Singapore thắt chặt các quy định về hàm lượng đường trong đồ uống để ngăn bệnh tiểu đường

Singapore sẽ thắt chặt các quy định về hàm lượng đường trong đồ uống tại các nhà bán lẻ trong nỗ lực kìm hãm sự gia tăng của căn bệnh tiểu đường. Các nhãn Nutri-Grade này sẽ bắt buộc đối với đồ uống mới pha từ ngày 30/12, sau khi được áp dụng cho đồ uống đóng gói từ tháng 12/2022.

Chính phủ Singapore cho biết tất cả đồ uống bán ra tại nước này sẽ được xếp hạng theo hàm lượng đường từ ngày 30/12 theo một hệ thống đánh giá được gọi là Nutri-Grade. Đồ uống được bán ở Singapore sẽ được phân thành bốn hạng từ A đến D tùy thuộc vào hàm lượng đường trên 100 ml với hạng A là đồ uống ít đường nhất và hạng D là nhiều đường nhất.

Một số cửa hàng thực phẩm và đồ uống đã cập nhật thực đơn của họ, trong đó chuỗi cửa hàng trà sữa PlayMade đã tung ra thực đơn mới có dán nhãn phân loại từ ngày 18/12.

Nhưng vẫn có những khách hàng vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi. Cô Syafiqah Nasir, người đang đợi món trà sữa trân châu của mình, đã rất ngạc nhiên khi được thông báo rằng thực đơn mà cô vừa gọi có nhãn Nutri-Grade hạng C. 

Ông Khoo, 49 tuổi, người đặt hàng từ một quán trà sữa khác, cũng cho biết ông không thực sự nhìn vào nhãn vì thực đơn đã có quá nhiều thông tin để bạn tiếp thu.

Còn sinh viên 18 tuổi Erin Chua cho rằng điều đó không quan trọng lắm: "Chỉ cần tôi tập thể dục thì uống loại đồ uống nào không quan trọng".

Singapore thắt chặt các quy định về hàm lượng đường trong đồ uống để ngăn bệnh tiểu đường- Ảnh 1.

Ví dụ về thực đơn có đồ uống và nhãn cấp độ dinh dưỡng được đơn giản hóa của Bộ Y tế Singapore. Ảnh: CNA

Đối với những người khác, điều quan trọng là đồ uống của họ tốt cho sức khỏe như thế nào. Những người tiêu dùng này cho biết họ đã đặt hàng đồ uống của mình với lượng đường bằng 0 hoặc không thêm bất kỳ toppings nào vào thức uống của họ.

Ngoài các loại toppings thêm vào như trân châu và thạch, người tiêu dùng cũng có thể xác định những loại có hàm lượng đường thấp hơn bằng cách tham khảo nhãn công bố lượng đường theo từng cỡ ly. 

Một thay đổi lớn khác là các quảng cáo khuyến khích bán đồ uống được xếp loại D sẽ bị cấm. Bộ Y tế cho biết các doanh nghiệp không tuân thủ có thể bị phạt, nhưng các nhà bán lẻ nhỏ hơn sẽ được miễn nếu đáp ứng các điều kiện.

Giải thích về hệ thống đánh giá mới này, Ủy ban Xúc tiến Y tế Singapore cho biết các biện pháp mới nhằm mục đích giúp người tiêu dùng xác định rõ ràng lượng đường và chất béo bão hòa trong đồ uống, khuyến khích các lựa chọn sáng suốt, lành mạnh hơn và thúc đẩy cải cách ngành.

Lĩnh vực đồ uống được nhắm mục tiêu đầu tiên do hơn một nửa trong số 60g đường trung bình hàng ngày của người Singapore đến từ đồ uống. 

Tại một quốc gia có dân số đang ngày càng già đi nhanh chóng, các bệnh do lối sống thiếu lành mạnh như tiểu đường gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. Nếu không giải quyết được tình trạng này, chi tiêu y tế có thể gia tăng và từ đó đè nặng lên nền tài chính của đất nước.

Một số doanh nghiệp F&B cho biết họ đã điều chỉnh thực đơn để đồ uống của mình lành mạnh hơn và đáp ứng yêu cầu của Ban Xúc tiến Y tế (HPB).

Giám đốc tiếp thị cấp cao Ronald Eng cho biết, chuỗi trà sữa trân châu LiHo đã tìm nguồn nguyên liệu mới ít đường và chất béo bão hòa hơn, đồng thời điều chỉnh công thức kem phủ tốt cho sức khỏe hơn được sử dụng trong nhiều loại trà sữa mới.

