưởng đến các bạn khác, đặc biệt là bạn nào ngồi cạnh. Giáo viên nhắc thế nào cũng không xong, viết bản kiểm điểm đến cả chục bản cũng không sợ. Giờ bỏ đình chỉ học thì không biết học sinh hư sẽ như nào, còn gì để sợ không?".
Chị Vũ Phương Linh (TP.HCM) thì thắc mắc: Tại sao trường học có khen thưởng lại không có kỷ luật? Theo ý kiến của chị Linh, học sinh ngày này có nhiều quyền hơn ngày xưa, các em không sợ thầy cô mà còn sẵn sàng quay phim, chụp ảnh, "bóc phốt" ngược lại người thầy bất cứ lúc nào.
"Một bản kiểm điểm không khiến các em sợ. Chúng ta phản đối bảo lực nhưng bắt buộc phải có kỷ luật. Kỷ luật nghiêm khắc thì mới uốn nắn được học sinh nên người", phụ huynh này bày tỏ.
![]() |
Với những học sinh mắc lỗi nghiêm trọng, không đình chỉ, nhưng nếu chỉ một bản kiểm điểm liệu có khiến các em biết sợ? (Ảnh minh hoạ) |
Trong thực tế, không phải mọi hành vi sai phạm của học sinh đều xuất phát từ sự non nớt, vô tình. Có những trường hợp mang tính chất cố ý, thách thức kỷ cương học đường – như bạo lực học đường, quay video xúc phạm giáo viên, phá hoại tài sản, hoặc kích động người khác vi phạm.
Trong những tình huống đó, như phụ huynh Vũ Phương Linh lo ngại: Liệu một bản kiểm điểm có đủ sức răn đe?
Khi bỏ đình chỉ học – một hình thức tuy cứng rắn nhưng vẫn giới hạn và có thời hạn – nhà trường sẽ thiếu đi một “khoảng dừng bắt buộc” để học sinh suy nghĩ, để phụ huynh và giáo viên có thể can thiệp, và để môi trường học đường không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những hành vi sai trái liên tiếp.
Một chuyên gia giáo dục thì nhận định: “Không phải hình phạt nào cũng là trừng phạt. Có những lúc, việc cách ly tạm thời là để cứu lấy người học và cả tập thể”. Nếu thiếu các biện pháp mạnh, nhà trường có thể gặp khó khăn trong việc giữ gìn kỷ luật, đặc biệt trong bối cảnh nhiều học sinh ngày nay đang có xu hướng "nhờn luật", thiếu sự tôn trọng đối với giáo viên và nội quy học đường.
Cần đi kèm cơ chế hỗ trợ
Một điểm then chốt để dự thảo đi vào cuộc sống hiệu quả là năng lực thực thi của các trường học. Bao dung không có nghĩa là buông lỏng. Nếu bỏ các hình thức đình chỉ, nhưng không có đủ giáo viên tư vấn, chuyên viên tâm lý học đường, hoặc chương trình giáo dục phục hồi hành vi cho học sinh cá biệt, thì việc "giáo dục lại" chỉ là khẩu hiệu.
Thêm vào đó, phụ huynh và học sinh cần được truyền thông rõ ràng về sự thay đổi này. Nếu chỉ thay đổi từ phía nhà trường mà không có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình, thì việc xử lý các tình huống vi phạm sẽ dễ bị hiểu nhầm là “nuông chiều”, “làm ngơ”, khiến lòng tin vào kỷ cương học đường suy giảm.
Cần có cơ chế bắt buộc phụ huynh tham gia vào quá trình giáo dục lại học sinh, vì gia đình là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hành vi của các em. Về phía nhà trường, giáo viên, cần có chương trình đào tạo cụ thể để giáo viên biết cách xử lý các tình huống vi phạm một cách nhân văn nhưng vẫn nghiêm khắc.
Năm 2020, trả lời phỏng vấn báo chí, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Trong các trường hợp cụ thể, có thể sẽ phải tạm đình chỉ học tập tại lớp của học sinh. Nhưng việc này chỉ có ý nghĩa giáo dục nếu nhà trường và trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm phải rõ trách nhiệm của mình tiếp tục theo sát học sinh, chứ không phải "đình chỉ" là buông bỏ, giao về cho gia đình.
Tuy nhiên, việc giáo dục chỉ hiệu quả khi có thể biến việc kỷ luật của nhà trường thành tự kỷ luật của học sinh. Có nghĩa học sinh phải tự giác, phải thực tâm nhận ra khuyết điểm, muốn thay đổi. Để làm được điều đó, phải có hàng loạt giải pháp để nắm được nguyên nhân phạm lỗi, hoàn cảnh gia đình học sinh, thậm chí có các can thiệp điều trị về tâm lý cho học sinh.
Thực tế là không phải trường nào cũng làm được.
Được biết, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) là trường có nhiều năm áp dụng hình thức "phạt bằng lao động", trong đó mức kỷ luật nghiêm khắc nhất là "lao động trong hè". Học sinh phải lao động trong hè thường được thông báo kế hoạch trước trên cơ sở trao đổi, thống nhất với cha mẹ học sinh.
Nhiều học sinh phạm lỗi sau khi được "giao nhiệm vụ lao động" đã bày tỏ thái độ tích cực vì nhận ra "cái giá" phải trả cho hành động sai của mình.
Ngoài "phạt bằng lao động" như trường THPT Phan Huy Chú, một số quốc gia trên thế giới hiện đang áp dụng các mô hình kỷ luật tích cực, chẳng hạn như hoạt động cộng đồng hoặc các buổi học về kỹ năng sống.
Một ví dụ tiêu biểu là tại khu vực Oakland, bang California, Hoa Kỳ, quận trường học Oakland Unified School District (OUSD) đã áp dụng Thực hành Phục hồi từ năm 2006, bắt đầu từ một trường trung học cơ sở có tỷ lệ đình chỉ học cao.
Thay vì sử dụng các hình thức kỷ luật như đình chỉ hay đuổi học, các trường trong quận tổ chức vòng tròn trò chuyện (nơi học sinh và giáo viên thảo luận để xây dựng sự đồng cảm), hội nghị phục hồi (buổi gặp để giải quyết xung đột giữa các bên liên quan), và các hoạt động tái hòa nhập như lao động cộng đồng. Những phương pháp này giúp giải quyết xung đột và xây dựng một môi trường học đường tích cực hơn.
Kết luận
Dự thảo Thông tư mới của Bộ GD&ĐT là bước đi thể hiện một tư duy tiến bộ, coi trọng quyền trẻ em, giảm thiểu tác động tiêu cực của hình phạt và nhấn mạnh vai trò giáo dục nhân cách. Tuy nhiên, để không bị rơi vào tình trạng “mềm mà không hiệu quả”, cần có những biện pháp hỗ trợ song hành – từ nguồn lực nhân sự, chương trình giáo dục hành vi, đến cơ chế phối hợp với phụ huynh.
Bao dung là tốt, nhưng không nên nhầm lẫn với sự thiếu nghiêm khắc. Một nền giáo dục nhân văn lý tưởng là nơi học sinh được sai – và được dạy để không sai nữa. Nhưng để làm được điều đó, nhà trường phải được trao đủ công cụ và năng lực để vừa cảm hóa, vừa đảm bảo kỷ cương.
So sánh 1 tiêu chí khi thi vào 10 của TP.HCM, nhiều phụ huynh Hà Nội lo sốt vó: Bắt học sinh phải "ĂN MAY"?
Nhiều người cho rằng, khác biệt này dẫn đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh cũng chênh lệch đáng kể.