Từ các thành phố và thị trấn nhỏ ở tỉnh Sơn Đông phía đông đến các con hẻm ở đô thị phía tây nam Trùng Khánh, hoạt động kinh doanh bánh mì của Trung Quốc đang bùng nổi khi mỗi ổ bánh có giá chỉ 2 CNY.
Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, một số bài đăng nổi khắp trên mạng xã hội khi những cá nhân tuyên bố đã nghỉ việc để mở tiệm bánh và kiếm được thu nhập đáng kể với mức đầu tư thấp. Thu nhập hàng tháng có thể lên tới 130.000 - 180.000 CNY (18.000 - 25.000 USD) sau khi mở tiệm.
Các cửa hàng thu hút rất nhiều đám đông với biển hiệu "bánh mì 2 tệ" nổi bật và đa dạng từ nhân đậu đỏ, sô cô la đến sầu riêng, việt quất. Với sự kết hợp tiện lợi, những tiệm bánh như vậy đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn khách hàng đang tiết kiệm ngân sách.
"Tôi mua tất cả hương vị ở cửa hàng với giá chỉ hơn 20 CNY, loại nào cũng ngon và đáng giá", một blogger ẩm thực có khoảng 14.000 người theo dõi trên mạng xã hội Xiaohongshu sau khi ghé thăm một cửa hàng bánh mì giá 2 tệ tuyên bố.
Khi những câu chuyện khởi nghiệp có vẻ nhẹ nhàng như vậy bắt đầu lan toả khắp mạng xã hội, dẫn đến sự gia tăng số người muốn đầu tư hoặc mở tiệm bánh 2 tệ để khởi nghiệp làm giàu.
Hiện tượng này càng nổi tiếng khi các chuỗi tiệm bánh như Sumei 2-yuan Bread và Tangyi ở Sơn Đông, cũng như Hợp tác xã tiếp thị và cung cấp bánh mì 3 CNY ở Trùng Khánh, mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách mở nhiều cửa hàng và cung cấp dịch vụ nhượng quyền trên toàn quốc.
Nhưng bất chấp thành công ban đầu, mô hình kinh doanh của các cửa hàng bánh mì giá 2 tệ không phải là không có thách thức. Mặc dù chi phí sản xuất thấp và lợi nhuận cao có vẻ hứa hẹn nhưng việc duy trì lợi nhuận trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn.
Truyền thông trong nước và các chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại sau khi có báo cáo rằng nhiều người lao vào kinh doanh bánh mì, nhưng lợi nhuận thực sự thường không nằm ở việc bán bánh mì mà nằm ở việc tuyển dụng người nhượng quyền và phí thu được từ việc dạy nghề.
Đại diện của thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng Sumei nói rằng công ty hiện vận hành hơn 400 cửa hàng trên khắp Trung Quốc. Chỉ riêng tại thủ phủ Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, 8 cửa hàng bánh mì Sumei giá 2 tệ đã bắt đầu hoạt động và 3 cửa hàng nữa dự kiến sẽ sớm mở cửa.
"Cốt lõi thương hiệu của chúng tôi là đảm bảo hương vị và kết cấu nhất quán của bánh mì, bên cạnh việc quản lý chi phí và tối đa hóa lợi nhuận gộp", đại diện Sumei nói. "Chúng tôi cung cấp công thức, công nghệ và tuyển chọn nguyên liệu thô, cho phép những người nhận nhượng quyền có thể kiếm được hơn 1 tệ cho mỗi chiếc bánh mì giá 2 tệ bán được".
Đại diện Sumei lưu ý, hiệu suất và lợi nhuận của cửa hàng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí, với doanh thu trung bình hàng ngày cho các cửa hàng ở các thành phố cấp ba và cấp bốn dao động từ 1.000-2.000 CNY. Điều này đòi hỏi phải bán từ 500-1.000 chiếc bánh mì mỗi ngày.
