Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với 3 bạn trẻ, để nghe họ tự đánh giá về mức độ hài lòng của bản thân với mức lương, thưởng trong suốt cả năm qua. Có người mỉm cười lạc quan, có người đang cố nén hơi thở dài nhưng tất cả đều có chung một quyết định: Không nhảy việc.
Lương giảm nhưng vẫn quyết gắn bó với công ty vì môi trường làm việc không độc hại
Thu Ngọc (28 tuổi), hiện đang làm việc cho một agency ở Hà Nội cho biết, năm qua, thu nhập của cô đã giảm khoảng 25%, còn thưởng Tết thì đến giờ này vẫn chưa thấy công ty có động tĩnh gì.
"Mình làm cho agency quảng cáo. Những năm trước, 1 khách hàng lớn của công ty mình có thể chi tới 15-20 tỷ cho 1 chiến dịch quảng bá sản phẩm mới nhưng năm nay, họ chỉ chi có 4-5 tỷ thôi. Mà không phải 1 khách hàng như vậy, gần như tất cả đều cắt giảm ngân sách quảng cáo nên buồn thì có buồn, chứ không có gì lạ khi lương giảm" - Thu Ngọc kể.
Thu Ngọc không có ý định nhảy việc dù lương giảm |
Khi được hỏi với tình trạng giảm lương như vậy, mức độ hài lòng của Ngọc với nguồn thu nhập từ công việc này được mấy điểm trên thang điểm 10, cô bạn nghĩ mất chừng khoảng 3 giây: "Nếu nói riêng về mức độ hài lòng với thu nhập trong năm qua, thì thú thật, chắc chỉ được 4/10 thôi ấy". Dẫu vậy, Ngọc cho biết bản thân không có ý định nhảy việc.
"Mình nghĩ là agency nào cũng khó khăn như nhau cả thôi, vì tình hình chung là vậy mà. Nếu chỉ đi làm vì tiền thì chắc mình cũng nghỉ lâu rồi đấy, nhưng môi trường hiện tại phù hợp với mình. Nó khá healthy chứ không nhiều drama, anh em đồng nghiệp hay sếp đều khá hòa thuận, không có đì đẹt hay nói xấu sau lưng nhau" - Ngọc kể và khẳng định đã đi làm hơn 6 năm, trải qua 3 môi trường công sở khác nhau nên cô hiểu việc tìm được một môi trường làm việc "healthy", phù hợp với bản thân là điều rất đáng trân trọng, cũng là yếu tố khiến Ngọc quyết định không nghỉ việc.
Dù không làm việc cùng công ty hay cùng ngành với Thu Ngọc, nhưng Hải Minh (27 tuổi)cũng có quan điểm tương tự. Hiện tại, Minh đang là trình dược viên cho một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối các thương hiệu dược mỹ phẩm.
Hải Minh cho biết giai đoạn thu nhập "tăm tối" nhất đã qua đi |
"Mình làm sale được hơn 5 năm và cũng đã từng làm trong những môi trường rất độc hại. Đồng nghiệp tranh giành, cướp khách của nhau; còn sếp thì lại tìm đủ mọi cách để cắt hoa hồng của nhân viên. Nói thẳng ra là mình đi làm mà cứ như đi ăn mày, ăn xin ấy. Cứ phải đen đủi dính vào môi trường như vậy 1 lần trong đời thì mới biết trân trọng những doanh nghiệp có văn hóa nội bộ tốt, chế độ đãi ngộ rõ ràng" - Minh chia sẻ và cho biết với công việc hiện tại, 8/10 là mức độ hài lòng của cậu bạn này về chế độ lương, thưởng.
"2 đợt giãn cách xã hội trước đây là khoảng thời gian thu nhập của mình… rơi vào cảnh "tăm tối" nhất, vì đặc thù ngành của chúng mình phụ thuộc rất nhiều vào việc vận chuyển, giao hàng. Giãn cách xã hội một cái, khách có chốt đơn hàng lớn mà vận chuyển lâu, không kịp tiến độ thì có khi khách hủy hợp đồng.
