Quấy rối tình dục: Vì sao nạn nhân không lên tiếng?

Nạn nhân của QRTD thường có xu hướng che giấu hoặc trốn tránh, không dễ dàng nói với thế giới rằng bản thân đang bị quấy rối hoặc cưỡng hiếp.

Quấy rối tình dục: Những con số báo động

Theo thống kê, ở Anh và xứ Wales, cứ 6 trẻ em thì một em bị lạm dụng tình dục, và tỷ lệ bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục ở người trưởng thành là 1/5 đối với phụ nữ và 1/20 đối với đàn ông.

Tại Úc, có khoảng 53% phụ nữ và 25% nam giới từng bị quấy rối tình dục. Năm ngoái, quốc gia này  đã tiến hành khảo sát các trường đại học và cho thấy cứ 6 sinh viên thì lại có một người bị quấy rối tình dục. Các hình thức tấn công bao gồm: quấy rối trên đường phố, nơi công cộng, bình luận khiêu dâm, bị sờ soạng, sàm sỡ, bị rình rập hoặc cưỡng hôn.

Ở Anh và xứ Wales, cứ 6 trẻ em thì 1 em bị lạm dụng tình dục
Ở Anh và xứ Wales, cứ 6 trẻ em thì 1 em bị lạm dụng tình dục

Tại Mỹ, dù tần suất khác nhau giữa các bang, song trung bình cứ 1-2 phút lại xảy ra một vụ tấn công tình dục.

Vấn nạn này đang ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở ngoài đời mà còn cả ở trên mạng xã hội. Một nghiên cứu ở Anh đã chỉ ra, trong năm 2021, hơn một phần ba các cô gái trong độ tuổi 13-21 bị quấy rối trên mạng, có khoảng 16% phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với những cảm xúc vô cùng tiêu cực khi bị chia sẻ hình ảnh khỏa thân của mình. 

Vì sao nạn nhân không lên tiếng?

Theo nghiên cứu, một trong những lý do chính khiến cả đàn ông và phụ nữ chọn cách im lặng khi bị quấy rối tình dục là do họ đã từng có những trải nghiệm như vậy trước đây. Những sự việc đã xảy ra trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến khả năng phản ứng của con người trong hiện tại, khiến họ vô thức chấp nhận, cam chịu.

Ngoài ra, nạn nhân không lên tiếng vì cảm giác xấu hổ. Họ thường có xu hướng che giấu hoặc trốn tránh, không thể dễ dàng nói với thế giới rằng bản thân đang bị quấy rối tình dục. Xấu hổ thường đan xen với cảm giác bất lực, khiến các nạn nhân cảm thấy rằng họ sẽ không được tin tưởng hoặc đó là lỗi của họ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nạn nhân bị đe dọa, dẫn đến tâm lý hoảng sợ, không dám chia sẻ câu chuyện của mình.

Nghiên cứu cho thấy rằng có thể mất nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ để một số người nhận ra hoặc chấp nhận rằng họ đã từng bị tấn công tình dục. Theo khảo sát của Mỹ, ước tính 60% nữ sinh viên đại học không chấp nhận việc họ đã từng bị cưỡng hiếp. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra từ 30% đến 88% tất cả các vụ tấn công tình dục không được nạn nhân thừa nhận.

Hành trình đi tìm công lý đầy gian nan

Câu chuyện của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Peng Shuai: lời cảnh tỉnh cho phụ nữ muốn lên án hành vi quấy rối tình dục 

Trước đây, trên trang mạng xã hội Weibo, Peng Shuai đã đăng một bài viết cáo buộc một quan chức cấp cao đã có hành vi tấn công tình dục cô. Cô cho biết, dù không có bằng chứng để chứng minh những cáo buộc của cựu chính trị gia quyền lực, cô vẫn kiên quyết không giữ im lặng.

Tuy nhiên, chưa đầy nửa giờ sau, bài đăng đã bị xóa mất và thậm chí chính Peng đã biến mất trong hơn hai tuần.

