Trăm năm trong một ngày

Trong những ngày cuối cùng của một năm, giữa những háo hức mời chào “countdown” nơi này nơi kia, bỗng dưng anh Bèn khựng lại trước một bài viết mang tính khảo cứu của tờ TIME với cái tít khá nặng nề: “Nô lệ từng sợ hãi ngày đầu năm đến tột cùng”.

Đó là bài viết kể lại câu chuyện của một thời rất xa, ở nước Mỹ. Trước thời nội chiến, ngày mùng 1/1 đầu năm luôn là một ngày buồn nhất của những người nô lệ. Ở cái ngày được gọi là “Ngày thuê mướn” ấy, người nô lệ nhiều khả năng sẽ bị chủ cho thuê sang tay cho một chủ mới. Và điều đó cũng có nghĩa là họ đứng trước nguy cơ gia đình sẽ tan đàn xẻ nghé.

Với những người nô lệ, ngày 1/1 là ngày “Tan vỡ” (Heartbreak Day) và đêm giao thừa không còn là thời khắc thiêng liêng nữa. Thay vào đó, đêm giao thừa là khoảnh khắc họ gồng mình chờ đợi trong nỗi âu lo rằng không hiểu ngày mai mình, hay người ruột thịt của mình, có bị mang bán hoặc cho thuê hay không.

Tranh minh họa về đấu gia nô lệ đầu năm ở Mỹ (Ảnh: Rischgitz/Hulton Archive—Getty Images).
Tranh minh họa về đấu gia nô lệ đầu năm ở Mỹ (Ảnh: Rischgitz/Hulton Archive—Getty Images).

Trong cuốn tự truyện có tên “Incidents in the life of a slave girl” xuất bản từ năm 1861, Harriet Jacobs, một nhà văn từng thoát khỏi cảnh nô lệ và trở thành người đấu tranh bãi nô đã kể một câu chuyện quá bi thương của ngày 1/1 thời ấy. Chuyện rằng trong buổi đấu giá nô lệ đầu năm, một nữ nô lệ dắt theo bảy đứa con của mình. Bà lo sợ rằng trong số những đứa con đó sẽ có đứa bị bắt đi. Nhưng cuối cùng, cả bảy đứa cùng bị bắt đem bán mà người chủ nô không cho người mẹ biết sẽ bán về đâu ngoại trừ một thông tin “tới chỗ nào được giá nhất”. Và người mẹ ấy đã đổ gục đau đớn gào khóc: “Mất hết rồi. Mất hết cả rồi. Tại sao Chúa không giết chết tôi luôn đi cơ chứ?”.

Chế độ nô lệ chỉ thực sự bắt đầu chấm dứt ở Hoa Kỳ từ năm 1865, với tu chính án thứ 13 nhưng những người gốc Phi cũng phải mất thêm 157 năm nữa mới có thể đòi được vị thế công bằng xã hội so với người da trắng. Đó là cả một hành trình dài đầy những biến cố mà chúng ta có thể lục tìm được dễ dàng trong nhiều phương tiện lưu trữ, từ sách vở cho tới phim ảnh.

Và với nỗi ám ảnh về những phiên chợ đầu năm mà tờ Time kể lại, anh Bèn lọ mọ tìm hiểu về cái gọi là “nô lệ đương đại” thời nay. Để rồi giật mình ngã ngửa khi nó vẫn còn tồn tại, hiếm hoi thôi, nhưng không phải là chỉ ở các nước lạc hậu. Với sự biến tướng tinh vi hơn, tình trạng nô lệ vẫn nghiễm nhiên xảy ra ở nhiều nơi, theo nhiều cách khác nhau. Và trớ trêu thay, Mỹ lại là một quốc gia tiên tiến hiếm hoi có tới hơn 400 ngàn người hiện đang phải lao động trong điều kiện ép buộc như những nô lệ hiện đại.

Tự dưng, anh Bèn nhớ lại chuyện của những nạn nhân container rúng động trong năm vừa qua. Trong những đoàn xe chở lậu người qua những nước tiên tiến kia, không biết có bao nhiêu phần trăm số người qua trót lọt và bởi họ không có một tình trạng cư trú hợp pháp nên họ phải lao động như nô lệ cho những chủ nô hiện đại? Anh Bèn chịu trong việc tìm kiếm một con số tỷ lệ chính xác.

