Mới đây trên trang cá nhân của mình, nhà thơ Dạ Thảo Phương (hiện đang ở tại Cộng hòa Sip) đã đăng bài viết nguyên văn bức thư ngỏ có nội dung tố cáo ông L.N.A, hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam từng có hành vi cưỡng hiếp cô.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà thơ Dạ Thảo Phương xác nhận đã gửi Thư ngỏ tố cáo ông L.N.A đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
"Trước mắt, tôi đã gửi qua đường email đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau đó, anh Nguyễn Quang Thiều cũng đã gọi điện cho tôi chia sẻ với tư cách cá nhân" – nhà thơ Dạ Thảo Phương cho biết.
Một phần nội dung bản tường trình sự việc xảy ra ngày 14/4/2000 |
Theo chia sẻ của nhà thơ Dạ Thảo Phương, trong thời gian công tác tại Báo Văn nghệ, cô đã nhiều lần bị khống chế, bạo hành và cưỡng bức từ năm 1999. Một trong số đó có một lần vào ngày 1/4/2000 và có người đã chứng kiến sự việc.
Dạ Thảo Phương viết: Trưa ngày 14.04.2000, khi tôi ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ, L.N.A đã xông vào cưỡng hiếp tôi. Trong lúc chống cự hoảng loạn, tôi kêu cứu, nhiều đồng nghiệp đã chạy tới và bắt quả tang L.N.A đang nằm đè lên tôi, bóp cổ tôi, trong khi tôi đang giãy giụa chống cự, váy áo bị xô vò, ngón tay bị bật máu. Nhờ sự can thiệp của các đồng nghiệp, hành vi cưỡng hiếp của hắn chưa kịp thành công.
Sự việc này đã được các nhân chứng thuật lại trong bản tường trình gửi báo Văn nghệ vào ngày 20.4.2000 (có văn bản đi kèm)".
Nhà thơ Dạ Thảo Phương khẳng định sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã nêu.
Cô viết trong thư ngỏ: "Khi sự việc xảy ra, tôi là một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, chưa chồng, vừa tốt nghiệp đại học đã về ngay Báo Văn nghệ làm việc. Khi đó, tôi chỉ có kiến thức sách vở và niềm đam mê sáng tác, nhưng không nhiều kinh nghiệm sống và bản lĩnh xã hội. Tôi sinh ra trong một gia đình miền Bắc truyền thống vốn rất sợ đàm tiếu xung quanh. Khi bị tấn công, điều tôi lo nghĩ nhất không phải là bản thân, mà là gia đình mình. Tôi đã sợ nếu mình bị đàm tiếu liên quan đến người khác giới, bố mẹ tôi sẽ chết vì nhục nhã. Trước những hành động đốn mạt của L.N.A, cô gái trẻ non nớt là tôi khi đó chỉ biết chống cự kịch liệt đến sức cùng lực kiệt nhưng không dám kêu cứu, không dám tố cáo thủ phạm, thậm chí còn lo sợ lộ ra mình đã bị cưỡng hiếp.
Cũng vì những sợ hãi này, tôi đã chưa bao giờ dám nói ra, ngay cả với mẹ mình, cũng như với cơ quan, dư luận: Do bị L.N.A cưỡng hiếp, tôi đã có thai, và đã không giữ được đứa con đầu tiên của mình. Đó là một đau đớn khôn tả, một ám ảnh khôn nguôi mà tôi đã phải một mình ôm giữ đến tận hôm nay.
Nhà thơ Dạ Thảo Phương cũng tiết lộ lý do vì sao sau sự việc ngày 14/4/2000 mới viết đơn tố cáo là vì có nhiều người làm chứng. Tuy nhiên, nhà thơ cho biết, ông L.N.A "không những không sợ hãi, ăn năn mà còn quay ngược lại trắng trợn vu khống tôi. L.N.A đã bịa ra một câu chuyện, trong đó nói anh ta và tôi có quan hệ tình cảm, anh ta muốn bỏ tôi nên tôi gây căng thẳng. Vụ việc ngày 14.4.2000 đã bị anh ta thay đổi bản chất từ sự thật là cưỡng dâm thành “xô xát”!.
