Top 14 câu hỏi phỏng vấn thường gặp, bạn nên đọc trước khi đi xin việc

Đây là 14 câu hỏi phỏng vấn cực khó, hãy chuẩn bị trước để có kiến thức trả lời nhà tuyển dụng.

Một buổi phỏng vấn có thể khiến bạn trẻ bị stress và lo âu khủng khiếp, nhất là khi nhà tuyển dụng thích hỏi những câu đánh đố. Hãy trang bị cho mình cách trả lời 14 câu hỏi phỏng vấn cực khó sau đây để có được buổi phỏng vấn mỹ mãn bạn nhé!

1. Hãy kể cho tôi nghe về bản thân bạn

Ở câu này, hãy cố gắng chen vào những ưu điểm của bản thân cùng cống hiến tiềm năng của bạn dành cho công ty nếu được nhận, song cũng đừng dông dài quá. Bắt đầu bằng một vài sở thích cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công việc. VD: sở thích thể thao (chạy bộ hay yoga) chứng tỏ bạn rất năng động, sở thích đọc sách hay sửa chữa điện tử chứng tỏ bạn có một đầu óc linh hoạt. Việc làm từ thiện cũng nên được thêm vào bởi nó chứng tỏ bạn chú ý đến lợi ích chung.

Sau đó, trình bày trong 1 phút những kinh nghiệm làm việc của mình. Nếu bạn từng giữ vị trí tương tự, hãy nêu ra những đóng góp của mình cho công ty. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, trình bày lý do vì sao bạn lại quan tâm đến công việc này.

2. Kể cho tôi lần gần đây nhất bạn phạm sai lầm

Đây là một trong những câu làm người trả lời phỏng vấn đổ mồ hôi hột. Điểm mấu chốt là làm sao để chuyển câu chuyện từ thất bại sang thành công. Đầu tiên, hãy dành vài giây suy nghĩ làm như bạn không ngờ sẽ bị hỏi câu này. Sau đó đáp rằng là con người thì ai cũng từng phạm sai lầm, song bạn không hề thấy hối tiếc (và cho dù có thì cũng đừng nhận!)

Tiếp theo, kể lại một lần bạn đã mắc sai lầm với đồng nghiệp, hoặc với bạn bè, sau đó bạn đã nhận lỗi với đối phương và làm lại. Nói thêm là bạn thích mọi việc đều rõ ràng và cá nhân bạn luôn trò chuyện, trao đổi một cách từ tốn về bất cứ vấn đề nào mắc phải để tìm cách giải quyết.

Việc làm mơ ước đã ở trong tầm tay bạn

3. Khuyết điểm của bạn là gì? Khuyết điểm thật sự chứ không phải là ưu điểm tiềm ẩn đâu đấy

Đây là câu hỏi đánh đố chính hiệu vì bạn không thể xoay khuyết thành ưu theo cách thông thường. Không thể trả lời theo kiểu “Tôi quá ham công tiếc việc.” hay “Tôi thường mang thêm việc về nhà làm.” Thay vào đó, hãy chứng tỏ rằng bạn nhận ra khuyết điểm của bản thân và luôn tìm cách khắc phục chúng. Ví dụ: “Tôi thường đòi hỏi quá nhiều ở người khác, nhưng rồi tôi nhận ra rằng mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau.”

Đây cũng là cơ hội để giải quyết chỗ khuyết trong hồ sơ của bạn. Hãy nói rằng bạn không có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực này, song lại có kinh nghiệm trong một lĩnh vực liên quan. Ví dụ: “Tôi không có kinh nghiệm trực tiếp trong sales, nhưng lại có khả năng gây quỹ và tìm kiếm nhà đầu tư”

4. Bạn đã từng bị đuổi việc chưa? Nếu có thì vì sao?

Tuyệt đối không được khiển trách sếp cũ và công ty cũ của bạn, nếu không bạn sẽ tạo ấn tượng mình là một kẻ ích kỉ, hay đổ thừa và vô trách nhiệm. Bạn có thể thừa nhận rằng mình thiếu kinh nghiệm trong giao tiếp với sếp và đồng nghiệp, và rằng bạn đã học được bài học quý báu.

Nói rằng bạn không phù hợp với công ty cũ và trước khi có cơ hội vượt lên trên, bạn đã bị cho thôi việc. Hoặc nói rằng bạn không hiểu được mong đợi của sếp cũ trong công việc và cả hai đồng ý rằng đã tới lúc bạn ra đi. Hoặc có quản lý mới vào hội đồng quản trị và ông ta nhận thêm nhân viên từ bộ phận cũ trước khi có thời gian tìm hiểu thêm về bạn.

