Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức tuyên bố từ chức. Ảnh: Getty Images. |
Theo CNBC, trong cuộc họp báo chiều 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo từ chức vì lý do sức khỏe.
Tin tức được đưa ra sau khi đài truyền hình quốc gia NHK và các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin Abe có kế hoạch từ chức của ông. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xác nhận rằng ông sẽ từ chức do sức khỏe ngày càng xấu đi, sớm kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng tại vị lâu nhất của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
“Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới người dân Nhật Bản,” Abe nói trong cuộc họp báo trên truyền hình chiều 28/8.
Trước đó theo Nikkei Asian Review, kể từ ngày 24/8, Thủ tướng Abe sẽ lập kỷ lục mới, trở thành thủ tướng Nhật Bản có tổng số ngày tại vị và thời gian nắm quyền liên tục lâu nhất trong lịch sử nước này. Nhiệm kỳ hiện tại của ông Abe với tư cách là chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền sẽ kéo dài đến tháng 9/2021. Ông dự định dành thời gian còn lại của nhiệm kỳ để kiểm soát đại dịch COVID-19 và thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản.
Người dân đeo khẩu trang bảo vệ xem buổi phát sóng cuộc họp báo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo, Nhật Bản vào chiếu 28/8. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, thông tin trên được đưa ra sau những lần đến bệnh viện của ông Abe – vốn làm nảy sinh lo ngại về sức khỏe của Thủ tướng Nhật Bản. Cụ thể, nhà lãnh đạo xứ sở mặt trời mọc đã hai lần đến bệnh viện trong 2 tuần qua, theo NHK.
Theo Reuters, ông Abe bị bệnh viêm ruột mãn tính và trước đó đã phải từ chức Thủ tướng vào năm 2007 sau một cơn phát bệnh. Ông trở lại chức Thủ tướng sau khi đảng của ông ghi nhận chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2012.
Văn phòng thủ tướng Nhật hỗn loạn sau quyết định từ chức của ông Abe. Theo Asahi, ông Shinzo Abe thậm chí giữ kín kế hoạch của mình với đồng minh thân thiết nhất là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đến tận phút cuối.
Tin ông Shinzo Abe từ chức khiến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh nhất trong gần 1 tháng qua, chỉ số Nikkei giảm đến 2,65% ngay sau khi thông tin này, trước khi kết phiên ghi nhận mức giảm 1,41% xuống còn 22.882,65 điểm.
Việc ai sẽ là người thay thế ông Abe đang trở thành mối quan tâm của người dân Nhật Bản và giới quan sát quốc tế. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba được xem là “hạt số giống 1” trong cuộc đua. Ông đã từng đánh bại ông Abe lần đầu tiên với tư cách là Thủ tướng được ưu tiên trong một cuộc khảo sát ý kiến do Nikkei thực hiện vào tháng 7. Những người tham gia cuộc khảo sát là những người ủng hộ LDP.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Ông Trump chính thức tiếp nhận đề cử từ đảng Cộng hòa
Tổng thống Donald Trump tại Đại hội đảng Cộng hòa ở Charlotte, Bắc Carolina hôm 24/8. Ảnh: Reuters. |
“Tôi chấp nhận đề cử trở thành ứng viên Tổng thống Mỹ”, ông Trump phát biểu tối 27/8 (giờ Mỹ).
Theo thông báo trước đó của ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump, bài phát biểu tiếp nhận đề cử của Tổng thống Trump được thực hiện từ khu vườn phía Nam Nhà Trắng và có khoảng 1.000-1.500 người tham dự buổi lễ, theo TTXVN.
Đảng Cộng hòa cam kết đưa ra thông điệp tích cực và đầy cảm hứng, trái ngược với những gì họ mô tả là một hội nghị toàn quốc "u ám và đen tối" của đảng Dân chủ tuần trước. Tuy nhiên, chương trình vào "giờ vàng" của đêm đại hội đầu tiên lại được ghi dấu với những dự đoán đáng lo ngại của các diễn giả về tương lai nước Mỹ nếu ứng viên đảng Dân chủ nắm quyền, theo VnExpress.
Hội nghị toàn quốc đảng Cộng hòa kéo dài 4 ngày diễn ra vào thời điểm rất quan trọng đối với Trump, khi ông đang bị đối thủ Biden dẫn trước trong các cuộc khảo sát dư luận, giữa lúc COVID-19 tàn phá nước Mỹ, khiến hơn 176.000 người chết và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp, đồng thời làm xói mòn vị thế của ông trong lòng cử tri.
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Zing |
Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nhà riêng ông Nguyễn Đức Chung
Ông Chung bị khởi tố về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ án thứ hai là buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Vụ án thứ ba mà ông Chung được cho là có liên quan là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP. Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, ở huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương. Ông là cử nhân Đại học Cảnh sát, tiến sĩ Luật. Trước khi làm chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chung là Giám đốc Công an TP, hàm thiếu tướng. Trước đó ông là phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.
Từ 15/10, bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
Theo Điều 15 Nghị định này, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu như sau:
Đặc biệt, phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng) đối với:
- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
- Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…
Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).
Vì thế, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan…(hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.
Dịch COVID-19, đã có 32 ca tử vong trên cả nước
Ảnh minh họa. |
Cập nhật lúc 6h sáng 30/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19. Tuy nhiên có 11 bệnh nhân tiên lượng rất nặng và nguy kịch.
Như vậy, tính đến 6h ngày 30/8, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 550 ca, số ca tử vong trên cả nước: 32 ca.
Theo trang mạng worldometer.info, tổng số ca bệnh trên toàn thế giới từ đầu đại dịch tới nay đã vượt mốc 25 triệu, trong đó trên 845.000 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận trên 241.000 ca bệnh COVID-19 và trên 4.800 ca tử vong.
Việt Nam có thể tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người vào tháng 12
Ảnh minh họa. |
Ngày 29/9 Bộ Y tế cho biết, đoàn công tác của Bộ Y tế đã họp tham vấn với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM).
Tại buổi làm việc, Cục trưởng qục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường cho biết theo kế hoạch, tháng 12 năm nay có thể thử nghiệm lâm sàng vắc xin trên người. Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết mới đây, Thủ tướng chỉ đạo phải sớm hơn nữa. Do đó, Bộ Y tế khẩn trương đồng hành cùng công ty đẩy nhanh nhất tiến độ nhưng vẫn đảm bảo an toàn hiệu quả trong quy trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất.
Theo báo cáo của Công ty, đến nay đơn vị đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại kháng thể dựa trên trình tự của 4 loại kháng thể được phân lập từ các bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi. Thay vì tạo ra một loại kháng thể, công ty tạo ra 4 loại kháng thể sử dụng thành một chuỗi hỗn hợp và được bào chế thành hai loại sản phẩm gồm tiêm và xịt, có khả năng khóa được nhiều vị trí ngăn virus xâm nhập vào tế bào
Công ty cũng đã phát triển xong và có khả năng sản xuất chế phẩm scFv và peg-scFv kháng RBD của protein S của SARS-CoV-2. Quy mô sản xuất là 10.000 liều/tuần (loại liều 2mg).
Ngoài ra, đơn vị đã gửi mẫu cho Viện kiểm nghiệm thuốc trung ương để đánh giá tính an toàn, đồng thời hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương từ Bộ Y tế thử nghiệm lâm sàng. Bước đầu, kết quả kiểm tra hoạt tính trung hòa trên virus của đơn vị đạt yêu cầu.
(Tổng hợp)