Thế hệ trẻ thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản tình dục: Chúng ta đã làm gì, chúng ta cần gì?

Tọa đàm: Thanh niên tiên phong thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản tình dục: Chúng ta đã làm được gì? Chúng ta cần gì? Hoạt động thuộc chương trình SLEAD

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Trung Tâm Sáng Kiến Sức Khỏe Và Dân Số (CCIHP) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam và các tổ chức thuộc Mạng lưới Phòng Ngừa và Ứng phó Bạo lực trên cơ sở giới (GBVNet) tổ chức Tọa đàm: "Thanh niên tiên phong thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản tình dục (QSKSSTD): Chúng ta đã làm được gì? Chúng ta cần gì?" Hoạt động thuộc chương trình SLEAD – tăng cường năng lực cho các lãnh đạo thanh niên trong thúc đẩy quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục do Bộ ngoại giao Vương quốc Hà Lan tài trợ.

Tọa đàm: “Thanh niên tiên phong thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản tình dục (QSKSSTD): Chúng ta đã làm được gì? Chúng ta cần gì?” thu hút được hơn 100 đại biểu tham dự
Tọa đàm: “Thanh niên tiên phong thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản tình dục (QSKSSTD): Chúng ta đã làm được gì? Chúng ta cần gì?” thu hút được hơn 100 đại biểu tham dự

Tọa đàm được thực hiện với mong muốn tạo nên một không gian cho các bạn thanh - thiếu niên thảo luận khái niệm lãnh đạo thanh niên (youth leadership), đưa ra các bài học về lãnh đạo thanh niên trong thúc đẩy bình đẳng giới và quyền sức khỏe sinh sản và tình dục và kết nối lãnh đạo thanh niên ở các cộng đồng thanh niên khác nhau với nhau và với các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ và chính sách.

Chương trình có sự tham gia của đại diện Quốc Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Thanh thiếu niên - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, ban ngành, đại diện các tổ chức thuộc Mạng lưới Phòng Ngừa và Ứng phó Bạo lực trên cơ sở giới (GBVNet), các cơ quan Liên hợp quốc, các cơ quan ngoại giao các nước, đại diện các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các nhóm cộng đồng tại Việt Nam, chuyên gia, đại diện các trường đại học, các cơ quan thông tấn báo chí và hơn 50 đại diện thanh niên đến từ các nhóm thanh niên đa dạng khác nhau: sinh viên, học sinh, lao động tự do, di cư, dân tộc thiểu số, khuyết tật, LGBTQI...

TS.BS Hoàng Tú Anh - Trung Tâm Sáng Kiến Sức Khỏe Và Dân Số (CCIHP) phát biểu khai mạc Tọa đàm
TS.BS Hoàng Tú Anh - Trung Tâm Sáng Kiến Sức Khỏe Và Dân Số (CCIHP) phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc, TS.BS Hoàng Tú Anh - Trung Tâm Sáng Kiến Sức Khỏe Và Dân Số (CCIHP) chia sẻ: “Thông thường khi nhắc đến thanh niên, chúng ta vẫn hay nghĩ đến những người trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều vị thế và ít cơ hội lên tiếng nói. Tuy nhiên, khi Việt Nam đang trên đà phát triển cả về kinh tế, xã hội, tiến bộ về khoa học - kĩ thuật song hành với nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt là về vấn đề sức khoẻ sinh sản và tình dục thì người trẻ có sứ mệnh trong việc đòi hỏi và thực hiện quyền của mình. Là người trẻ, chúng ta đừng chờ đợi “cờ đến tay ai người đấy phất”, hãy chủ động đi tìm kiếm và giành lấy lá cờ của mình, hay tự tạo lá cờ của mình. Dù đây là một hành trình nhiều thách thức, nhưng chúng tôi kì vọng rằng chương trình hôm nay sẽ là bước khởi đầu, không gian để các lãnh đạo trẻ, các nhóm thanh niên có thể kết nối để mỗi bạn thanh thiếu niên có thể trở thành người tiên phong, dẫn dắt sự thay đổi.”

Chương trình được tiếp nối với Phiên thảo luận toàn thể 1 với chủ đề Lãnh đạo thanh niên trong thúc đẩy QSKSSTD: Từ lý thuyết đến thực tế.

