'Táo quân là 1 người hay 2 ông 1 bà?' - Câu hỏi khiến không ít người băn khoăn, còn trong quan niệm của người Việt thì sao?

Có quan điểm cho rằng Táo quân là một người, lại có những người nói Táo quân là 1 bà 2 ông. Vậy, trong niềm tin dân gian Việt Nam, nhà Táo quân có bao nhiêu người?

Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt được viết bởi tác giả Nguyễn Văn Huyên và cuốn Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam của tác giả Toan Ánh đều có nhắc đến Táo quân trong tín ngưỡng của người Việt.

Táo quân là ai?

Cứ ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân thường thực hiện tục tiễn ông Táo về chầu trời. Đây là thời điểm đánh dấu việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đã rất gần. Hôm đó, Táo quân - thần trông coi đời sống của gia đình mà ngài che chở và giám sát sẽ lên châu trời, tâu với Ngọc Hoàng về cách ứng xử, ăn ở của mọi người trong nhà năm qua.

Trong dân gian, có nhiều phiên bản về Táo quân, hay còn gọi là Thần bếp. Có người cho rằng, Táo quân là một vị thần, cũng có quan điểm nhất mực cho rằng, Táo quân là gia đình gồm 2 ông 1 bà. Bên cạnh đó, Táo quân trong tín ngưỡng của người Việt và Trung Quốc cũng có nhiều điểm giống nhau, đồng thời cũng có chút khác biệt.

Hình ảnh Táo quân trong tín ngưỡng của người Trung Quốc. Nguồn: Sohu
Hình ảnh Táo quân trong tín ngưỡng của người Trung Quốc. Nguồn: Sohu

Tác giả Nguyễn Văn Huyên cho rằng, Táo quân thường hay bị lẫn với Thổ công hay Thổ địa - là Thần đất trong nhà, bản thân thần này cũng chịu lệ thuộc của Thần thành hoàng (Thần đất của làng) và thần Xã tắc (hiện thân của đất nước). Đôi khi sự phân biệt các vị thần này luôn rất mơ hồ. Khi người ta phân biệt được các vị thần đó, thì Thổ công được bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo quân là bộ ba gồm 1 thần nữ và hai thần nam kèm bên. Nhưng phần nhiều người ta cũng thường gộp Thổ công vào trong bộ ba đó, gồm Thổ công, Thổ kỳ và Thổ địa. Khi xưa, các vị này được tiêu biểu bằng ba hòn gạch xếp thành kiềng đun bếp (hòn thứ 1 đại diện cho đất nói chung, hòn thứ 2 tượng trưng cho đất trong nhà và hòn thứ 3 là Thần bếp).

Trong khi người Trung Quốc thường thờ Thần bếp tượng trưng bởi 1 ông 1 bà, cũng có nơi 1 bà hai ông thì Thần bếp trong tâm thức người Việt thường là 2 ông 1 bà. Ngoài ra, người Việt thường thực hiện nghi thức cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp thì người Trung thường cúng vào 23 tháng Chạp hoặc 24 tháng Chạp. Còn "phương tiện" để Táo quân lên chầu trời cũng có sự khác biệt ở chỗ, người Việt thường cúng cá chép, còn người Trung Quốc thường cúng bằng ngựa giấy.

Gia đình Táo quân có những ai?

Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, vị Thần bếp này chiếm một vị trí quan trọng không nhỏ trong tín ngưỡng của người Việt. Chính vì thế, tâm thức tín ngưỡng dân gian đã mang đến cho chúng ta một truyền thuyết cảm động.

Gia đình Táo quân trong tín ngưỡng của người Việt. Nguồn: Nam Ngọc Hàn Mặc/ Đoàn Thành Lộc.
Gia đình Táo quân trong tín ngưỡng của người Việt. Nguồn: Nam Ngọc Hàn Mặc/ Đoàn Thành Lộc.

Chuyện kể rằng "Ngày xưa có hai vợ chồng, chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhị. Đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu không có con, buồn phiền thường cãi cọ nhau, rồi đến một hôm Trọng Cao giận quá đánh vợ. Bị chồng đánh, bực mình Thị Nhị bỏ nhà ra đi; gặp một chàng trai là Phạm Lang. Phạm Lang đem lời khéo léo nên được cùng Thị Nhị ăn ở thành vợ chồng.

Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ đã bỏ đi mất, liền đi lùng kiếm khắp nơi để xin lỗi, nhưng tìm mãi không thấy vợ, bỏ cả công ăn việc làm, đi khắp chốn này qua chốn khác. Hết tiền, Trọng Cao phải hành khất lần hồi. Một ngày Trọng Cao vào một nhà kia ăn xin. Bà chủ nhà mang cơm ra cho, Trọng Cao nhìn chính là Thị Nhị và Thị Nhị cũng nhận ra chồng cũ của mình.

