Ngày 28/5, TP.HCM chính thức ra mắt 3 mô hình “một cửa” cung cấp dịch vụ công tác xã hội dành cho phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại. Các mô hình này được triển khai tại 3 bệnh viện lớn của thành phố: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.
Đây là sáng kiến do Cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP.HCM (Sở Nội vụ) phối hợp với Sở Y tế, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tổ chức. Sự kiện mang ý nghĩa thiết thực, nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em, Tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Mô hình “một cửa”: Can thiệp nhanh, hỗ trợ toàn diện
Mô hình “một cửa” hướng đến việc tối ưu hóa sự hỗ trợ cho các nạn nhân bằng cách tích hợp nhiều dịch vụ thiết yếu tại một địa điểm duy nhất. Cụ thể, tại các bệnh viện, nơi được xem là “đầu vào” của mô hình, nạn nhân sẽ được tiếp nhận, đánh giá tình trạng, điều trị y tế và tư vấn tâm lý, pháp lý miễn phí. Quy trình này giúp giảm thiểu tối đa thời gian và thủ tục phức tạp, đồng thời tránh việc nạn nhân phải đi lại nhiều nơi để nhận hỗ trợ như trước kia.
![]() |
Phòng hỗ trợ mô hình một cửa tại bệnh viện |
Đầu ra của mô hình đặt tại Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM (quận Gò Vấp), nơi tiếp nhận các nạn nhân sau điều trị. Đồng thời tiếp tục cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: “Trước thực trạng bạo lực giới diễn ra ở nhiều môi trường như gia đình, trường học, nơi làm việc, không gian công cộng và trên không gian mạng, không một cơ quan hay địa phương nào có thể giải quyết vấn đề này một cách đơn lẻ. Cần có sự phối hợp liên ngành và liên cấp để đưa ra các giải pháp hiệu quả và bền vững.”
![]() |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM |
Việc ra mắt thêm 3 mô hình "một cửa" đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và đầy tính nhân văn.
Mở rộng mạng lưới hỗ trợ trên toàn quốc
Trước đó, mô hình “một cửa” đầu tiên đã được khai trương tại Bệnh viện Hùng Vương vào tháng 3/2023. Tiếp nối thành công, mô hình này đã được nhân rộng tại các địa điểm khác như Ngôi nhà Ánh Dương, Ngôi nhà Bình Yên và Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện tại, các mô hình tích hợp hỗ trợ nạn nhân bạo lực đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Thanh Hóa.
Tính đến nay, các trung tâm đã hỗ trợ 224 phụ nữ và trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Riêng tại các bệnh viện, hơn 1.000 trường hợp trẻ em mang thai và trẻ vị thành niên đã tiếp cận được các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trong cùng thời gian.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện các tổ chức quốc tế như UN Women, UNICEF và UNFPA đã tái khẳng định cam kết đồng hành cùng TP.HCM trong nỗ lực mở rộng và nâng cao chất lượng của các mô hình “một cửa”. Sự hợp tác chặt chẽ này không chỉ mang lại nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế quý báu, mà còn góp phần thúc đẩy thành phố tiến tới xây dựng một môi trường sống an toàn, công bằng và không bạo lực cho mọi phụ nữ và trẻ em.
![]() |
Đại diện các tổ chức quốc tế khẳng định cam kết đồng hành cùng TP.HCM |
Việc ra mắt thêm 3 mô hình "một cửa" đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và đầy tính nhân văn.
Ngày Quốc tế Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái 25/11
Năm nay đánh dấu 25 năm kể từ khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn ngày 25/11 là Ngày Quốc tế Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ.