Sau bão lũ, nhiều người dân ở Quảng Ngãi phải nhập viện do bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Sau khi lũ rút, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở Quảng Ngãi. Nhiều người phải nhập viện do bị loài rắn này cắn.

Đầu tiên là trường hợp bà Lương Thị L. (thôn An Ninh, phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ), trong lúc di dời vật dụng trong nhà lên vị trí cao ráo để tránh nước lụt, bà đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải. Bà L. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm trong tình trạng chân sưng và chảy máu. 

Tương tự là bệnh nhi Đinh Lý Duy (11 tuổi) ở xã Sơn Dung (Sơn Tây), em cũng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng phù nề nửa người, vết cắn ở hai mu bàn tay hoại tử, chảy máu nặng vì rắn lục đuôi đỏ cắn. 

Ngoài ra còn có bệnh nhi Hồ Văn Tuấn  (10 tuổi), ngụ huyện Trà Bồng, em bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc chơi đùa gần nhà. Vết cắn ở chân đã khiến Tuấn bị phù nề và chảy máu liên tục. 

Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm, từ sau bão số 9 đến nay đã có nhiều ca bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải cấp cứu tại bệnh viện.

Hiện, Quảng Ngãi đang bước vào mùa mưa cũng là mùa rắn lục đuôi đỏ sinh sản nên số trường hợp nhập viện do loài rắn này cắn ngày càng nhiều. Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, hiện có hơn 10 trường hợp đang điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Hầu hết các trường hợp này đều ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi có nhiều cây cối rậm rạp.

Số lượng bệnh nhân nhập viện do rắn cắn sau mưa bão tăng. 
Số lượng bệnh nhân nhập viện do rắn cắn sau mưa bão tăng. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, khoa Hồi sức tích cực chống độc A, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nguy hiểm hơn, nếu không sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể sốc tâm lý, chất độc di chuyển đến tim, rối loạn đông máu và nguy hiểm đến tính mạng.  

Theo bác sĩ Dũng, khi bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, nạn nhân tuyệt đối không đắp các loại lá hay thảo dược mà cần sơ cứu đúng cách.

Đầu tiên, nạn nhân cần được rửa sạch vết thương, đặt nằm thoải mái, phần bị thương cao hơn để giảm áp lực máu. Sau đó, băng ép miếng gạc hoặc khăn phía trên vết thương từ 5-10 cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Lưu ý, khi bị rắn cắn người dân tuyệt đối không rạch rộng vết thương, không tự ý buộc dây ga-rô chặt ở vị trí rắn cắn và phải tháo tất cả các dụng cụ, đồ trang sức. Bởi việc bị cố định kéo dài có thể làm cho vết cắn sưng nề nặng hơn, dẫn đến hoại tử chi về sau.  

Theo các nhà khoa học, rắn lục đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae). Đây là loại rắn cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Rắn lục đuôi đỏ thường sống trong các bụi rậm, cây cối, nên da màu xanh của loài rắn này có thể dễ dàng ngụy trang mà người dân khó phát hiện. Vì không phải bệnh viện nào cũng có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn, do đó bác sĩ Dũng khuyến cáo người dân nên thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, phát quang bụi rậm.

Khi dọn dẹp, người dân nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay dày, trùm kín vùng đầu, cổ, mặt, đeo kính bảo hộ và khua gậy dài trước khi dọn cỏ. Đồng thời, các gia đình có thể trồng các loại cây như sả, sắn dây, hoa lan tỏi để ngăn không cho rắn lục đuôi đỏ đến gần. 

MY MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương