Sự càm ràm của phụ nữ phản ánh lối sống của đàn ông?

Những lời càm ràm giống hệt nhau như những cơn mưa xuân ấm áp chất chứa yêu thương.

Sau nhiều năm chung sống, tranh luận và thỏa hiệp, cuối cùng anh chấp nhận rằng, có một số vấn đề mẹ anh sẽ nhắc đi nhắc lại mỗi lần nhìn thấy anh, cho đến suốt đời. Anh - gần 40 tuổi - mỗi khi gặp mẹ, lại kiên nhẫn ngồi nghe phàn nàn về việc sao anh không đeo khẩu trang khi ra đường, sao anh hay ăn quấy quá cơm bụi ngoài đường, sao xe anh cứ dăm bữa lại hỏng, sao bụng anh to thế (luôn đi kèm với việc sao anh ăn ít so với hồi xưa?) ...

Những lời càm ràm với nội dung giống hệt nhau, lặp đi lặp lại từ lúc anh còn là cậu học sinh, cho đến giờ. Và có lẽ là mãi mãi. Chừng nào mẹ còn sống trên đời. Những càm ràm chất chứa yêu thương, như những cơn mưa phùn mùa xuân, ướt, mà rất ấm.

Những lời càm ràm chất chứa yêu thương như những cơn mưa phùn mùa xuân (Ảnh minh họa)
Những lời càm ràm chất chứa yêu thương như những cơn mưa phùn mùa xuân (Ảnh minh họa)

Em cũng vậy, có những mẫu câu lặp đi lặp lại, như giàn nhạc giao hưởng chơi một bản thuần thục trong suốt hàng nghìn suất diễn. Lần nào cũng có khởi đầu, cao trào và hạ màn, nghìn lần như một. Anh đang thích “con đấy” phải không? Anh không quan tâm gì đến em cả. Anh lúc nào cũng chỉ biết mình thế nhỉ? Bạn bè đồng nghiệp của anh quan trọng hơn gia đình phải không? Anh có nhớ hôm nay ngày gì không?...

Dù có vài câu hỏi, thì cơ bản các mẫu câu này đều mang tính xác quyết mạnh mẽ rồi. Anh cũng không có nhiều lựa chọn: hoặc là im lặng, hoặc phản đối. Lựa chọn nào thì cũng mang lại kết cục tồi.

Bạn anh, có một gã cục tính và đằng thẳng ra là đã đôi lần mạnh tay với vợ theo nghĩa đen. Hẳn nhiên, hắn nhanh chóng hiểu ra dùng vũ lực với phụ nữ là sự thất bại lớn nhất của thằng đàn ông. Khổ nỗi, vợ hắn là người phụ nữ không hề biết điểm dừng, cho đến khi hắn buộc phải dùng dấu tay thay cho dấu chấm câu.

Sau này, hắn chọn cách trung tính hơn, là khi hết sức chịu đựng thì hắn sẽ chỉ vào mặt vợ và nghiến răng: Coi như cô đã ăn một cái tát. Rồi bỏ ra khỏi nhà. Anh chứng kiến cảnh ấy một lần. Và anh chứng kiến thứ mà hắn không thấy khi đã quay lưng: Đôi mắt lạnh lẽo của vợ hắn. Bạo lực là bạo lực, dù chỉ bằng lời nói, từ bên này hay bên kia.

Sự càm ràm của phụ nữ phản ánh lối sống của đàn ông?

Ông anh chơi lâu năm của anh, mà em gặp vài lần rồi ấy, bị nói lắp. Em đã từng cười tật này của ông ấy với anh. Khi cuống lên, tức là khi thần kinh bị kích động, ông ấy sẽ nói lắp. Càng cuống, càng nói lắp dữ dội. Đó không phải là một tật thuộc về cơ quan phát âm, thực ra đó là một vấn đề thần kinh, gọi là phoniatrics.

Trước ông ấy không bị thế, mà đó là hậu quả của nhiều năm chung sống với một bà vợ có cách nói chuyện bất chấp lý lẽ. Sự ngang ngược và lắm lời vượt ngưỡng chịu đựng của vợ, khiến ông chồng bất lực về phát âm, đến mức bị nói lắp, ngày càng nặng. Đó là kết luận của bác sĩ. Ông ấy tâm sự với anh, rồi cười buồn mà rằng, Anh sẽ không bao giờ khỏi cho đến cuối đời. Hoặc cuối cuộc hôn nhân này.

Sự càm ràm nhiều lời của phụ nữ, suy cho cùng cũng phần nào phản ánh lối sống, cung cách hành xử của người đàn ông, và ngược lại. Nhưng cũng như sự mạnh mẽ của cánh mày râu, quá đi sẽ thành bạo lực. Sự càm ràm của chị em, quá đi, sẽ thành axit bào mòn tinh thần. Những cơn mưa axit hủy diệt mọi mầm sống. Nhưng mọi mầm sống đều cần những cơn mưa phùn đầu xuân, mưa rào cuối hạ. Mà ồ, hay em muốn làm một đài phun nước róc rách quanh năm và không nhằm tưới tắm cho một mầm cây nào?

Phạm Gia Hiền

Đàn bà hào sảng

Đàn bà hào sảng

Tôi nghĩ sự hào sảng không phải đặc điểm giới, và trong một số môi trường cộng đồng, xã hội, đàn bà dễ trở nên hào sảng hơn đàn ông.