Sự bịa đặt này là hoàn toàn trắng trợn và vô lý. Tôi chưa bao giờ có mối quan hệ tình ái hay tình dục đồng thuận với anh ta. Mọi hành vi tình dục anh ta có với tôi đều do anh ta đánh đập, đe doạ, cưỡng bức tôi. Anh ta viết tường trình bịa đặt là muốn bỏ tôi và “cố tình tránh tiếp xúc” với tôi, vậy tại sao lại xông vào phòng biên tập khi tôi chỉ có một mình, dùng vũ lực đè tôi xuống?
Trong bảo tường trình về vụ việc xảy ra ngày 14/4/2000 được cho là do những người chứng kiến lập, gửi lên lãnh đạo Báo Văn nghệ, người viết tường trình là ông Nguyễn Lê Tâm, khi đó là họa sỹ trình bày của Báo Văn nghệ. Những người chứng kiến vụ việc còn có nhà thơ Bế Kiến Quốc, họa sỹ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, phóng viên Phong Điệp, phóng viên Nhật Hà.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Lê Tâm xác nhận mình là người viết bản tường trình nói trên, sau đó có thêm 3 người ký xác nhận phía dưới. Ông Tâm cho rằng đó là một "sự việc rất không bình thường tại một cơ quan của Hội nhà văn Việt Nam, một tờ báo có uy tín của cả nước". Sự việc sau đó được lãnh đạo của Báo Văn nghệ xem xét và cho rằng đó là "xô xát" giữa hai người.
Trong bức thư ngỏ của mình, nhà thơ Dạ Thảo Phương cũng nhấn mạnh về những tổn thương về mặt tinh thần mà cô từng trải qua: Trong thời gian bị đánh đập, cưỡng hiếp rồi lại bị trù dập, bị vu cáo, tôi đã nhiều lần tự tử không thành.
Hậu quả của nó làm tôi từng phải vật vã trải qua những năm tháng dài sợ hãi giao tiếp, có những thời điểm thậm chí nói chuyện bình thường với chồng con cũng là việc rất khó khăn. Tôi bị mất kết nối với ngôn ngữ, né tránh xuất hiện lại trong giới văn chương. Là một người viết yêu mến cuộc sống và nhận diện bản thân qua công việc sáng tạo, đây là một nỗi đau có sức phá huỷ sâu sắc đối với tôi.
Gần đây, tôi có theo dõi một số vụ nạn nhân bị xâm hại tình dục đứng ra tố cáo. Đọc những bình luận tiêu cực như làn mưa dao trút xuống họ và người thân, tôi bàng hoàng. Con quỷ là tệ nạn xâm hại tình dục đã cán vụn vỡ cuộc đời của cô gái trẻ là tôi 23 năm trước đến giờ vẫn không ngừng săn đuổi các nạn nhân tiếp theo của nó. Xu hướng tấn công, đổ lỗi cho nạn nhân của một bộ phận thiếu hiểu biết trong xã hội vẫn vô tình dung dưỡng cho con quỷ này, làm nó ngày càng trở nên hung hiểm.
Thực trạng này cần phải thay đổi.
Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ tôi từng trải".
PV Dân Việt đã liên lạc với ông L.N.A và nhận được câu trả lời rằng tại thời điểm này ông không có bất kỳ ý kiến nào, nếu cô Phương có ý kiến thì cơ quan chức năng có trách nhiệm.
KQXSMB 7/4/2022: Trực tiếp xổ số miền Bắc thứ 5 ngày 7/4/2022
Xổ số miền Bắc ngày 7/4/2022 (XSMB 7/4/2022) bắt đầu quay thưởng lúc 18h15, với lịch mở thưởng của xổ số kiến thiết Hà Nội.