Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) quý III/2021 của Công ty CP Chứng khoán SSI, lượng phát hành đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình các năm trước. Trong quý 3/2021, các DN phát hành 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu vẫn được phát hành riêng lẻ trong nước, chiếm tới 89% tổng lượng phát hành. Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực phát hành nhiều nhất, với tổng cộng 85 nghìn tỷ đồng, chiếm 45% tổng lượng phát hành trong quý. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng lượng phát hành trái phiếu DN là hơn 443 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020.
Quán quân phát hành là các DN bất động sản với xấp xỉ 202 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,5%; sau đó đến các ngân hàng 136,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,8%; năng lượng và khoáng sản gần 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 5%; định chế tài chính phi ngân hàng gần 21 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,7%; phát triển hạ tầng 17,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,9% và các DN khác.
Lãi suất bình quân của trái phiếu DN (không tính trái phiếu ngân hàng) trong quý 3/2021 là 9,3%/năm, giảm 1,1 điểm % so với cuối năm 2020.
Hầu hết trái phiếu DN phát hành đều không có tài sản đảm bảo (không tính trái phiếu ngân hàng và các định chế tài chính khác). Chỉ có 36,2% trái phiếu DN phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021, được đảm bảo bằng tài sản, bất động sản và cổ phiếu.
Sự kiện “bom nợ” Evergrande tại Trung Quốc có nguy cơ vỡ cũng không làm thị trường trái phiếu bất động sản giảm đi sự sôi động. Lãi suất bình quân trái phiếu bất động sản trong quý 3/2021 là 10,34%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,1%/năm.
Trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, cổ phần của chính DN phát hành.
SSI cũng lưu ý rằng, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu, bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa. Nếu DN bị mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Tỷ trọng các DN phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành. Trong đó, có nhiều DN không niêm yết, nên khả năng tiếp cận thông tin tài chính của các DN này bị hạn chế. Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính của DN. Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư, trong trường hợp dòng tiền của các DN bất động sản không được đảm bảo, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, sẽ không thể trả được nợ gốc và lãi, SSI cảnh báo.
SSI cũng cho biết, thời gian qua, các loại trái phiếu DN được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán.
Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các DN này là chưa nhiều, bởi thời điểm đáo hạn sẽ rơi vào năm các 2023-2024. Tuy nhiên, dịch Covid diễn biến phức tạp sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các DN này.
Việt Nam chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong 10 tháng năm 2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam đã đạt gần 4,14 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.