Truyền thông Trung Quốc giữ im lặng, chỉ có duy nhất một bài chia sẻ trên Twitter của đài CGTN cho biết Peng vẫn đang ổn và cáo buộc của cô là không đúng sự thật. 

Đầu năm nay, ở Ấn Độ, Giám mục Công giáo bị buộc tội nhiều lần cưỡng hiếp nữ tu đã được tha bổng. Nạn nhân đã phải chịu sự tấn công và đe dọa của giám mục, buộc phải giữ im lặng trong hai năm. Năm 2016, cô quyết định lên tiếng, và đến năm 2018, cáo buộc của cô chống lại vị giám mục trở nên phổ biến. Nữ tu sĩ đã kiến nghị với Tòa thánh Vatican và viết một bức thư ngỏ cho đại diện của Giáo hoàng Francis ở thủ đô Delhi, Ấn Độ.

Năm nữ tu thân cận của nạn nhân đã lên án nhà thờ ở Kerala phớt lờ các cáo buộc, gây áp lực buộc họ phải rút đơn kiện. Ngoài ra, cả sáu nữ tu còn được nghi phạm hứa hẹn sẽ cho 10 mẫu đất và một tu viện riêng nếu họ từ bỏ kiện cáo. 

Năm 2019, các nữ tu đã viết thư trực tiếp cho Giáo hoàng Francis, khi ông đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt về lạm dụng tình dục giáo sĩ. Tuy nhiên, những bức thư của họ chưa bao giờ được hồi âm.

Tháng Hai năm nay, sinh viên Harvard đã cáo buộc trường đại học Ivy League dung túng cho hành vi quấy rối tình dục của một giáo sư trong trường John Comaroff. Các nạn nhân chia sẻ, Harvard đã tự ý tiết lộ hồ sơ trị liệu riêng của nạn nhân cho nghi phạm, và thậm chí đe dọa ngược lại cả ba sinh viên là sẽ gặp khó khăn khi tìm việc làm.

Khi nạn nhân lên án hành vi quấy rối tình dục, họ thường bị đe dọa vì hành động đó. 

Phong trào chống xâm hại tình dục #Metoo

Phong trào #Metoo được coi là một trong các cuộc cách mạng toàn cầu chống lạm dụng tình dục. Với slogan “Bạn được lắng nghe, bạn được thấu hiểu”, chiến dịch #Metoo có mục đích là động viên, khuyến khích mọi người lên tiếng về vấn nạn bạo lực và quấy rối tình dục. #Metoo đã trở thành một hiện tượng phổ biến và có những tác động tích cực nhất định.

#Metoo có mục đích động viên, khuyến khích mọi người lên tiếng về vấn nạn bạo lực và quấy rối tình dục
#Metoo có mục đích động viên, khuyến khích mọi người lên tiếng về vấn nạn bạo lực và quấy rối tình dục

Chiến dịch trở nên thật sự phổ biến vào ngày 15/10/2017, sau khi nữ diễn viên Alyssa Milano đã chia sẻ trên twitter: “Nếu bạn đã từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục, hãy viết "Me too" như một câu trả lời cho tweet này." Chỉ sau một ngày, bài đăng đã thu hút được hàng nghìn lượt tương tác.

#MeToo không phải là phong trào đầu tiên ủng hộ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục lên tiếng, song lại được biết đến bởi sự phổ biến lâu dài của nó. Điều đó cho thấy chiến dịch đã thực sự có tác động về mặt nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động, là cơ hội để nạn nhân có thể lên tiếng và chia sẻ.

Hương Giang (Tổng hợp)

Luật sư lý giải vì sao khó xử lý Ngô Hoàng Anh về hành vi quấy rối tình dục

Luật sư lý giải vì sao khó xử lý Ngô Hoàng Anh về hành vi quấy rối tình dục

Theo luật sư, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có khái niệm cụ thể như thế nào là "quấy rối tình dục".