Nước Anh trong thế cô lập
Thái tử Charles lên ngôi vào lúc chính trường Anh đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Thủ tướng Boris Johnson đã phải từ chức vì những bê bối trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19.
Vẫn trong lĩnh vực chính trị, từ năm 2016, khi đại đa số cử tri đòi ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), Scotland liên tục đòi tách khỏi Vương quốc Anh. Tranh cãi về đường biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland, một quốc gia độc lập và là thành viên trong EU, luôn là một "cái gai" trong quan hệ giữa London với Bruseles, với cả Dublin lẫn Belfast.
Gần đây nhất, chính quyền Belfast đòi thống nhất 2 phần lãnh thổ của Ireland. Trong hoàn cảnh đó, làm thế nào để các phần lãnh thổ trên Vương quốc Anh gắn bó với nhau sẽ là một thách thức lớn chờ đợi Charles III.
Nhìn rộng hơn, về quan hệ quốc tế, giới quan sát thấy rõ hào quang của London giờ đây không còn được như 70 năm về trước, khi Công chúa Elizabeth lên kế vị cha. Khối Thịnh Vượng Chung đã thu hẹp lại và càng lúc càng có nhiều nước nhỏ muốn khép lại thời kỳ từng là thuộc địa của Anh. Ngay cả tại Australia, thế hệ trẻ cũng không còn gắn bó với hình ảnh của nữ hoàng, dù chỉ là một cách tượng trưng.
Ngay trong khối phương Tây, từ sau Brexit, quan hệ giữa London với các thành viên EU không mấy thuận lợi. Điển hình là trong cuộc vận động tranh ghế thủ tướng, bà Liz Truss đã tránh né trả lời câu hỏi "Pháp là bạn hay là thù của nước Anh?". Bà và người tiền nhiệm tìm cách đổ lỗi cho Pháp, cho EU về những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt.
Điểm tựa vững chắc nhất của Anh là Mỹ, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng ngay cả với Washington, London cũng không thực sự thoải mái khi mà ảnh hưởng của Anh bị thu hẹp dần ngay cả tại một số quốc gia như Australia hay New Zealand vốn thuộc Khối Thịnh Vượng Chung.
Nước Anh trước đây cũng đã kỳ vọng nhiều vào quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhất là về thương mại, để phần nào lấp vào chỗ trống một khi ra khỏi EU. Nhưng từ năm 2016 đến nay, tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt với Hong Kong (thuộc địa cũ của Anh) không tạo điều kiện để Bắc Kinh và London xích lại gần nhau.
Với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, âm mưu đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal đã đẩy quan hệ song phương đến bờ vực thẳm. Chiến tranh Ukraina là "giọt nước làm tràn ly". Anh đã vĩnh viễn chọn phe, thậm chí còn mạnh tay hơn cả nhiều nước châu Âu đòi trừng phạt Điện Kremlin vì đã xâm chiếm Ukraina.
Các nước vùng Caribe đòi bồi thường, không theo quân chủ
Việc Charles III lên ngôi lại khuấy động những lời kêu gọi từ các chính trị gia và các nhà hoạt động muốn các thuộc địa cũ của Anh ở vùng Caribe loại bỏ nhà quân chủ Anh khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia của họ và yêu cầu Anh bồi thường về chế độ nô lệ.
Thủ tướng Jamaica cho biết đất nước của ông sẽ để tang bà Elizabeth, và người đồng cấp của ông ở Antigua và Barbuda đã ra lệnh treo cờ rủ cho đến ngày bà an táng. Nhưng trong một số giới, có những băn khoăn về vai trò của một vị quân vương xa xôi đối với các nước vùng Caribe trong thế kỷ XXI.
Đầu năm 2022, một số nhà lãnh đạo Khối thịnh vượng chung tỏ ra không thoải mái tại hội nghị thượng đỉnh ở Kigali (thủ đô của Rwanda) về việc chuyển giao quyền lãnh đạo khối gồm 56 quốc gia từ tay bà Elizabeth sang ông Charles.
Và trong chuyến công du kéo dài 8 ngày hồi tháng 3/2022 của Hoàng tử William, nay là người sẽ thừa kế ngai vàng tiếp theo, và phu nhân Kate tới Belize, Jamaica và Bahamas, đáng chú ý đã có nhiều lời kêu gọi bồi thường và xin lỗi về chế độ nô lệ.
Bà Niambi Hall-Campbell - một học giả 44 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Bồi thường Quốc gia Bahamas - nói hôm 8/9: "Khi vai trò của chế độ quân chủ thay đổi, chúng tôi kỳ vọng đây có thể là cơ hội để thúc đẩy các cuộc thảo luận về các khoản bồi thường cho khu vực của chúng tôi".