Từ kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành với các chương trình thanh niên, bà Đỗ Thuỳ Dương - Thành viên chương trình Lãnh đạo trẻ Châu Á vì công bằng y tế chia sẻ về những phẩm chất cần có của một lãnh đạo trẻ: Chân thực với chính mình; Chính trực với thế giới; Nghĩ cho những thứ lớn hơn bản thân để tạo ra nhiều giá trị hơn, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội; Chịu trách nhiệm với những thay đổi diễn ra xung quanh mình. Bà Dương cũng nhấn mạnh: “Tinh thần lãnh đạo cần được xây dựng thay vì chỉ tìm kiếm vị trí lãnh đạo, muốn trở thành người lãnh đạo, tạo nên sự thay đổi thì không thể làm một mình, hãy tìm người đồng hành để chia sẻ tầm nhìn, định hướng, mục tiêu cùng nhau.”

Trong những năm gần đây, các chương trình lãnh đạo thanh niên đang gia tăng về số lượng, các bạn thanh niên được tạo nhiều điều kiện, cơ hội và sự hỗ trợ để thực hiện các hoạt động hướng tới phát triển bền vững.

Bạn Lê Thu Giang - Đại diện nhóm Thanh niên SLEAD chia sẻ tại Tọa đàm
Bạn Lê Thu Giang - Đại diện nhóm Thanh niên SLEAD chia sẻ tại Tọa đàm


SLEAD là sáng kiến của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) thực hiện ba chiến lược "chân kiềng": Tăng cường kiến thức và kĩ năng về lãnh đạo, sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản và quyền; Áp dụng các kiến thức và kĩ năng về lãnh đạo trong các sáng kiến thúc đẩy quyền sức khỏe tình dục và sinh sản của thanh niên; Tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của thanh niên trong xây dựng bằng chứng và đối thoại chính sách. 

Bạn Lê Thu Giang - Đại diện nhóm Thanh niên SLEAD - Chương trình tăng cường kĩ năng cho các lãnh đạo thanh niên nhằm thúc đẩy thực hiện quyền của thanh niên về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho biết: “Thanh niên có rất nhiều nội lực và giữ lửa, lan toả các giá trị tốt đẹp. Các lãnh đạo SLEAD với 57 thành viên từ mọi miền tổ quốc đã lớn lên theo các chương trình nâng cao năng lực, truyền cảm hứng, và từ các lý thuyết ấy áp dụng để trưởng thành. Việc đồng hành cùng thanh niên là vô cùng cần thiết".

Mạng lưới 2030 Youth Force Việt Nam: Là một trong những Mạng lưới các tổ chức Thanh thiếu niên phi lợi nhuận đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam tập trung vào thúc đẩy chất lượng hoạt động phát triển cộng đồng và tạo tác động xã hội, nhằm góp phần vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Chủ tịch Mạng lưới 2030 Youth Force Việt Nam - Đào Ngọc Phương Linh chia sẻ về những sáng kiến, những thách thức của mạng lưới Youth Force 2030 trong tiến trình làm mạng lưới tiên phong của thanh niên tham gia thúc đẩy việc thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Bên cạnh những thành tích đạt được, Linh cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức gặp phải khi thực hiện chương trình: “Các nhóm thanh niên vẫn chưa có tư cách pháp nhân nên sẽ gặp khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực. Ngoài ra những người trẻ cũng có hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm vận hành, quản lý.” Phương Linh cũng đưa ra đề xuất để tăng cường năng lực và sự tham gia của thanh niên, trong đó quan trọng nhất là sự hỗ trợ của các tổ chức và sự kết nối, chung tay giữa các nhóm thanh niên.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD tổng kết phiên toàn thể buổi sáng
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD tổng kết phiên toàn thể buổi sáng

Tổng kết phiên toàn thể buổi sáng, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD chia sẻ “Thanh niên là những người tạo nên và dẫn dắt những sự thay đổi, tiềm năng và sức ảnh hưởng của các bạn thanh niên vô cùng lớn. Do đó, việc đầu tư phát triển thế hệ thanh niên vô cùng quan trọng, trong đó kỹ năng lãnh đạo sẽ giúp các bạn trưởng thành, lãnh đạo chính bản thân mình, trở thành người độc lập, tự chủ và tự lựa chọn con đường, phiên bản tốt nhất của chính mình trong thực tiễn. Ngoài ra, đi từ lãnh đạo bản thân, đó là con đường lãnh đạo đội nhóm, cộng đồng và tạo những sự thay đổi tích cực, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, quyền SKSSTD của thanh niên và cả tiến trình đóng góp xây dựng đất nước, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững".

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tham gia đã tổ chức 3 phiên thảo luận song song xoay quanh chủ đề: Thành công và thách thức của lãnh đạo thanh niên trong thúc đẩy QSKSSTD.