Đôi bên cùng nhau hàn huyên một chập, nhưng chợt Thị Nhị nghĩ nếu bất ngờ Phạm Lang trở về bắt gặp thì thật là khó ăn khó nói. Nàng liền bảo người chồng cũ ra ẩn ở đống rơm ngoài vườn để nàng lo liệu sao cho mọi việc được vẹn toàn.

Hôm đó khi Phạm Lang về bỗng nhớ đến ngày mai không có tro bỏ ruộng, châm lửa đốt đống rơm để hôm sau lấy tro. Trọng Cao lúc ấy vì ban ngày đi nhiều mỏi mệt đã ngủ say trong đống rơm, và ở trong nhà Thị Nhị đã ngon giấc.

Trọng Cao bị đốt chết, lửa đống rơm bốc cháy phừng phừng. Thị Nhị ở trong nhà chạy ra, biết Trọng Cao đã bị đốt chết, thương quá cũng nhảy vào chết trong đống rơm đang cháy. Phạm Lang thấy vợ chết, thương xót, nhảy vào đống rơm theo vợ và cũng chết cháy nốt.

Thế là cả hai ông một bà đều bị chết thiêu.

Cũng có nơi chép đoạn cuối khác một chút rằng: Sau khi Thị Nhị đã lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cũng đốt mã ngoài sân, có một người hành khất vào ăn xin. Thị Nhị trông thấy là chồng cũ của mình, động lòng thương đem tiền gạo ra cho, bị Phạm Lang nghi ngờ. Thị Nhị lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa chết theo. Phạm Lang thương vợ cũng nhảy vào đống lửa nốt và cả 3 đều chết cháy.

Hình ảnh mâm cỗ cúng ngày ông Công ông Táo. Nguồn: MXH
Hình ảnh mâm cỗ cúng ngày ông Công ông Táo. Nguồn: MXH

Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo quân nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà; Thị Nhị là Thổ kỳ trông nom việc chợ búa".

Đó là hình ảnh gia đình Táo quân trong tâm thức của người Việt còn dưới góc nhìn của người Trung Quốc cũng có nhiều phiên bản khác.

Ngày xưa có đôi vợ chồng đã chia tay nhau ít lâu sau khi kết hôn vì người chồng nghiện rượu và cờ bạc hư hỏng. Chẳng bao lâu, người vợ liền tái hôn với một chàng thợ săn. Một hôm, trong khi người chồng mới đi săn, nàng gặp gỡ chồng cũ và mời anh ta vào nhà uống trà.

Trong lúc đó, chàng thợ săn trở về nhà với một con cáo trên tay. Người chồng cũ chỉ kịp ẩn mình vào đống rơm, mà đó chính là nơi chàng thợ săn đốt để thui con mồi. Thế là anh chồng cũ bị nướng chín. Người vợ cảm thấy hối hận vì vô tình gây ra cái chết của người chồng cũ, bèn nhảy vào lửa. Chàng thợ săn vốn yêu vợ, thấy vậy cũng lao vào theo. Tình huống bất hạnh một lúc khiến 3 người chết cháy làm người đầy tớ xúc động đến nỗi anh ta cũng nhảy vào giữa đám lửa chết theo.

***

Dù ở phiên bản nào đi nữa, Táo quân đều nhận việc Thượng đế đã giao cho, đó là trông nom bếp núc của mọi nhà. Các Thần bếp này sẽ lên trời vào ngày 23 tháng Chạp. Người dân sẽ "lấy lòng" các vị bằng cách cúng những mâm cỗ ngon, những chiếc mũ tuyệt đẹp được điểm hoa sặc sỡ, những thoi vàng thoi bạc bằng mã lấp lánh và cả những con cá chép rực rỡ làm phương tiện để các vị thần cưỡi qua các chặng đường mây lên đến thiên đình.

Đi từ trong truyền thuyết đến niềm tin cố hữu trong tín ngưỡng của người Việt, đã thành thông lệ, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm ấy, việc tiễn đưa gia đình Táo quân lên chầu trời không chỉ thể hiện tinh thần trọng lễ của dân ta, mà còn thể hiện ước mong cuộc sống thuận hòa, hạnh phúc của tất cả mọi người.

Minh Dương

4 món thời trang sáng màu tưởng là trẻ trung nhưng lại khiến bạn trông 'sến', không nên sắm Tết

4 món thời trang sáng màu tưởng là trẻ trung nhưng lại khiến bạn trông "sến", không nên sắm Tết

Các nàng nên tránh 4 món thời trang sáng màu sau đây để không bị mất điểm phong cách.