Thuế thu từ Google, Facebook... tăng đột biến lên gần 2000 tỷ đồng trong tháng 4

Mới đây, Tổng cục Thuế đã ghi nhận thêm 3 nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện công tác thuế qua Cổng thông tin điện tử. Số thuế thu trong tháng 4 tăng đột biến lên 1.920 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế vừa thông tin về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 4 và chương trình cho tháng 5. Đáng chú ý với công tác quản lý thuế về thương mại điện tử, cơ quan quản lý cho biết đã có 52 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN.

Thuế thu từ Google, Facebook... tăng đột biến lên gần 2000 tỷ đồng trong tháng 4 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Như vậy sau một tháng, Tổng cục Thuế ghi nhận thêm 3 NCCNN mới thực hiện công tác thuế qua hình thức online. Tổng số thu lũy kế kể từ khi vận hành Cổng (21/3/2022) đến nay đạt 7.250 tỷ đồng.

Bên cạnh đó số thu từ các NCCNN tính riêng tháng 4 cũng tăng lên nhanh chóng lên 1.920 tỷ đồng trong khi lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết tháng 3 mới đạt 1.852 tỷ đồng. Tổng cộng số thu trong năm 2023 đến nay là 3.772 tỷ đồng, theo Zing.

Tại Việt Nam, 6 NCCNN lớn là Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới. Các nền tảng đều đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Với Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, Tổng cục Thuế cho biết đã có 304 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin với 146.967 cá nhân và 31.365 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn. Tổng lượt giao dịch vượt 50,2 triệu với giá trị lên đến 15.231 tỷ đồng.

Mặt khác 3 tháng đầu năm, cơ quan mới xác định có 285 chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin qua Cổng thông tin, 53.585 cá nhân và 16.003 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn. Với 15.919.953 lượt giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng.

Trong các sàn TMĐT cung cấp thông tin có một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso... với tần suất theo quý.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với NCCNN. Trong đó bao gồm nhiệm vụ rà soát, xây dựng danh sách, đôn đốc các NCCNN chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng cũng như kịp thời giải quyết các vướng mắc để NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Ngành Thuế cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thu thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, đảm bảo mục tiêu trên nguyên tắc công bằng, thống nhất, đồng bộ, thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số của NCCNN.

Theo Tổng cục Thuế, Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các NCCNN thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Đây là bước chuyển quan trọng khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

(Tổng hợp)

AN LY