Các đại biểu thanh niên chia sẻ tại Tọa đàm
Các đại biểu thanh niên chia sẻ tại Tọa đàm

Tại phiên song song thứ nhất - “Các mô hình lãnh đạo thanh niên: câu hỏi về tính phù hợp, hiệu quả và bền vững”, đại diện các chương trình lãnh đạo thanh niên đã giới thiệu các mô hình cũng như kinh nghiệm vận hành của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), các chương trình thanh niên. Một số khuyến nghị được đưa ra: Xây dựng mục tiêu chung từ sự thống nhất giữa các thành viên; Lồng ghép các hoạt động liên quan đến các dịch vụ mà người trẻ dễ tiếp cận; Có cơ chế làm việc và đồng thuận của các bên liên quan; Kết nối cơ hội làm việc giữa các nhóm thanh niên.

“Nói chuyện truyền cảm hứng (public narratives) trong vận động xã hội và chính sách” là chủ đề phiên thảo luận song song thứ 2. Ông Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) chia sẻ mô hình Câu chuyện của tôi, của chúng ta, của hiện tại (story of us, of now) - lồng ghép, đan xen những câu chuyện thực tế vào việc vận động chính sách, truyền thông an toàn tình dục, không chỉ là câu chuyện của bản thân mà còn là sự lắng nghe, chia sẻ câu chuyện mình đã được chia sẻ, đan xen cảm xúc, lấy con người làm trọng tâm để tăng tính thuyết phục khi vận động chính sách.

Bên cạnh đó, thanh niên khi tham gia các chương trình, hoạt động cũng thường đối mặt với nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục. Thông qua các trao đổi của đại biểu tham dự, phiên thảo luận song song thứ 3 với chủ đề “Nguy cơ bị bạo lực và xâm hại khi thanh niên tham gia: hiện trạng, nhu cầu, giải pháp” đã đưa ra một số khuyến nghị để giảm thiểu tối đa những rủi ro này. Cụ thể, đối với các bạn thanh niên khi tham gia các hoạt động cần tự trang bị cho mình một số kĩ năng về nhận biết quấy rối; tìm hiểu, trao đổi với đơn vị tổ chức hoạt động về những nguyên tắc, chính sách bảo vệ tình nguyện viên, thanh niên khi tham gia; khi trở thành nạn nhân của quấy rối, xâm hại thì cần báo cáo với ai, tìm kiếm sự trợ giúp ở đâu,... Các tổ chức, đơn vị xây dựng hoạt động, đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử với người tham dự, dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra, quy trình xử lý các vụ việc quấy rối, thành lập hội đồng giải quyết với những người có chuyên môn,… để không chỉ bảo vệ nạn nhân mà còn để hành vi này không lặp lại với nạn nhân khác nữa.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả và đại biểu không chỉ trao đổi về vấn đề Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho lãnh đạo thanh niên mà còn tổ chức hoạt động kết nối các nhóm thanh niên.

Bế mạc toạ đàm, ông Robbie Peeters, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam bày tỏ: “Phát triển chương trình thanh niên là hoạt động trọng tâm chúng tôi hướng tới với niềm tin tưởng rằng thanh niên là người tạo nên tương lai. Những điều toạ đàm hôm nay mang lại rất hữu ích và thú vị. Chúng tôi rất vui được trở thành đơn vị tài trợ cho chương trình, rất vui khi thấy thanh niên có không gian để nói lên tiếng nói, thực hiện quyền của mình. Và rất vinh dự được tiếp tục đồng hành cùng các bạn thanh thiếu niên để hướng tới một tương lai nơi mọi thanh niên Việt Nam được sống khoẻ mạnh và hạnh phúc.”

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam

MSD – United Way Việt Nam hướng tới một Việt Nam bền vững công bằng và bình đẳng, nơi tất cả các cá nhân và gia đình có thể phát huy tối đa các tiềm năng của mình thông qua giáo dục chất lượng, thu nhập ổn định và cuộc sống mạnh khoẻ. Chúng tôi nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua huy động và liên kết sức mạnh, xây dựng hệ sinh thái đoàn kết hợp tác trong thực hành phát triển bền vững. MSD tập trung vào các mảng lĩnh vực: (1) Giáo dục cho phát triển; (2) Cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống; (3) Sức khoẻ môi trường với cách tiếp cận xuyên suốt của phát triển bền vững, thúc đẩy đoàn kết – hợp tác, đảm bảo bình đẳng và sự tham gia, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

PV

 Thực tế ảo có giúp phòng tránh được nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc?

Thực tế ảo có giúp phòng tránh được nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc?

Với những chiếc kính thực tế ảo (VR), người dùng sẽ được chứng kiến những hình ảnh như đời thực trong các khóa học về phòng tránh hành vi xấu.