Thành thật và bình tĩnh khi trả lời

5. Vì sao ở thời điểm này trong sự nghiệp, bạn lại muốn nhận công việc cấp thấp trong lĩnh vực này?

Nhà tuyển dụng không thể nói rằng họ không muốn nhận bạn vì độ tuổi của bạn, vậy nên họ mới hỏi câu hỏi này. Hãy chia sẻ rằng kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan giúp bạn phù hợp với vị trí này. Nói thêm rằng sự nghiệp của bạn đã mang đến các kinh nghiệm quý báu để bạn bắt đầu lại trong một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Cho biết rằng bạn bước vào lĩnh vực này với đôi mắt và quan điểm mới mẻ. Đây cũng là cơ hội để bạn làm từ dưới đi lên và hiểu thêm về công ty. Có thể nói thêm rằng dù lương có ít hơn, song xứng đáng với cơ hội được làm lại từ đầu. Khẳng định rằng công việc cũ đã giúp bạn trở nên đáng tin cậy và sẵn sàng cống hiến hết mình cho vị trí mới.

6. Vì sao trong hồ sơ, có những thời điểm bạn không đi làm?

Có nhiều lý do khiến bạn phải nghỉ làm một thời gian, có thể là có con nhỏ hoặc bị bệnh nặng. Đây là lúc bạn cần kiểm tra kĩ lưỡng phần “người liên hệ” trong CV, cần tìm đến những người có thể chứng minh rằng khoảng thời gian này bạn đang tự làm chủ, làm freelance – tự do, hay bận bịu việc gì đó.

Hãy thành thật, nhưng vẫn nhớ là chuyển điểm yếu thành điểm mạnh. Nói rằng “Trong thời gian nghỉ dưỡng, tôi đã tranh thủ mài dũa khả năng giao tiếp của mình.” Nhấn mạnh rằng dù không có việc làm, bạn vẫn tiếp tục theo sát ngành nghề của mình bằng cách này hay cách khác chứ không ngồi không.

Chứng tỏ rằng dù nghỉ việc, bạn vẫn luôn tự vun đắp cho bản thân

7. Có bao giờ đồng nghiệp của bạn không làm tốt phần việc của mình chưa? Và bạn đã xử lý tình huống này như thế nào?

Cách bạn đối phó với đồng nghiệp cũ sẽ phần nào tiết lộ cách ứng xử của bạn với những khách hàng khó tính. Đáp rằng đồng nghiệp cũ của bạn khi đó đang gặp phải tình huống khó khăn và bạn đã sẵn lòng giúp đỡ những khi có thể.

Hãy cho biết thêm rằng hai người đã bàn bạc cùng nhau để làm rõ mọi sự và tránh gây hiềm khích. Việc này cho thấy bạn sẵn lòng bước ra giải quyết vấn đề chứ không chịu đựng trong im lặng. Tình huống này cũng nhằm chứng tỏ bạn giao thiệp tốt với mọi người và sẵn sàng làm hết sức để giải quyết tình huống khó khăn.”

8. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

Đây là một trong những câu hỏi khá phổ biến và bạn có thể chuẩn bị trước tại nhà. Đầu tiên, hãy đọc lại hồ sơ của bạn thật kỹ, chọn ra 3 - 5 ý mà bạn muốn làm nổi bật và đừng quên chuẩn bị thêm các ví dụ, con số cụ thể, kết quả công việc nhằm minh chứng cho điều bạn trình bày nhé.

Ví dụ: "Tôi là một người có kỹ năng bán hàng tốt. Cụ thể, trong 3 quý liên tiếp tại công ty cũ, tôi đã mang lại doanh số vượt 20% mục tiêu đề ra của bộ phận."

Bạn cần lưu ý là chỉ nêu chính xác những điều bạn thực sự đã làm được, đừng cố gắng phóng đại kết quả lên. Cho dù bạn cố gắng làm cho ví dụ về bản thân thật đẹp, hoành tráng, với kinh nghiệm chuyên môn của các vị trí nhân sự, bộ phận chuyên môn thì bạn cũng sớm bị phát hiện thôi.

9. Bạn không thích điều gì ở công việc cũ?

Đây sẽ là cơ hội để nhà tuyển dụng nhìn ra điểm yếu của bạn - điều có thể khiến bạn bị đánh rớt. Tuy nhiên, đây cũng không phải là dịp để bạn nói xấu sếp, đồng nghiệp cũ. Nhà tuyển dụng sẽ không hề thích điều này bởi vì họ sợ rằng nếu sau này bạn nghỉ việc ở công ty, bạn cũng sẽ nói xấu về doanh nghiệp với công ty khác của bạn.

Thay vì thế, có một gợi ý cho bạn rằng "Tôi cảm thấy mình đã được thử thách đủ ở vị trí cũ và mong muốn tìm kiếm những thách thức khó hơn để nâng cao năng lực của bản thân mình." Điều này sẽ ủng cố hình ảnh của bạn với nhà tuyển dụng, cho thấy rằng bạn đã sẵn sàng để đảm nhận một vai trò mới.

Công ty cũ

10. Bạn thấy mình sẽ ở đâu trong 3 – 5 năm nữa?

Mặc dù rằng đôi khi, bạn sẽ chưa bao giờ suy nghĩ về mình của 3 - 5 năm nữa, tuy nhiên sẽ không phải là một lựa chọn thông minh khi trả lời rằng "Tôi cũng không biết nữa" hay "Tôi chưa suy nghĩ đến vấn đề này". Điều này sẽ khiến doanh nghiệp hiểu rằng bạn thậm chí không biết lý do tại sao bạn lựa chọn công việc này và cam kết gắn bó, phát triển cùng công ty.

