Thủ tướng ban hành Công điện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là TP Hà Nội và TP.HCM, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%,

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Công điện gửi các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện nêu: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch do Trung ương, Quốc hội đề ra. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có kết quả tăng trưởng ấn tượng, thu ngân sách nhà nước vượt nhiều so với dự toán, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP) và kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 97-KL/TW ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2024-2025, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt; Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.

2. Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao)

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức trên 8%, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các ngành, lĩnh vực, Bộ, cơ quan, địa phương trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, đảm bảo đồng bộ, khả thi, hiệu quả; báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 08 tháng 01 năm 2025; trên cơ sở đó giao chỉ tiêu năm 2025 cho từng Bộ, ngành, địa phương.

b) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2025 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để phấn đấu đạt kết quả cao nhất; trong đó phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương

- Sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

- Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hạ lãi suất cho vay. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi (gói tín dụng nhà ở xã hội, hỗ trợ nông, lâm, thủy sản…). Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý hiệu quả nợ xấu.

d) Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý chặc chẽ thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là thu tiền sử dụng đất, kinh doanh thương mại điện tử, qua nền tảng số; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định bắt buộc về hóa đơn điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, đồng thời phải thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

- Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 06 tháng đầu năm 2025 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2025.

đ) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; triển khai hiệu quả gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội; quyết tâm xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025.

3. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống

a) Về đầu tư

- Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục các hạn chế, bất cập, quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với từng dự án. Có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 không quá 3.000 dự án (cả dự án chuyển tiếp và dự án mới); tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam.

b) Về tiêu dùng

Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trên từng địa bàn và phạm vi cả nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", chương trình OCOP, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu; gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng; nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa; tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế (phấn đấu thu hút trên 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025).

c) Về xuất khẩu

Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; tận dụng hiệu quả 17 Hiệp định thương mại tự do đã ký và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Trung Đông, Mỹ La-tinh, Châu Phi…; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa; chú trọng cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế.

4. Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới

a) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại, nền kinh tế số rộng khắp, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trình Chính phủ trong quý I năm 2025; tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia, đề xuất danh mục ngành kinh tế xanh tích hợp vào hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nhằm khuyến khích và đẩy mạnh chuyển đổi xanh.

5. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược

a) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền:

- Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025; quyết tâm hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc.

- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng năng lượng.

- Khẩn trương triển khai chủ trương, kết luận của cấp có thẩm quyền về tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thành lập Khu thương mại tự do tại một số địa phương.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo, phát triển vệ tinh viễn thông, nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia; đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu 6G, ứng dụng các loại dịch vụ vệ tinh...

Ảnh minh họa

6. Huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp hiệu quả để huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược. Nghiên cứu, tận dụng dư địa về nợ công, nợ Chính phủ, bội chi để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tháo gỡ vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

b) Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh một cách toàn diện, bền vững, bảo đảm tương xứng với nguồn lực nắm giữ thông qua đổi mới quản trị, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung và đẩy nhanh đầu tư các dự án lớn, tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế; xây dựng cơ chế phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.

c) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương triển khai ngay Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, đất đai tại một số địa phương. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2024 về tháo gỡ khó khăn cho các dự án; tập trung rà soát, phân loại và đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa vào sử dụng, giải phóng nguồn lực góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

7. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

a) Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" theo chủ trương, định hướng của Trung ương và Chính phủ, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất.

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục rà soát các quy định tại các Luật không còn phù hợp, vướng mắc, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tháng 02 năm 2025; trong đó: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư (nhất là quy định về đầu tư ra nước ngoài); Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông trình sửa đổi các Luật thuộc lĩnh vực quản lý để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển.

8. Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển văn hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; quyết liệt thực hiện các cam kết tại COP26. Ổn định chính trị, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác truyền thông chính sách, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả.

9. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

PV

Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

Sáng 26/11 tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV tổ chức “Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.