LiHo cũng đã giảm lượng đường tối đa mà khách hàng có thể thêm vào đồ uống của mình. "Hiện tại, mức đường 100% của chúng tôi chỉ tương đương mức 50% đường trước đây", ông cho biết. 

Thực đơn LiHo cũ có hơn 12 loại đồ uống được dán nhãn D, trong khi thực đơn mới có chỉ 7 loại, một số là lựa chọn B. Nhưng giống như các cửa hàng trà sữa khác, phần lớn đồ uống của LiHo đều thuộc loại C.

Singapore thắt chặt các quy định về hàm lượng đường trong đồ uống để ngăn bệnh tiểu đường- Ảnh 2.

Một bảng hướng dẫn phân loại đồ uống khác. Ảnh: CNA

Thực đơn mới của một chuỗi trà sữa khác, The Whale Tea, có 76% đồ uống được xếp loại C, 10% D, 7% A và 7% B. Nhưng theo giám đốc tiếp thị Clement Low, họ đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm được xếp loại A để phục vụ những khách hàng quan tâm đến sức khỏe.

PlayMade cho biết phần lớn đồ uống của họ sẽ thuộc loại B và C, một số loại dưới loại A trong thực đơn mới sẽ được tung ra vào năm tới. Trong khi đó, chuỗi Mr Coconut đang thay thế đường bổ sung bằng stevia, giới thiệu dòng sản phẩm "lite" và loại bỏ dần bất kỳ loại đồ uống loại D nào, đồng sáng lập Lucas Lin cho biết.

BreadTalk Group cũng đã điều chỉnh thực đơn tại các khu ẩm thực và quán cà phê Toast Box.

Bà Tan Lee Yen, giám đốc cấp cao về quan hệ đối tác khách hàng thân thiết và các vấn đề doanh nghiệp, cho biết tại Toast Box, đồ uống nóng ngoại trừ Milo, đều đã được cải tiến để cải thiện điểm số Nutri-Grade.

Cô cho biết, tại Food Republic và Food Junction, các quầy đồ uống đã cải tiến công thức cho các loại đồ uống tự làm như lúa mạch. Các sản phẩm đóng gói sẵn cũng đã được xem xét để  không chứa đường và lành mạnh hơn.

Người phát ngôn của FairPrice Group cho biết thương hiệu cà phê Kopitiam của họ đã đưa ra thực đơn nhãn hiệu Nutri-Grade ngay từ tháng 9 và sẽ dần dần triển khai thực đơn này trên tất cả 85 cửa hàng.

Ngoài kopi-O kosong (cà phê đen không đường), teh-O kosong (trà không sữa và không đường), trà Trung Quốc và nước lọc, có rất ít đồ uống được dán nhãn A tại nhiều quán cà phê và khu ẩm thực khác nhau ở Singapore. 

Singapore thắt chặt các quy định về hàm lượng đường trong đồ uống để ngăn bệnh tiểu đường- Ảnh 3.

Nhãn Nutri-Grade trên thực đơn đồ uống tại một cửa hàng cà phê. Ảnh: CNA

Điều này không có gì ngạc nhiên khi để được dán nhãn A, đồ uống phải có 0% đường và chất béo bão hòa từ 0,7g trở xuống. Đồ uống hạng B cũng rất ít. Những thứ này có ít hơn 5g đường và 1,2g chất béo bão hòa.

Đồ uống đủ điều kiện là kopi hoặc teh siu dai (ít đường), cũng như trà sữa trân châu có 30 - 50% đường và không có sữa hoặc thêm toppings. Cà phê, trà, đồ uống từ lúa mạch hoặc trà sữa thông thường có 70% đường sẽ được xếp loại C.

Rachel Ong, một sinh viên đại học 20 tuổi, nói rằng dù biết về nhãn Nutri-Grade nhưng không thấy chúng hữu ích vì hầu hết đồ uống đều được xếp loại C.

"Về mặt kỹ thuật, bạn không thể yêu cầu một lựa chọn lành mạnh hơn mà vẫn đảm bảo hương vị chuẩn, vì vậy đối với tôi, tôi bỏ qua nhãn và uống những gì mình thích", cô tự nhận mình là một người nghiện trà sữa. 

Một số người cũng cho biết, họ không đặc biệt quan tâm đến nhãn hiệu Nutri-Grade. Nhưng hầu hết đều cho biết họ đã chủ động gọi đồ uống ít hoặc không đường, vì ngày càng ý thức được sức khoẻ của bản thân  và hướng tới một lối sống lành mạnh hơn. 

(Nguồn: CNA)

TÚC