Tháng 4, CPI của cả nước giảm 0,04%

Tổng cục Thống kê cho biết, mức lạm phát cơ bản tháng 4/2021 và 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/4, giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020, theo TTXVN.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 2,7%; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức giảm 0,04% của CPI tháng 4/2021 so với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,08%; khu vực nông thôn tăng 0,01%.

sieu-thi.jpg
Giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào.

Khu vực thành thị có tốc độ CPI tháng 4 giảm so với tháng trước trong khi khu vực nông thôn tăng nhẹ chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực của khu vực thành thị giảm 0,06%; khu vực nông thôn tăng 0,03%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 4/2021 có 4 nhóm giảm giá so với tháng trước, 6 nhóm tăng giá, riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định.

Theo đó, trong 4 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11%.

Trong 6 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,87%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%...

Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 4 tháng đầu năm 2021 như: giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 4 tháng đầu năm 2021 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm 4 tháng đầu năm tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá thịt bò tăng 2,72%, giá thịt chế biến tăng 3,54%. Giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm, bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 4 tháng đầu năm tăng 14,69% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng, dầu trong nước bình quân 4 tháng tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước.

20210330_sieu_thi.jpg

Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục 4 tháng đầu năm 2021 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như: Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19; trong đó, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020. Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 4 tháng đầu năm 2021 giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các hãng hàng không và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đưa ra hàng loạt các chương trình giảm giá hấp dẫn để kích cầu du lịch và đi lại của người dân, theo đó, giá vé tàu hỏa 4 tháng đầu năm giảm 7,39% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 17,4%; giá du lịch trọn gói giảm 3,32%...

Trong tháng 4, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 24/4/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.755 USD/ounce, tăng 2,08% so với tháng 3/2021 do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, lực mua lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đã đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi giá vàng.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2021 giảm 1,9% so với tháng trước; tăng 13,84% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 20,84%. Mặc dù giá vàng trong nước giảm so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ được kiểm soát chặt chẽ và triển vọng tiêm chủng vaccine phòng chống dịch COVID-19 ở châu Âu được cải thiện. Tính đến ngày 24/4/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 92,01 điểm, tăng 0,14 điểm so với tháng trước.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.170 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2021 tăng 0,29% so với tháng trước và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 4 tháng đầu năm 2021 giảm 0,77%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản  tháng 4/2021 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng.

Mức lạm phát cơ bản tháng 4/2021 và 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

THÚY HIỀN