Sông Tô Lịch và những nỗ lực cải tạo không được như kỳ vọng

Nhiều người đặc biệt quan tâm đến đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh.

Những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau để rửa trôi và làm sạch sông Tô Lịch,…cũng như dùng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, cải tạo thành giao thông thủy kết hợp du lịch,… nhưng kết quả không được như mong đợi. 

Ngày 15/9/2020, công ty cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) - đơn vị năm 2019 đã thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor - lại một lần nữa gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” .

Từ ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải ở thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công.
Từ ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải ở thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công.

Ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải ở thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công nhằm đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý nhằm chặn nguồn nước thải đổ trực tiếp vào dòng sông này… Tuy nhiên Tô Lịch vẫn là dòng sông chết dù nhiều phương án cải tạo được đưa ra.

Về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành  Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Ai mà chăm sóc đến sông Tô Lịch thì cá nhân tôi đều ủng hộ, hoan nghênh. Việc phục hồi nguyên vẹn sông Tô Lịch sẽ rất khó nhưng để xây dựng cảnh quan, xử lý dòng nước sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường... như dự án của JVE đề ra có thể thực hiện. Nhưng với một dự án mang tầm cỡ như đề xuất này cần có cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định, nghiên cứu một cách cụ thể, rõ ràng. Giải pháp thực hiện như thế nào phải có sự nghiên cứu, đánh giá khoa học của các nhà chuyên môn chứ không thể dựa trên phát biểu chủ quan của bất cứ ai. Đây là dự án mang tính chất kinh tế nên nhà đầu tư luôn mong muốn không bị lỗ và nếu có lãi sẽ tốt. Do đó, việc cân bằng lợi ích như thế nào phải giám sát, xử lý cho tốt, tuy nhiên về ý tưởng cần hết sức hoan nghênh".

Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam cần chọn được điểm nhấn, nghiên cứu bài bản và cẩn trọng…Ông nói: “Ngay từ tên gọi “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” cũng đặt ra nhiều vấn đề khiến chúng ta không thể vội vàng. Các yếu tố Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh đều hàm chứa rất nhiều nội dung cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng, bài bản, thấu đáo. Một dự án mang tính cải tạo, thay đổi tính chất của dòng sông lịch sử theo chiều hướng tích cực không có nghĩa nội hàm của nó sẽ ôm đồm quá nhiều mà thiếu những cân nhắc, chọn lựa cần thiết.

Với nội dung xây dựng các lầu thủy đình hoặc hệ thống các tượng đài các vị vua sáng lập nên những triều đại trong lịch sử, khu vực quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc sẽ được dựng suốt dọc dòng sông… là một nội dung rất cần cân nhắc, bàn thảo kỹ, và phải đặt ra câu hỏi: “Có phù hợp hay không?”. Sông Tô Lịch chảy trong không gian thành phố, nếu chỉ đặt ra mục đích cải tạo, làm đẹp mà bỏ qua những thành tố quan trọng khác thì không được. Các hoạt động văn hóa tâm linh, tượng đài, và cả những hoạt động văn hóa nghệ thuật… đều cần được tổ chức trong những không gian, bối cảnh hợp lý, gắn với các yếu tố lịch sử và công năng ở từng nơi, từng địa điểm nơi dòng sông chảy qua. Hội Di sản văn hóa Việt Nam sẵn sàng phối hợp để cùng với các chuyên gia di sản, văn hóa, lịch sử, kiến trúc… góp thêm những tiếng nói tin cậy đối với ý tưởng cải tạo không gian dòng sông Tô Lịch”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong đề xuất của JVE có việc sẽ kè sông thẳng đứng, như vậy sau này nước sẽ không ngấm được xuống dưới lòng đất, biến sông thành kênh nổi không có các loài thủy sinh như cá, tôm hay các sinh vật khác. 

"Thêm một vấn đề chúng ta cần bàn đến là nguồn kinh phí thực hiện, duy tu sau khi hoàn thành. Trước khi đi vào thực tế, chúng ta phải kiểm soát quy trình thật chặt chẽ, kiểm duyệt nghiêm ngặt. Nhà thầu đưa ra đề xuất nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định năng lực nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần giám sát nhà thầu trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này”, ông Trung nhận định.

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng: “Cải tạo là tốt, phát triển du lịch là tốt nhưng theo tôi đặt chữ tâm linh vào tên dự án không phù hợp cho lắm, giống như để thổi phồng dự án”.

TS Ngô Vương Anh cho rằng: “Sông Tô Lịch xứng đáng là một “dòng sông văn hóa - lịch sử” và hoàn toàn có thể lột xác - từ một dòng sông nội thành, một đường giao thông thủy nội địa trong lịch sử để phát triển thành “dòng sông du lịch”,…Tuy nhiên, cần thận trọng khi ghép chữ “tâm linh” vào trong ý tưởng”.

PGS TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng cho biết, cần thực hiện tốt công tác thu gom nước thải 2 bên bờ sông, không để xả thải trực tiếp xuống dòng sông. 

"Do lòng sông chứa nhiều rác thải, nước đen, bùn bám ô nhiễm nên cần phải được nạo vét thường xuyên và dùng hóa chất kết hợp khử ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các dòng sông cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu chỉ xử lý quãng giữa nhưng đầu nguồn vẫn xả thải xuống thì sẽ không mang lại hiệu quả. Để hồi sinh sông Tô Lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể và kiểm soát chặt chẽ, kiên nhẫn mới có thể thành công”, PGS TS Bùi Thị An nói.

Ông Phạm Văn Khánh – Nguyên Giám đốc sở TNMT Hà Nội cho rằng: “Đầu tiên phải thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý, cùng với đó là xử lý ô nhiễm dòng sông và bổ cập nước vào làm sông có dòng chảy. Mục tiêu lớn nhất là phục vụ thoát nước Hà Nội, cải thiện môi trường, xử lý ô nhiễm. Sau đó mới tính tới các mục đích khác như du lịch, giao thông,…”.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc tách nước thải khỏi dòng sông để xử lý riêng mới chỉ bước khởi đầu, đầu tiên cần phải gia tăng xử lý nước thải ở cuối các nguồn tại sông Tô Lịch, trong quy hoạch đã có. “Khi dòng sông không còn ô nhiễm nữa, cần khai thác cảnh quan, thảm xanh quanh dòng sông để người dân được hưởng lợi. Nhưng việc này cần được nghiên cứu đồng bộ để phát triển dự án này tốt hơn”, ông Nghiêm chia sẻ thêm.

4 bước mà các chuyên gia đề xuất bao gồm: Đầu tiên là gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch mới cho ra sông, tiếp đến là dùng công nghệ xử lý ban đầu lòng sông, thứ 3 là tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả chất thải ra sông Tô Lịch nữa.

Thanh Mai

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành 'Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh'

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh"

Công ty JVE Nhật Bản vừa đề xuất 'Giải pháp tổng thể' cải tạo sông Tô Lịch như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc.