![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN |
Ngày 7/4 hằng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là Ngày Sức khỏe Thế giới – một dịp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy hành động thiết thực trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe toàn cầu. Mỗi năm, WHO lựa chọn một chủ đề cụ thể, phản ánh những ưu tiên cấp bách và định hướng hành động cho các quốc gia thành viên.
Chủ đề năm 2025 khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng
Năm 2025, WHO chọn chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” – một thông điệp ý nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Đây là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hệ thống y tế, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một khởi đầu khỏe mạnh không chỉ mang lại sự sống và phát triển toàn diện cho mỗi cá nhân, mà còn là nền tảng cho một xã hội vững mạnh, một tương lai phát triển bền vững.
Việt Nam điểm sáng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
Hưởng ứng chủ đề Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay, Việt Nam tiếp tục khẳng định những bước tiến vững chắc trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế và phát triển xã hội.
Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, chính sách mang tính toàn diện và bền vững. Thông qua việc ban hành các Nghị quyết, Chiến lược và Chương trình quốc gia, Chính phủ đã tạo nền tảng pháp lý và định hướng chiến lược cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Bộ Y tế đã tích cực triển khai nhiều kế hoạch hành động, đề án chuyên biệt như: Chương trình mở rộng tiêm chủng quốc gia, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở, xây dựng mô hình bệnh viện thân thiện với bà mẹ và trẻ em…
Những nỗ lực này đã mang lại những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng dân số và giảm gánh nặng y tế trong cộng đồng. Theo thống kê:
Tỷ lệ tử vong mẹ giảm mạnh từ 233/100.000 trẻ đẻ sống (năm 1990) xuống 44/100.000 vào năm 2023 – mức giảm hơn 5 lần.
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44‰ xuống 11,6‰, và tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58‰ xuống 16,9‰ – đều là mức giảm gần 4 lần.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em từ mức 53‰ hiện đã giảm còn 9,7‰ – thể hiện những cải thiện rõ rệt trong dinh dưỡng, chăm sóc và môi trường sống của trẻ.
Với những thành tựu nổi bật này, Việt Nam được WHO công nhận là một trong 6 quốc gia trên thế giới đạt chuẩn về tỷ lệ giảm tử vong mẹ – một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của hệ thống y tế và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai.
Cần tiếp tục hành động vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Chênh lệch vùng miền, điều kiện kinh tế – xã hội không đồng đều, thiếu hụt nguồn nhân lực y tế chất lượng cao tại tuyến cơ sở... là những rào cản cần tiếp tục tháo gỡ.
Việc tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, mở rộng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cho phụ nữ và trẻ em vùng sâu, vùng xa; đồng thời đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng sẽ là những giải pháp then chốt trong thời gian tới.
Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2025 không chỉ là lời nhắc nhở về trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho những mầm non của đất nước, mà còn là dịp để mỗi cá nhân, tổ chức cùng nhìn lại, cùng hành động vì một tương lai mà mọi đứa trẻ đều được sinh ra khỏe mạnh, mọi người mẹ đều được chăm sóc an toàn.
Tìm hiểu về quyền của phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Việc quy định quyền của phụ nữ trong pháp luật là sự ghi nhận về mặt pháp lý đối với vai trò của nữ giới trong xã hội.