Tín dụng có dấu hiệu khởi sắc dù lãi suất cho vay giảm chậm

Tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và tính đến hết quý 3 mới đạt một nửa kế hoạch năm (14%). Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay từng bước được ngân hàng cắt giảm so với đầu năm nay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tín dụng đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9/2023 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế. Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, song hoạt động cho vay đã từng bước cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, dù cầu vốn doanh nghiệp chưa tăng cao.

Tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và tính đến hết quý 3 mới đạt một nửa kế hoạch năm (14%). Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay từng bước được ngân hàng cắt giảm so với đầu năm nay (mức giảm 1-3% đối với doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân), với kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Tín dụng có dấu hiệu khởi sắc dù lãi suất cho vay giảm chậm - Ảnh 1.

Trên thực tế, các ngân hàng đã liên tục triển khai gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu nhằm kích cầu tín dụng.

Như tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong 9 tháng năm 2023 đã có 5 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, với mức giảm từ 1,2 - 1,6 %/năm và triển khai 28 gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng, tổng quy mô đạt 610.000 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi suất lên đến 2,5 %/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hiện có 3 gói vay ưu đãi đang triển khai với tổng quy mô lên đến 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5 %/năm; Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giảm lãi suất cho vay cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên đến 2,6 %/năm; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dành đến 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất từ 6,5 %/năm...

Dù vậy, lãi suất cho vay được đánh giá là giảm không đồng tốc với lãi suất huy động. Và việc ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay vẫn là điều cộng đồng doanh nghiệp mong đợi.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng cho rằng, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động trên thị trường giảm đến 2% song lãi suất cho vay chỉ giảm 0,5-1%, tốc độ giảm chậm so với lãi suất huy động.

Lãi suất vay vốn cao cũng được bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh) nhận định là rào cản trong quá trình tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, bên cạnh tài sản thế chấp và nhiều nấc thủ tục.

Nhìn lại lãi suất huy động hồi đầu năm nay, đã có lúc lên tới 10-11 %/năm cho tiền gửi 12 tháng. Hiện, lãi suất cùng kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại chỉ còn dao động từ 5,5-6,5 %/năm. 

Trong khi số liệu của NHNN cho biết, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2 %/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng đánh giá mặt bằng lãi suất hiện đã khá thấp. Do đó, từ nay đến cuối năm, NHNN chưa cần thiết hoặc cũng sẽ không giảm lãi suất điều hành nữa. Lãi suất huy động có thể giữ nguyên mức hiện nay nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm. Điều này đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí hoạt động ở mức hợp lý, theo TTXVN.

Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết ngân hàng sẽ chủ động giảm lãi suất, cơ cấu nợ, đối với các khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ về lãi suất theo các quy định hiện hành, đồng thời chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để hạ lãi suất trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Dự báo xu hướng lãi suất quý cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất cho vay sẽ khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động vì còn phải đảm bảo cho sự an toàn của toàn hệ thống. Do đó, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, chứ không thể giảm sâu hơn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định. Trong đó, công cụ tỷ giá, bảo đảm ổn định, lãi suất được điều hành theo hướng ổn định, giảm dần, phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình tăng trưởng kinh tế, không để tình trạng đầu cơ găm giữ nâng tỷ giá, sử dụng các nguồn lực, bảo đảm tiếp tục điều hành tỷ giá; Tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm dần, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, bằng mọi nguồn lực chia sẻ khó khăn giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Đồng thời, NHNN tập trung tháo gỡ các điều kiện thủ tục tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, vấn đề này có hai mặt, nếu không bảo đảm quy định tối thiểu trong điều kiện tín dụng có thể dẫn đến không an toàn lành mạnh các tổ chức tín dụng và an toàn tài chính quốc gia. Vì thế, quan điểm NHNN là bảo đảm hài hòa an toàn vốn song song với tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng tín dụng.

(Tổng hợp)

AN LY