Trái phiếu doanh nghiệp "3 không", rủi ro chực chờ

Hoạt động phát hành trái phiếu sôi động là một trong những lý do giải mã cho việc các ngân hàng lãi lớn từ hoạt động chứng khoán đầu tư trong 9 tháng đầu năm. Trái phiếu doanh nghiệp "3 không" không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, rủi ro chực chờ...

Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá..., trong đó trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Câu chuyện về "bom nợ Evergrande" xảy ra gần đây chính là hồi chuông cảnh báo cho những rủi ro "bong bóng" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi theo các chuyên gia, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu "ba không" là không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán.

Trong khi nhìn vào phân tích cơ cấu trái phiếu của một số ngân hàng như trên có thể thấy sự phân hóa trong đầu tư, thậm chí là nhiều ngân hàng vẫn đổ mạnh tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Các chuyên gia FiinGroup nhìn nhận, tín dụng bất động sản tại Việt Nam chưa ở mức "nóng" như Trung Quốc nhưng như chúng tôi đã chỉ ra, chất lượng tín dụng một số nhà phát hành trái phiếu bất động sản Việt Nam cũng đang rất yếu trong khi chính các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán là các đơn vị mua chính trái phiếu này.

Trái phiếu doanh nghiệp đang là cách thức hợp lý để các ngân hàng và nhà đầu tư tổ chức có thể giúp tái cấu trúc kỳ hạn của tín dụng bất động sản và tài trợ vốn cho các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là lúc ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng về chu kỳ của ngành bất động sản và đưa ra các biện pháp hỗ trợ và tái cấu trúc tùy theo đặc thù của từng phân khúc cho vay cũng như đặc thù của từng chủ đầu tư, từng dự án.

Thống kê của SSI cho thấy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 9 tháng đầu năm là 443,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản (201,9 nghìn tỷ đồng – chiếm 45,5%). Đáng chú ý, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong khi nhìn vào phân tích cơ cấu trái phiếu của một số ngân hàng như trên có thể thấy sự phân hóa trong đầu tư, thậm chí là nhiều ngân hàng vẫn đổ mạnh tiền vào trái phiếu doanh nghiệp.

Không khó để nhận ra các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), đảm bảo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Dù có mức lãi suất thấp hơn đáng kể so với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác (ví dụ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thường có lãi suất cao tới 12-13%/năm) nhưng trái phiếu ngân hàng vẫn "đắt khách".

Có quan điểm cho rằng đang có nghịch lý nhất định trong động thái của ngân hàng kéo dài suốt thời gian qua, đặc biệt trong những tháng dịch COVID-19, với hiện tượng rất thận trọng khi thẩm định hồ sơ tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng cho vay, nhưng lại khá rộng cửa trong việc tài trợ vốn cho doanh nghiệp qua kênh phát hành trái phiếu.

Cũng đã có quan điểm lý giải sở dĩ ngân hàng phải chặt chẽ trong thẩm định tín dụng và không hạ chuẩn cho vay vì đây là yêu cầu tiên quyết của cơ quan quản lý để đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro nợ xấu và đảm bảo an toàn cho ngân hàng, cho hệ thống. Trong khi đó, với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì trên thực tế, việc họ tiếp cận vốn vay trung dài hạn qua công cụ nợ dù đã được cơ quan quản lý yêu cầu siết chặt các quy định  theo các Nghị định 89 và Nghị định 153, vẫn có phần “dễ thở” hơn, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn. Đồng nghĩa, ngân hàng cũng dễ dàng tài trợ vốn /tăng trưởng tín dụng hơn.

Thực tế cho thấy trong 3 quý gần nhất, ngân hàng và bất động sản luân phiên thay nhau giữ ngôi đầu nhà phát hành. Riêng quý III/2021, vai trò nhà phát hành số 1 trở lại tay khối bất động sản. Tổng cộng 3 quý, khối này đã huy động được 201,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Trong nhóm trái phiếu bất động sản , theo SSI, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.

Vậy với vai trò là người mua lớn trên thị trường và đang “ôm” khối trái phiếu bất động sản lớn, các ngân hàng có nhận biết rủi ro này hay không? Nếu có, vì sao họ vẫn mua trái phiếu bất động sản trong khi lại không cho vay “dễ dãi” để tăng trưởng tín dụng, tăng thu nhập lãi?

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)