Tangyi, một tiệm bánh thành công khác có giá 2 tệ, cũng mở cửa hàng đầu tiên ở Tế Nam. Theo bài đăng mới nhất của người sáng lập 27 tuổi trên Xiaohongshu, cô kiếm được tổng doanh thu hàng tháng khoảng 180.000 CNY vào tháng 12/2023.
Sau khi trừ các chi phí như tiền thuê nhà, điện, nguyên liệu thô và nhân công, tổng cộng khoảng 84.000 CNY, lợi nhuận ròng trong tháng của cô đã vượt quá 90.000 CNY. Số tiền này có thể dễ dàng trang trải những khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Nhưng đối với hầu hết các tiệm bánh thành công với giá 2 tệ, việc bán bánh mì không phải là nguồn thu nhập duy nhất. Các thương hiệu bánh mì 2 tệ lớn tăng thu nhập bằng cách cung cấp các cơ hội nhượng quyền thương mại và các chương trình đào tạo nhằm nhân rộng mô hình kinh doanh của họ.
Sumei tính phí nhượng quyền là 29.800 CNY cho một cửa hàng 2 tệ, bao gồm ba máy nướng bánh mà không phải trả thêm phí. Những người được nhượng quyền tiềm năng được mời đến thăm trụ sở chính của công ty ở Tế Nam để hiểu rõ hơn trước khi triển khai hoạt động kinh doanh của họ.
Các chương trình đào tạo cũng đóng một vai trò quan trọng trong nguồn doanh thu. Tại Trùng Khánh, Hợp tác xã Tiếp thị và cung cấp bánh mì giá 3 tệ, mới mở cửa vào tháng 11 năm ngoái, cung cấp một chương trình đào tạo với chi phí thêm 19.800 CNY.
Chương trình giảng dạy bao gồm mọi thứ, từ kiến thức kỹ thuật làm bánh đến thiết kế cửa hàng và xây dựng thương hiệu, kéo dài từ bảy đến 10 ngày, tùy thuộc vào năng khiếu của người học.
Sự gia tăng số lượng cửa hàng bánh mì 2 tệ phần lớn là do tình hình kinh tế hiện tại và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Với việc thị trường ngày càng nhạy cảm với giá cả, người tiêu dùng Trung Quốc đang thận trọng hơn trong chi tiêu và tìm cách kéo dài ngân sách của mình.
Theo dữ liệu từ Canyin88, một trang web về ngành ăn uống, chi tiêu bình quân đầu người tại một tiệm bánh ở Trung Quốc dao động trong khoảng 39,73 CNY.
Zhu Danpeng, nhà phân tích ngành thực phẩm, nhấn mạnh sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. "Hiệu quả về chi phí hiện đang là xu hướng phát triển chủ đạo, nhãn hiệu phổ biến và phạm vi giá phổ biến. Các cửa hàng 2 tệ phù hợp với xu hướng vì người tiêu dùng Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên lý trí và thực tế hơn trong tương lai", ông ví dụ đơn giản về hành vi tiêu dùng.
Bất chấp sự phổ biến hiện nay của những tiệm bánh thân thiện với túi tiền này, tương lai của chúng vẫn chưa chắc chắn. Các chuyên gia tin rằng việc sử dụng nguyên liệu giá rẻ và số lượng loại bánh mì hạn chế có thể làm giảm khả năng giữ chân khách hàng.
Đồng thời, Zhao dự đoán rằng nếu không có sự đổi mới bền vững, những cửa hàng như vậy có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh về lâu về dài của mình.
Chen Yinjiang, phó thư ký Hiệp hội Luật Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Hiệp hội Luật Trung Quốc, cũng bày tỏ quan ngại. Phát biểu với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, ông nhấn mạnh rằng mô hình kinh doanh của các tiệm bánh giá 2 tệ vẫn chưa được thị trường thử nghiệm đầy đủ.
"Loại rủi ro kinh doanh này không chỉ do bản thân họ gánh chịu mà còn có thể được chuyển sang các doanh nghiệp nhượng quyền", ông cho biết.
(Nguồn: Sixthtone)