Sau nghệ sỹ Sulli, tiếp tục có thêm một nữ nghệ sỹ trẻ Hàn Quốc nữa là Goo Hara tự sát vì căn bệnh trầm cảm ở tuổi 27. Dường như ngày càng có thêm nhiều nghệ sỹ đầu hàng trước cơn bạo bệnh tưởng như không hề có thật này.
Mùa xuân năm 2017, Ren Hang, một nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng của Trung Quốc đã chọn cách gieo mình từ nhà cao tầng để kết thúc cuộc sống. Ren Hang mắc chứng trầm cảm. Trước đó, Ren đã ghi chép lại những trang nhật ký có tiêu đề "Trầm cảm của tôi" trên blog của mình, ghi lại nỗi sợ hãi, lo lắng và những khổ sở trong đấu tranh nội tâm của anh với căn bệnh trầm cảm.
Trong những dòng nhật kí đầy đau đớn đó, có lần Ren đã viết: “Tôi sợ phải đi ra ngoài để cứ nghe người khác dò hỏi và ngờ vực “Mày trông hạnh phúc như thế thì thế nào mà trầm cảm được?” … Mọi thứ giả vờ kia khiến tôi dễ dàng kiệt sức.”
Ren Hang chọn cách gieo mình từ nhà cao tầng để kết thúc cuộc sống vì trầm cảm |
Thời gian gần đây, trầm cảm ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống con người. Nhịp sống gấp gáp, sự phụ thuộc vào công nghệ và internet, áp lực của danh vọng, tiền bạc dần khiến cho con người trở nên thu hẹp mình lại, mất kết nối với xã hội và kết nối với nhau, thay vào đó, khoảng cách giữa người và người ngày càng lớn hơn, đặc biệt, sự lắng nghe và chia sẻ đang dần trở nên hiếm hoi, khiến cho con người ngày càng trở nên cô đơn và lạc lõng.
Và trong số đó, giới nghệ sỹ, vốn là những người có đặc điểm tính cách phần lớn là nhạy cảm, nội tâm phức tạp, thậm chí đa phần yếu đuối, bất ổn, sẽ là nhóm đối tượng có tỉ lệ mắc trầm cảm cao nhất.
Điển hình như ở đất nước Hàn Quốc, nơi có ngành giải trí đạt đến tầm thế giới, với hàng loạt các ngôi sao thần tượng với hàng triệu người hâm mộ. Nhưng chính ở đó, số người mắc trầm cảm, và tự tử vì trầm cảm chiếm tỉ lệ cao nhất thế giới.
Trước Sulli, Goo Hara, nhiều tên tuổi khác của nền giải trí xứ sở kim chi cũng lựa chọn con đường tự kết liễu cuộc đời mình như: Jung Da Bin (1980-2007) Choi Jin Sil (1968-2008) Jang Ja Yeon (1980-2009), Park Yong Ha (1977-2010), Kim Jonghyun (1990 – 2017)... tất cả đã phải tìm đến cái chết để kết thúc quãng thời gian đau khổ vì trầm cảm, vì cô độc, vì đã không có một bàn tay nào có thể nắm lấy để kéo họ thoát ra khỏi vũng lầy tăm tối đó. Họ đã không thể tìm thấy một mục đích nào để tiếp tục sống.
Nói về nguyên nhân trầm cảm, tất cả những con người ấy, dù thành công ở nhiều mức độ, dù đúng dù sai, nhưng gần như đã liên tục trong một thời gian dài phải đối diện với áp lực công việc, sự thành công, với một số người, đó là sự tấn công của những người hoàn toàn xa lạ, mà họ gọi là “công chúng”, những người có khả năng đưa họ lên đỉnh cao danh vọng, và cũng có thể nhấn chìm họ xuống bùn đen. Những người chỉ nhăm nhăm nhìn vào lỗi lầm của nghệ sỹ mà công kích, xỉa xói, đùa cợt.