Đợt ấy mình cũng nản, cũng định nhảy việc đấy nhưng thấy tiếc môi trường hiện tại quá nên cứ cố thêm một tí, đến giờ thì mọi thứ ổn rồi. Năm nay cũng có thất thu một chút, nhưng không đáng kể" - Minh khẳng định.
"Một ngày đi làm 9 tiếng thì thở dài hết 8 tiếng"
Đây là lời miêu tả của Thanh Thúy (23 tuổi) về tình hình công việc của bản thân trong năm qua. Thúy mới ra trường được hơn 1 năm, hiện đang làm việc trong ngành xuất nhập khẩu với vai trò nhân viên hải quan.
Thúy cho biết năm nay, cả lương tháng 1 và thưởng Tết của em rơi vào khoảng 14-16 triệu đồng.
"Vì em mới làm ở đây được gần 7 tháng thôi nên lương, thưởng cũng không thể cao bằng các anh chị đã có thâm niên. Nếu gắn bó được lâu dài hơn thì em nghĩ lương, thưởng chỗ này không có gì để chê" - Thúy giải thích và cho biết mức độ hài lòng của em với nguồn thu nhập trong năm nay ở mức 9/10. Dẫu vậy, bạn trẻ này vẫn đang "nung nấu" quyết tâm tìm một bến đỗ mới.
Ảnh minh họa |
"Thú thật là em đã âm thầm rải CV, tìm việc khác từ trước Tết khoảng 3 tháng rồi nhưng em phỏng vấn toàn trượt, có lẽ vì kinh nghiệm còn ít. Em chán công ty hiện tại lắm rồi vì leader không hướng dẫn em mấy, toàn để em tự mày mò, chẳng may em làm chưa đúng thì mắng rất nặng lời" - Thúy trải lòng.
Bạn trẻ này còn chia sẻ thêm rằng đặc thù vị trí nhân viên hải quan trong ngành xuất nhập khẩu là phải có rất nhiều kiến thức về chứng từ hàng hóa, giấy tờ thông quan. Cô bạn mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm mà phải "tự bơi", nên thành ra một ngày đi làm 9 tiếng thì thở dài đến 8 tiếng.
"Có những hôm em thấy tuyệt vọng quá, em phải chạy vào nhà vệ sinh khóc, cũng nghĩ thôi nghỉ quách đi cho rồi nhưng nó chỉ là suy nghĩ bộc phát thôi. Chứ chưa tìm được việc khác mà nghỉ, chẳng có tiền sống thì cũng vẫn khóc cho xem" - Cô bạn 23 tuổi bộc bạch.
Tạm kết
Chúng ta đi làm vì gì? Đương nhiên, câu trả lời sẽ luôn là "vì tiền". Nhưng từ những chia sẻ của Thanh Thúy, Hải Minh và Thu Ngọc, không khó để nhận ra một sự thật: Tiền (hay nói cách khác chính là lương, thưởng) chưa bao giờ là yếu tố quan trọng duy nhất trên hành trình đổi sức lao động lấy chi phí trang trải cuộc sống.
Thu nhập giảm, thậm chí từng rơi vào cảnh "tối tăm" nhưng Hải Minh và Thu Ngọc vẫn quyết định đồng hành cùng công ty qua thời gian khó khăn, vì môi trường lành mạnh. Ngược lại, thu nhập ổn định, có tiềm năng phát triển, nhưng Thanh Thúy vẫn cứ thở dài, thậm chí còn phải khóc… trong nhà vệ sinh vì những áp lực không đáng có.
Vậy nên, nếu môi trường làm việc không khiến bạn phải khóc thầm, và lương thưởng cũng vẫn đang giúp bạn sống tốt, chỉ là không thể tiêu xài xả láng như xưa, mong bạn sẽ hiểu ra rằng bản thân mình vẫn đang may mắn hơn rất nhiều bạn trẻ khác ngoài kia, để bớt than vãn, bớt thở dài "ôi sao mà lương thấp thế này hả trời…".
Những công việc nghe cực "lạ" nhưng nhu cầu tuyển dụng cao, ít áp lực mà lương thưởng siêu khủng
Đây là những ngành nghề có tiềm năng phát triển trong tương lai tại Mỹ.