Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc (JCS) xác nhận vụ phóng và nói rằng tên lửa bay về phía Đông qua nước láng giềng Nhật Bản. Cũng theo nguồn tin trên, vụ phóng xuất phát từ khu vực Mupyong-ri thuộc tỉnh Jagang của Triều Tiên vào khoảng 7h23 sáng theo giờ địa phương (khoảng 5h23 phút theo giờ Việt Nam).
"Quân đội đã tăng cường giám sát và đang duy trì một tư thế sẵn sàng cũng như hợp tác chặt chẽ với Mỹ", Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói thêm.
Một tweet được đăng bởi văn phòng Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi người dân nên trú ẩn và "không tiếp cận bất cứ thứ gì khả nghi được phát hiện và liên hệ ngay với cảnh sát hoặc sở cứu hỏa".
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã "phản đối mạnh mẽ" vụ phóng.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói rằng Triều Tiên dường như đã bắn một tên lửa đạn đạo về hướng Hokkaido, hòn đảo chính ở cực Bắc của đất nước.
Ông Matsuno cho biết tên lửa đã bay qua Aomori ở phía Đông Bắc của nước này và rớt xuống bên ngoài Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản vào khoảng 7h46 sáng theo giờ địa phương.
Ông Matsuno cũng nói thêm rằng, ông coi vụ phóng là một "mối đe dọa đối với công chúng" và cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục phân tích tình hình và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Theo thống kê của CNN, vụ phóng hôm thứ Ba đánh dấu vụ phóng tên lửa thứ 23 của Triều Tiên trong năm nay, bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Tuy nhiên, các vụ phóng qua Nhật Bản hiếm hơn. Lần cuối cùng Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Nhật Bản là vào ngày 15 tháng 9 năm 2017, khi quả đạn bay qua đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản.
Leif-Eric Easley, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans, cho biết: "Bình Nhưỡng vẫn đang ở giữa chu kỳ khiêu khích và thử nghiệm. Có khả năng họ phải đợi đến sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào giữa tháng 10 để tiến hành một thử nghiệm quan trọng hơn".
"Ông Kim đang phát triển các loại vũ khí như đầu đạn hạt nhân chiến thuật và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm như một phần của chiến lược dài hạn nhằm vượt qua Hàn Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang".
Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện Middlebury, cho biết một vụ thử hạt nhân thậm chí có thể nằm trong kế hoạch.
"Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa cho đến khi hoàn tất quá trình hiện đại hóa hiện tại. Tôi nghĩ một vụ thử hạt nhân không còn xa", ông nói với CNN.
(Theo CNN)