Bà Hall-Campbell đã gửi lời chia buồn đến gia đình Nữ hoàng và lưu ý rằng ông Charles thừa nhận về "sự tàn bạo khủng khiếp của chế độ nô lệ" tại một buổi lễ hồi năm ngoái đánh dấu Anh chấm dứt cai trị Barbados và nước này trở thành một nhà nước cộng hòa. Bà Hall-Campbell hy vọng ông Charles sẽ có cách lãnh đạo theo đó phản ánh rằng "cần phải có công lý cho thời đó. Và loại công lý đó là công lý đền bù".
Hơn 10 triệu người châu Phi đã bị các quốc gia châu Âu xiềng xích và bị buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Những người sống sót sau chuyến đi cực khổ bị buộc phải lao động trên các đồn điền ở Caribe và châu Mỹ.
Ông David Denny, Tổng thư ký của Phong trào Hòa bình và Hội nhập Caribe, từ Barbados nói: "Bất cứ ai sẽ nối ngôi đều cần phải nhận lấy lời yêu cầu là Hoàng gia cần trả tiền bồi thường cho người dân châu Phi. Tất cả chúng ta nên làm việc cùng nhau tiến tới việc loại bỏ Hoàng gia Anh khỏi vai trò là nguyên thủ quốc gia của các đất nước chúng ta".
Jamaica đã báo hiệu rằng họ có thể sớm theo chân Barbados trong việc loại bỏ quyền cai trị của Hoàng gia Anh. Cả hai nước vẫn là thành viên của Khối thịnh vượng chung. Một cuộc khảo sát vào tháng 8 cho thấy 56% người dân Jamaica ủng hộ việc loại bỏ vị quân vương Anh khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia của Jamaica.
Nền quân chủ lung lay?
Nữ hoàng Elizabeth II được xem là chất keo gắn kết người dân Anh trong gần 3/4 thế kỷ. Nhiều người đang tự hỏi liệu Hoàng gia Anh sẽ ra sao với người kế vị là Charles III? Chính vì nữ hoàng quá cố có một vai trò vô cùng to lớn nên báo chí Pháp đã không tránh khỏi lo ngại, sợ rằng việc nữ hoàng Elizabeth II qua đời có thể khiến nền quân chủ Anh suy yếu, đẩy cường quốc kinh tế thứ 6 của thế giới vào tình trạng bấp bênh.
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn "Rơi vào vô định", tờ "Libération" cho rằng mặc dù người Anh đã chuẩn bị từ lâu cho khả năng nữ hoàng từ trần, nhưng sự kiện này là một sự thay đổi to lớn đối với họ, cũng như đối với tất cả những ai nhìn thấy trong triều đại của bà là một ốc đảo ổn định. Theo ghi nhận của tờ báo, sự ra đi của nữ hoàng Anh đã tạo ra một làn sóng chấn động khắp thế giới.
Trong suốt 70 năm qua, Elizabeth II đã hiện diện hầu như mọi nơi, mọi lúc, xuyên qua mọi cuộc khủng hoảng thế giới, các bi kịch cá nhân và những vật phẩm văn hóa từ tem, ảnh, chân dung, tiền giấy, cho đến phim ảnh, truyền hình, tác phẩm âm nhạc hay trang bìa tạp chí, ấn phẩm. Lễ đăng quang của bà vào năm 1953 chẳng hạn, là một trong những sự kiện đầu tiên được truyền hình đi khắp thế giới.
Đối với tờ "Libération", cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II đưa đất nước của bà vào một tương lai mơ hồ... Sau những ngày tang lễ chắc chắn sẽ rất hoành tráng và đầy xúc động, mọi người sẽ phải đối mặt với Charles III, một tân vương dường như rất khác với mẹ của mình, mà chưa ai biết ông sẽ hành động ra sao. Tuy nhiên, tờ báo Pháp cũng cố tự an ủi: Rất có thể là Charles III đã kế thừa được bản năng sinh tồn của mẹ mình là Elizabeth II, và có thể gây bất ngờ.
Tờ "Les Echos" cũng lo ngại cho tương lai chế độ quân chủ Anh vì lẽ người kế nhiệm là Charles III ít được lòng dân hơn và uy quyền có thể bị thách thức. Tồi tệ hơn nữa là ngay cả nền móng của chế độ quân chủ Anh cũng có thể lung lay vì thường bị coi là quá tốn kém, thậm chí nhiều khi bị coi là cổ hủ, quá xa vời với người dân.
Báo này trích dẫn một cuộc thăm dò của Viện Ipsos công bố hồi tháng 1/2022 cho thấy mức độ hài lòng đối với Nữ hoàng Elizabeth II đạt tới 82%, so với vỏn vẹn 61% đối với Thái tử Charles. Thậm chí, có đến 73% người được hỏi cho rằng ông nên thoái vị để nhường ngôi lại cho con trai là Hoàng tử William.