Phụ nữ vô sinh, độc thân có thêm lựa chọn làm mẹ hợp pháp

Nghị định 207/2025/NĐ-CP mở ra hy vọng cho phụ nữ hiếm muộn, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, bảo vệ quyền lợi trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ, giúp họ vững tin hơn trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc gia đình.
Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 207/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2025, quy định chi tiết về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và các điều kiện liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Nghị định 207/2025/NĐ-CP làm rõ các quy định về việc hiến, nhận, sử dụng, lưu giữ và gửi tinh trùng, noãn, phôi. Đồng thời, Nghị định cũng đề cập cụ thể đến các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều kiện, hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền cấp phép cho các cơ sở y tế thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Nguyên tắc quan trọng trong hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ: Nghị định đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ nhằm đảm bảo tính nhân văn và minh bạch. Theo đó, việc hiến tinh trùng, noãn, phôi chỉ được thực hiện tại một cơ sở được phép lưu giữ. Tinh trùng, noãn, phôi hiến tặng chỉ được sử dụng cho một phụ nữ hoặc một cặp vợ chồng để sinh con, tuân thủ nguyên tắc vô danh giữa người hiến và người nhận.

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chỉ được áp dụng cho các cặp vợ chồng vô sinh, có chỉ định y tế hoặc phụ nữ độc thân có nguyện vọng. Đặc biệt, Nghị định nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình cho vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ và trẻ sinh ra từ phương pháp này.

Điều kiện cấp phép cho cơ sở y tế thực hiện mang thai hộ: Để được cấp phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, các cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt tại Điều 12 của Nghị định:

Kinh nghiệm chuyên môn, cơ sở phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, với số lượng tối thiểu 500 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Đội ngũ tư vấn, phải có người tư vấn về y tế (bác sĩ chuyên khoa phụ sản), tư vấn tâm lý (trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên hoặc bác sĩ có chứng chỉ đào tạo về tâm lý) và tư vấn pháp lý (cử nhân luật trở lên). Người tư vấn y tế phải là nhân sự của cơ sở, trong khi người tư vấn tâm lý và pháp lý có thể là nhân sự hợp tác.

Thẩm quyền cấp phép cho các cơ sở này thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an đối với các cơ sở thuộc quyền quản lý của mình.

Hồ sơ và thủ tục cho việc mang thai hộ: Các cặp vợ chồng vô sinh muốn nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần nộp hồ sơ tại cơ sở y tế được cấp phép. Hồ sơ bao gồm.

Đơn đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo mẫu quy định. Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân thích cùng hàng của bên mang thai hộ hoặc bên nhờ mang thai hộ (như anh, chị, em ruột; anh, chị, em con chú, bác, cô, cậu, dì).

Giấy tờ chứng minh người mang thai hộ đã từng sinh con (Giấy khai sinh/chứng sinh của con hoặc xác nhận của UBND cấp xã). Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ sở y tế sẽ tiến hành khám sức khỏe cho cả người mang thai hộ và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Đồng thời, cơ sở sẽ xác nhận về việc người vợ bên nhờ mang thai hộ không thể mang thai và sinh con, cũng như khả năng mang thai hộ của người phụ nữ mang thai hộ.

Trường hợp đủ điều kiện sức khỏe, cơ sở sẽ thực hiện tư vấn chi tiết về y tế, tâm lý (lợi ích và rủi ro) và pháp lý (quyền và nghĩa vụ) trước khi tiến hành kỹ thuật mang thai hộ. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện, cơ sở sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do trong vòng 10 ngày làm việc.

Nghị định 207/2025/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý, giúp các gia đình hiếm muộn có thêm cơ hội thực hiện ước mơ làm cha mẹ một cách nhân văn và an toàn, đồng thời đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của nhà nước trong lĩnh vực y tế đặc thù này.

Hoàng Toàn

 Điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại

Điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại

Hàng chục nghìn gia đình hiếm muộn được khám, điều trị thành công tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.