Bạn có thể trả lời như sau: "Trong thời điểm hiện tại, tôi muốn tập trung phát triển bản thân và tạo nên những giá trị cho công ty. Trong thời gian 3 - 5 năm đến, tôi sẽ cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo,... của mình để sau đó được thăng cấp lên vị trí Quản lý/ Trưởng phòng của bộ phận này tại công ty."

11. Bạn dự định gắn bó lâu dài với công ty chúng tôi không?

Bạn nên đưa ra câu trả lời rõ ràng về dự định của mình. Người phỏng vấn muốn nghe về sự nghiêm túc của bạn chứ không phải lời sáo rỗng, không có lập trường hoặc dập khuôn trả lời để kiếm việc. Trong trường hợp chưa chắc chắn, hãy khéo léo bày tỏ nguyện vọng gắn bó nếu như cả mình và công ty đều hài lòng về nhau.

Một gợi ý về câu trả lời mà bạn có thể tham khảo như sau: "Hiện tại, khi tôi ứng tuyển cho vị trí này, điều này đồng nghĩa tôi mong muốn gắn bó cùng công ty mình. Tuy nhiên, việc có thể đi lâu dài cùng nhau hay không thì tôi nghĩ mọi thứ đều xuất phát từ hai phía. Thứ nhất là những gì tôi làm được cho công ty và thứ hai là công ty có mang lại cho tôi như cơ hội phát triển, văn hoá công ty."

Bạn nên chú ý cách nói, tông giọng để phòng chia sẻ của mình trở nên thân thiện và gần gũi, không quá nặng nề nhé.

Gắn bó với công ty

12. Bạn thích làm việc độc lập hay theo nhóm?

Câu hỏi này sẽ đánh giá trả năng làm việc nhóm của bạn. Vì thế, đừng ngần ngại trình bày khả năng làm việc theo nhóm của mình hoặc nếu gặp những khó khăn trong vấn đề này, đừng ngần ngại chia sẻ với nhà tuyển dụng, kèm theo cách thức bạn cố gắng khắc phục trong tương lai nhé.

Tuy nhiên, đừng bỏ qua yếu tố làm việc độc lập, điều này cho thấy khả năng tự chủ và khả năng xử lý công việc cá nhân của bạn.

Làm việc nhóm

13. Mức lương nào bạn nghĩ là bạn xứng đáng được trả?

Nếu bạn là người đầu tiên đưa ra một con số cụ thể, dù con số bạn đưa ra có thể thấp hơn so với mức mà nhà tuyển dụng dự định sẽ trả cho bạn, thì đây vẫn có thể là lựa chọn không tốt cho lắm. Thay vì thế, bạn hãy chờ đợi nhà tuyển dụng đưa ra một khoảng và khi họ hỏi bạn muốn một con số cụ thể, khi đó bạn lựa chọn một mức lương cao hơn so với ngưỡng trung bình mà họ cung cấp.

Nếu nhà tuyển dụng trong chủ động đưa ra khoảng lương của họ, bạn có thể chủ động đặt câu hỏi lại cho nhà tuyển dụng về vấn đề này. Ví dụ: "Không biết Quý Công ty sẵn sàng chi trả mức lương bao nhiêu cho vị trí này?"

Để biết về các mức lương trung bình của công ty hay thị trường, bạn có thể sử dụng các công cụ và nguồn thông tin trực tuyến để có thể tìm hiểu những gì bạn có thể nhận được trong thực tế là bao nhiều. Và đừng bao giờ đề cập đến lương ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên nhé!

Tuy nhiên, nếu khung lương nhà tuyển dụng cung cấp thấp hơn so mong muốn của bạn, đừng ngần ngại chia sẻ vấn đề này với họ và trình bày lý do tại sao bạn xứng đáng với mức lương cao hơn ở vị trí này.

Làm việc nhóm

14. Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi?

Đây là câu hỏi mà bạn sẽ luôn nhận được mỗi khi buổi phỏng vấn chuẩn bị kết thúc. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được bạn có thực sự mong muốn công việc này hay không, có băn khoăn và suy nghĩ về vị trí này hay không.

Bạn nên hạn chế đặt những câu hỏi như "Khi nào thì tôi sẽ nhận được kết quả phỏng vấn?", bởi những vấn đề này sẽ được nhà tuyển dụng chủ động đề cập sau đó. Bạn có thể hỏi thêm về các phúc lợi của công ty như bảo hiểm, trợ cấp, chế độ thai sản,... hoặc khả năng thăng tiến trong công việc tại công ty. Điều này sẽ cho thấy bạn đang thực sự mong muốn tìm hiểu về công việc tương lai của mình.

Phỏng vấn ngược

(Tham khảo từ Điện Máy Xanh)

P.V (t/h)