Trước Sulli, Goo Hara, nhiều tên tuổi khác của nền giải trí xứ sở kim chi cũng lựa chọn con đường tự kết liễu cuộc đời mình để thoát khỏi căn bênh trầm cảm |
Trong câu chuyện của nghệ sỹ Sulli, cho đến những ngày tháng cuối cùng chống chọi với trầm cảm, cô cũng đã phải thốt lên: “Tôi đã nói với họ tôi kiệt sức rồi. Nhưng không một ai lắng nghe lời tôi nói”. Dường như, tất cả sự kêu cứu của cô là vô vọng.
Vẫn biết rằng, showbiz là nơi sản sinh ra nhiều nhất những “vở kịch” của sự đấu đá, bon chen, giành giật để vươn tới hào quang của sự nổi tiếng, và đã là người của công chúng, thì phải chấp nhận sự soi mói, phán xét.
Nhưng người ta quên mất rằng, trước khi trở thành một nghệ sỹ, những nạn nhân ấy vẫn là một con người. Và còn gì bế tắc, tuyệt vọng hơn với mỗi người khi đã cố gắng cầu cứu, mà chỉ nhận lại được sự lạnh lùng, tàn nhẫn, thậm chí đẩy người ta ngã thêm xuống bùn đen rồi hả hê, vui vẻ.
“Trở thành người nổi tiếng giống như bạn băng qua một con sông và không bao giờ có thể quay lại. Nhiều người tưởng ngôi sao luôn được vây quanh bởi đám đông, luôn có nhiều mối quan hệ, nhưng kỳ thực các mối quan hệ thân tình của họ lại rất hạn hẹp. Và rất khó để những nghệ sĩ có được những tình cảm sâu đậm. Thực tế, nhiều người còn có xu hướng nghi ngờ mức độ chân thành những người khác trong những mối quan hệ. Điều đó khiến họ càng cô độc” - Bác sĩ tâm thần Michael Freeman, M.D, Giáo sư lâm sàng tại Khoa Tâm thần học UCSF đã nói.
Thực tế là, chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội mà niềm tin và sự chia sẻ đang ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Điều này thể hiện rõ hơn bao giờ hết trong giới giải trí, và một phần của giới trẻ.
Chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội mà niềm tin và sự chia sẻ đang ngày càng trở nên khan hiếm hơn |
Internet hàng ngày giúp chúng ta nói chuyện và nhìn thấy nhau dễ dàng hơn, nhưng lại làm chúng ta ngày càng cách xa nhau hơn trong tâm hồn. Công nghệ giúp con người có thêm nhiều phát minh, cuộc sống nhàn hạ và đầy đủ hơn, nhưng không khiến chúng ta nhân hậu và rộng lượng hơn. Khi mà sự chửi bới, ném đá, “hóng biến”, “cà khịa”… trở thành một thú vui hàng ngày của nhiều người trẻ, thì có lẽ sự lắng lại để thấu hiểu, để chia sẻ với những người đang cần sự giúp đỡ gần như trở thành quá xa xỉ.
Vướng vào trầm cảm, giống như chúng ta đang đi một đoạn đường dài tối tăm và hoàn toàn kiệt sức, mỗi ngày phải vượt qua từng chút một, và ở nơi đó, mỗi chút ánh sáng ấm áp đều thực sự vô cùng đáng quý, giống như những cái nắm tay để những người bệnh vượt qua con đường tối tăm đó nhanh hơn.
Có lẽ là quá muộn để đi đổ lỗi cho ai, nhưng thực tế, nếu những bệnh nhân đáng thương của trầm cảm ấy, khi đang chống chọi với bệnh tật, mà có được sự động viên của công chúng, của khán giả, với những bàn tay yêu thương, chia sẻ ấm áp, thì có lẽ kết cục cũng không đễn nỗi bi thảm như vậy.
Sau Sulli, người hâm mộ lo lắng cho dàn sao Hàn đang có biểu hiện trầm cảm
Goo Hara, Teayeon, IU... đều đang có những biểu hiện khiến người hâm mộ hoang mang sau sự ra đi của Sulli.