“Tôi biết viết ra những dòng này sẽ vấp phải sự phản ứng kịch liệt của nhiều người. Nhưng quan niệm của tôi: Khi tài chính chưa vững vàng, khi tiền bạc chưa đủ sống mà sinh con là một sự ích kỷ”.
Ý kiến của một bạn trẻ trên một trang mạng xã hội mới đây đã nhận được nhiều ý kiến của cộng đồng mạng, cả ủng hộ, cả phản đối. Những người ủng hộ cho rằng đây là một suy nghĩ đúng đắn và có trách nhiệm. Bản thân chưa lo được cho bản thân mình thì đừng nên sinh con để cho cho con khổ và tạo nên gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, ý kiến này cũng hứng chịu không ít “gạch đá”, rằng đây là quan điểm phiến diện và suy nghĩ này mới là ích kỷ. Thậm chí có ý kiến gay gắt, cho rằng, với quan điểm này thì “chả nhẽ người nghèo không được đẻ”.
Khi tài chính chưa vững vàng, khi tiền bạc chưa đủ sống mà sinh con là một sự ích kỷ? |
Đem ý kiến này hỏi các bạn trẻ xung quanh, tôi nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Phần đông đều cho rằng, nên chuẩn bị trước mọi điều kiện trước khi có ý định sinh con để nuôi dạy cho tốt. Cô bé cùng phòng có người yêu đã 7 năm, cả hai nhà giục cưới mà chưa chịu chốt thì thẳng thắn: “Em nghĩ chưa có đủ điều kiện thì không kết hôn và sinh con. Mình lựa chọn sinh ra con chứ không phải con lựa chọn để sinh ra. Cho nên sinh con ra rồi bắt nó chịu khổ không có trách nhiệm và ích kỷ”.
Sinh con, đó là chuyện riêng của mỗi cá nhân nên lựa chọn thời điểm nào đấy cũng là chuyện riêng tư của mỗi người. Xã hội Á Đông, đặc biệt là xã hội Việt Nam vẫn quan niệm sinh con là trách nhiệm để duy trì nòi giống “nối dõi tông đường” và để có người nương tựa khi về già.
Đã có thời gian dài, người phụ nữ, đặc biệt là ở nông thôn quan niệm, khi đã lập gia đình là phải sinh con cho chồng, cho gia đình chồng. Việc không sinh con hoặc không sinh được con là cái tội lớn với Tổ tiên, chưa làm tròn bổn phậm dâu con. Cho nên, dù nghèo hay giàu, thì việc sinh con là việc đương nhiên và ưu tiên số một đối với bất kỳ cặp vợ chồng nào, bởi “trời sinh voi, trời sinh cỏ”.
Nhưng xã hội đã phát triển, không thể giữ mãi những quan niệm ấu trĩ ấy được. Bản chất của hôn nhân là vì tình yêu chứ không phải là nghĩa vụ. Vậy hà cớ gì vin vào lý do kết hôn là phải sinh con? Việc sinh ra một đứa trẻ không chỉ đơn giản là nuôi lớn mà là nuôi dạy. Không ít cặp vợ chồng, việc ra đời của đứa trẻ khiến họ cảm thấy như một nỗi ác mộng. Đứa trẻ ra đời là niềm vui, hạnh phúc với mỗi gia đình, nhưng cũng không ít những rạn nứt gia đình bắt nguồn từ sự xuất hiện của một đứa trẻ.
Tôi có đứa cháu bên chồng, đang học dở năm thứ 2 đại học thì nghỉ giữa chừng làm đám cưới. Vài tháng sau, đứa con ra đời. Chồng còn trẻ, ham chơi, nay đi phượt tỉnh này, mai đi phượt tỉnh khác, bỏ mặc cô vợ trẻ vừa trông con, vừa trông cửa hàng tạp hóa kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống vợ chồng là những cuộc cãi vã, khóc lóc, căng thẳng, và ông anh bà chị chồng tôi cũng luôn căng như dây đàn khi thường xuyên phải đứng ra làm trọng tài phân xử.
Nhiều người ví nuôi dạy một đứa trẻ giống như trồng một cái cây non, phải dành thời gian chăm sóc nó từ khi là cái hạt để nảy mầm, rồi để ý, tưới tắm từng ngày cho nó lớn lên. Để sinh ra và nuôi một đứa trẻ cần chuẩn bị cả tâm lý và điều kiện vật chất. Sinh con, đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm, dành thời gian, tiền bạc để nuôi đứa trẻ. Chăm sóc con từ những ngày phôi thai. Con ra đời nào bế ẵm, sữa, bỉm rồi thuốc men lúc con ốm con đau. Thêm một đứa trẻ là bao thay đổi, tốn kém cần có sự chuẩn bị kỹ càng.
Tôi cho rằng những người quan niệm cứ đẻ rồi có đến đâu lo đến đấy, trời sinh voi sinh cỏ là những bậc cha mẹ thiếu trách nhiệm. Một đứa trẻ sinh ra khi bản thân chưa đủ tự tin để nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ ấy không thể lớn lên trong yêu thương, vui vẻ, hạnh phúc.
Không thể nhân danh “con cái là chứng nhân của tình yêu” hay bất kỳ điều gì khác để buộc đứa trẻ sinh ra khi cha mẹ chưa chuẩn bị những điều kiện nhất định về kinh tế và tâm lý. Không phải là đợi đến khi giàu có mới sinh con, nhưng ít nhất điều kiện kinh tế phải đảm bảo, công ăn việc làm ổn định. Làm sao ông bố, bà mẹ còn chưa tự lo được cho bản thân, chưa xác định được trách nhiệm làm bố làm mẹ có thể nuôi dạy tốt những đứa con của mình?
Rất nhiều cặp vợ chồng vì kinh tế eo hẹp, thiếu thốn mà sinh ra cãi vã, mâu thuẫn, lục đục. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong điều kiện ấy sao có thể phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Tất nhiên, những người giàu có vợ chồng vẫn có mâu thuẫn, nhưng khi đời sống kinh tế eo hẹp sẽ dễ dẫn đến những bất hòa khi bao thứ phải lo toan trước mắt.
Cho nên, những bạn trẻ, hãy làm những ông bố bà mẹ có trách nhiệm với đứa con của mình. Hãy sinh con khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để sẵn sàng đón chào thành viên mới. Hãy để con sinh ra được sống trong bầu không khí vui vẻ khi cha mẹ chúng thoải mái về tinh thần và không phải chạy ngược chạy xuôi kiếm từng đồng trang trải cuộc sống.
Chuyên gia tâm lý bật mí bí quyết 5 chữ "N" để dạy con dành cho các bậc cha mẹ
Làm thế nào để không hoang mang và gặp áp lực khi bị người khác đánh giá con chưa ngoan hay con gầy quá, con béo quá...