Các quốc gia G7, ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh kinh tế, hôm 19/5 đã đưa ra một thông cáo từ thành phố Hiroshima, Nhật Bản, đề cập đến việc giảm thiểu rủi ro, không tách rời cam kết kinh tế với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phát biểu trước các phương tiện truyền thông ở Hiroshima, ông Albanese, người đã tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Quad bên lề hội nghị thượng đỉnh vào ngày 19/5, cho biết theo một bản ghi chính thức: "Tôi ủng hộ các thông cáo của G7 về các mối quan hệ quốc tế mà chúng ta có ở đó".
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết Úc "đã có lúc" bày tỏ quan ngại về hoạt động của Trung Quốc, chỉ ra "sự va chạm" của một máy bay Úc.
Vào tháng 5/2022, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã chặn một cách nguy hiểm một máy bay quân sự của Úc ở khu vực Biển Đông, theo Bộ Quốc phòng Úc.
"Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại trong quá khứ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy", ông Albanese nói.
"Những gì chúng ta cần làm là đảm bảo rằng chúng ta làm việc theo cách giúp tăng cường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, kiên quyết phản đối tuyên bố của G7, đã khiếu nại với nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, một nhóm được gọi là Quad – cho biết tại Hiroshima, họ tìm kiếm một khu vực "không có quốc gia nào thống trị và không có quốc gia nào bị thống trị", ngôn ngữ cũng có vẻ nhắm vào Trung Quốc.
Những bình luận của ông Albanese được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Úc-Trung Quốc gần đây giảm nhiệt, với việc Trung Quốc chuẩn bị nối lại nhập khẩu gỗ của Úc và các cuộc đàm phán đang diễn ra về chuyến thăm của thủ tướng tới Bắc Kinh.
Trong một tuyên bố về an ninh kinh tế được đưa ra ngày 20/5, ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, các lãnh đạo G7 cho biết sẽ tăng cường khả năng phục hồi "thông qua việc khắc phục các điểm yếu và chống lại các hành vi xấu lợi dụng và củng cố những điểm yếu này".
Mặc dù không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, các quan chức phương Tây lên tiếng ngày càng nhiều về việc Bắc Kinh sử dụng các hạn chế thương mại trong tranh chấp chính trị.
Các nhà lãnh đạo G7 cho biết: "Thế giới đã phải đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại về các vụ cưỡng bức kinh tế nhằm lợi dụng các điểm yếu và sự phụ thuộc về kinh tế, đồng thời làm suy yếu các chính sách đối ngoại và đối nội cũng như vị thế của các thành viên G7, các đối tác trên toàn thế giới". "Chúng tôi sẽ hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng, những nỗ lực vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế bằng cách buộc các thành viên G7 và các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả các nền kinh tế nhỏ, tuân thủ và quy phục sẽ thất bại và phải đối mặt với hậu quả".
Việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại là một trong những chủ đề được theo dõi chặt chẽ tại Hội nghị thượng đỉnh G7, trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi hành động phối hợp để ngăn chặn Bắc Kinh.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Litva đều bị hạn chế thương mại trong những năm gần đây sau các tranh chấp với Bắc Kinh về nhiều vấn đề.
Trong một thông cáo được đưa ra sau đó trong ngày 20/5, các nhà lãnh đạo G7 đã vạch ra một chiến lược cụ thể để đối phó với Trung Quốc.
"Chúng tôi nhận ra rằng khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi phải loại bỏ rủi ro và đa dạng hóa. Một Trung Quốc đang phát triển tuân theo các quy tắc quốc tế sẽ mang lại lợi ích toàn cầu", thông cáo sau hội nghị cho biết.
(Nguồn: SCMP/Al Jazeera)