Bổ sung vitamin D khi mang thai có thể giúp con thông minh hơn

Nghiên cứu đã cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn thai kỳ.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The American Journal of Clinical Nutrition cho thấy những người mẹ có nồng độ vitamin D cao hơn trong thai kỳ có liên quan đến khả năng phát triển nhận thức vượt trội ở trẻ.

Trong cuộc khảo sát thực hiện trên nhóm trẻ từ 7 – 12 tuổi đã cho thấy, những trẻ có mẹ được bổ sung vitamin D đầy đủ trong thai kỳ đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về trí nhớ, sự chú ý và kỹ năng giải quyết vấn đề so với các trẻ khác.

Bổ sung vitamin D khi mang thai có thể giúp con thông minh hơn

Vitamin D và sự phát triển não bộ từ trong bụng mẹ

Từ lâu, vitamin D được biết đến với vai trò hỗ trợ sức khỏe xương. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đang dần làm sáng tỏ vai trò của vitamin D trong việc điều hòa chức năng miễn dịch, chống viêm và đặc biệt là bảo vệ và phát triển hệ thần kinh trung ương, ngay từ giai đoạn bào thai.

Phân tích dữ liệu từ hơn 900 cặp mẹ con tham gia chương trình nghiên cứu quốc gia ECHO (Environmental Influences on Child Health Outcomes), nhóm tác giả đã đo mức vitamin D trong máu của thai phụ và đánh giá khả năng nhận thức của trẻ bằng bộ bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa. Nghiên cứu cũng kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ như trình độ học vấn của mẹ, điều kiện sống, giới tính và độ tuổi của trẻ.

Kết quả cho thấy mối liên hệ rõ rệt nhất ở nhóm gia đình người Mỹ gốc Phi, nhóm vốn có nguy cơ thiếu vitamin D cao nhất. Điều này cho thấy việc bổ sung vitamin D có thể là một chiến lược đầy hứa hẹn, chi phí thấp để hỗ trợ sự phát triển của não bộ, đồng thời thu hẹp khoảng cách về sức khỏe thần kinh giữa các nhóm chủng tộc.

Theo số liệu hiện hành, khoảng 42% người trưởng thành tại Mỹ bị thiếu vitamin D (dưới 20 ng/ml). Ở phụ nữ mang thai, con số này lên tới 33%, và ở phụ nữ mang thai người Mỹ gốc Phi, tỷ lệ thiếu hụt lên tới 80%. Sự chênh lệch chủ yếu đến từ yếu tố sắc tố da do melanin cản trở khả năng tổng hợp vitamin D qua ánh nắng mặt trời.

Mặc dù vitamin D có thể được hấp thụ qua ánh nắng và thực phẩm như cá béo, lòng đỏ trứng, nấm hoặc sữa tăng cường, nhưng lượng tiêu thụ thực tế thường không đáp ứng đủ nhu cầu. Trung bình, phụ nữ Mỹ chỉ nhận khoảng 168 IU/ngày từ chế độ ăn, trong khi mức khuyến nghị hiện tại cho thai phụ là 600 IU/ngày – và có thể cần tới 1.000–2.000 IU để đạt hiệu quả tối ưu.

Đáng lưu ý, nhiều loại vitamin tổng hợp dành cho thai kỳ chỉ cung cấp khoảng 400 IU vitamin D, thấp hơn mức cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu hụt. Đây là cơ hội để giới chuyên môn tăng cường sàng lọc và tư vấn bổ sung vitamin D ngay từ giai đoạn đầu thai kỳ.

Không chỉ hỗ trợ sự phát triển nhận thức của trẻ trong những năm đầu đời, điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra nhận thức cũng được liên hệ với khả năng tư duy logic tốt hơn, trí nhớ dài hạn và thậm chí là tuổi thọ cao hơn khi trưởng thành.

Tuy vậy, giới khoa học vẫn thận trọng. Dù mối liên hệ đã rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định vẫn cần thêm các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng – tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu y khoa – để xác nhận vai trò nhân quả của vitamin D và thiết lập ngưỡng bổ sung tối ưu cho phụ nữ mang thai.

Trong lúc chờ đợi những kết luận chắc chắn hơn, nghiên cứu hiện tại cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn thai kỳ, đặc biệt là việc bổ sung vitamin D nhằm tạo tiền đề vững chắc cho sức khỏe trí tuệ của thế hệ tương lai.

TM (theo Science Alert)

Ăn bơ khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh

Ăn bơ khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh

Một nghiên cứu mới từ Phần Lan đã lần đầu tiên làm sáng tỏ mối liên kết đáng ngạc nhiên giữa việc dùng bơ trong thai kỳ và khả năng giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ.