Theo Reuters, sắc lệnh này sẽ cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của nước này vào các thực thể Trung Quốc trong 3 lĩnh vực bao gồm linh kiện bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Trước mắt, Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này có khả năng sẽ miễn trừ "một số giao dịch nhất định, bao gồm cả những giao dịch có khả năng xảy ra trong các công cụ được giao dịch công khai và chuyển nội bộ công ty từ công ty mẹ ở Mỹ sang các công ty con".
Cơ quan này cũng cho biết các quy định sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai chứ không phải các khoản hiện có. Nhìn chung, lệnh này nhằm mục đích ngăn chặn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ hiện đại hóa quân đội và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.
Do đó, nó tập trung vào các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc đang phát triển phần mềm để thiết kế chip máy tính và các công cụ để sản xuất chúng. Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị các lĩnh vực trên và chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các giải pháp thay thế trong nước.
Để có thể đưa ra quyết định trên, Nhà Trắng trong một tuyên bố ngày 9/8 cho biết ông Biden đã tiến hành tham khảo ý kiến đồng minh cũng như tổng hợp phản hồi từ nhóm G7. Nó cũng đang được mở để lấy ý kiến đóng góp của công chúng. Nguồn tin của Reuters chia sẻ sắc lệnh này dự kiến sẽ được thực hiện vào năm tới, sau nhiều vòng lấy ý kiến công chúng, bao gồm cả thời gian lấy ý kiến ban đầu là 45 ngày.
Nếu được chính thức thông qua, động thái này có thể gây căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về phía Mỹ, các quan chức nước này khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia "nguy hiểm nhất" chứ không phải không chia cắt nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau một cách cao độ của hai nước.
"Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây là một tin tương đối tốt. "Đó là một quy trình thông báo tương đối hẹp và một loạt các lệnh cấm rất hẹp", Sarah Bauerle Danzman, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương và phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Indiana cho biết.
Nhắm mục tiêu Vốn chủ sở hữu
Các công ty đầu tư mạo hiểm và ngành công nghệ đã vận động chính quyền Tổng thống Joe Biden thu hẹp phạm vi của lệnh, sau khi các nhà đầu tư lo ngại Nhà Trắng sẽ áp đặt các giới hạn sâu rộng đối với đầu tư của Mỹ.
Các quốc gia đồng minh cũng đã phản đối, với Liên minh châu Âu và các nước khác nói rằng những hạn chế nghiêm trọng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của họ .
Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết lệnh này nhắm vào những người muốn mua cổ phần trong các công ty Trung Quốc bị hạn chế thông qua sáp nhập, cổ phần tư nhân và vốn tư nhân, cũng như bằng các liên doanh và thỏa thuận tài chính.
Dự kiến, nó sẽ chỉ giới hạn ở các công ty mới thành lập của Trung Quốc và các công ty lớn hơn có hơn 50% doanh thu từ các lĩnh vực bị hạn chế.
Mỹ đã hạn chế xuất khẩu một số công nghệ nhạy cảm sang Trung Quốc và lệnh này "sẽ ngăn các khoản đầu tư của Mỹ giúp đẩy nhanh quá trình bản địa hóa các công nghệ này" ở những quốc gia mà họ gọi là các quốc gia đáng lo ngại,
Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo báo chí. Lệnh xác định đó là Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.
Trung Quốc nói thất vọng
Tuy nhiên, nó vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington bày tỏ sự "thất vọng" của mình khi cho biết Nhà Trắng đã không chú ý đến "việc Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc".
Người phát ngôn khẳng định hiện có hơn 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc và các hạn chế trên sẽ chỉ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ, từ đó cản trở sự hợp tác bình thường và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Washington.
Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn trong cùng ngày 9/8 bày tỏ hy vọng sắc lệnh sẽ cho phép "các công ty chip của Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng và tiếp cận các thị trường toàn cầu quan trọng, bao gồm cả Trung Quốc".
(Nguồn: Reuters/Bloomberg)