Nhiều người Việt vì không có tình trạng cư trú hợp pháp đã phải lao động khổ sai trong những trang trại cần sa nơi xứ người như nô lệ thời hiện đại.
Nhiều người Việt vì không có tình trạng cư trú hợp pháp đã phải lao động khổ sai trong những trang trại cần sa nơi xứ người như nô lệ thời hiện đại.

Nhưng qua những câu chuyện được chính những bạn bè sinh sống ở châu Âu, cụ thể là ở Vương quốc Anh kể lại, anh Bèn hiểu ra là vẫn có những người Việt, cả vị thành niên, đang lao động khổ sai trong những “trang trại” cần sa xứ người. Đó là còn chưa kể đến những nhà thổ, nơi những cô gái cả ngày không được thấy ánh mặt trời và lúc nào cũng phải đóng một vai vui cười giả tạo trước mặt “thực khách”.

Trăm năm rồi, tiến bộ của loài người vẫn là thế thôi ư? Và rồi anh Bèn loay hoay ngồi lục lọi lại chuyện trăm năm qua trong một ngày cuối năm của một thế kỷ hiện đại đến chóng mặt.

Thứ đầu tiên anh Bèn vớ đến chính cuộc tranh luận áp chót của tháng 12 cách đây đúng 100 năm (1919). Khi ấy, Dublin, một nhà thống kê của Hiệp hội vì tiến bộ khoa học Mỹ, đã thể hiện sự lo lắng về tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh. Và ông Dublin đáng thương kia đã vội vã quy chụp đổ lỗi cho xu hướng phụ nữ được học hành về tình trạng “đáng ngại” ấy.

Để rồi, nữ giáo sư Ellen Hayes đã phải viết trên tạp chí Science một bài viết đấu tranh lại với những lý lẽ miệt thị kia. Bà đã chỉ ra rằng nếu muốn tăng tỷ lệ sinh thì trước mắt phải tăng tỷ lệ trẻ em sống sót sau khi sinh cái đã. Ở thời ấy, nước Mỹ có tới 300 ngàn trẻ em chết dưới 12 tháng tuổi mỗi năm và tỷ lệ đó cũng không khá hơn ở các nước châu Âu.

Và bà cũng cho là những thứ như điều kiện sống tồi tệ, tuổi kết hôn già hơn, khát vọng một đời sống tốt hơn cho trẻ em… cũng là nguyên nhân đóng góp vào việc tỷ lệ sinh sụt giảm chứ không phải do phụ nữ có học hành hơn, có quyền bình đẳng hơn thì dẫn tới sự suy giảm mà ông Dublin đáng thương nào đó nhắc tới.

Và đúng 100 năm trước, Hoa Kỳ có khoảng 106 triệu dân, với tỷ lệ sinh của năm 1919 là 26,1 ca sinh trên 1000 dân. Còn năm 2019 này, tỷ lệ ca sinh của họ là 11,979 ca/ 1000 dân và ước tính dân số Mỹ hiện nay khoảng 330 triệu dân. Vậy thì cái điều mà ông Dublin nào đó trăm năm trước lo ngại kia liệu có thực sự là lo ngại? Và những đáp trả của nữ giáo sư Hayes có hẳn chỉ là thiên kiến mang tính đấu tranh nữ quyền đơn thuần?

Rồi 100 năm qua chúng ta có gì nữa? Cũng khoảng 100 năm trước, khi Thế chiến thứ nhất vừa chấm dứt, một thứ quái quỷ bắt đầu chính thức trở nên thông dụng và làm hằn sâu thêm hơn những đường biên giữa những quốc gia. Ấy chính là cái thị thực, thứ mà trong những cuốn tiểu thuyết của Remarque ngày xưa được dịch là “giấy thông hành”.

100 năm loài người tự cấp giấy để hạn chế sự tự do di chuyển của mình và đó cũng là 100 năm con người đổ máu nhiều nhất vì chính cái quyền được sống ở nơi mình muốn sống ấy. Nếu gần trăm năm trước là những người Do Thái bị dồn vào trại tập trung thì năm 2019 vừa rồi là những dòng người đổ về miền đất hứa và chết thảm dọc đường đi đầy rủi ro ấy.

Sự rủi ro trên hành trình tìm miền đất hứa đã để lại nhiều đau thương cho những người thân nơi quê nhà. 
Sự rủi ro trên hành trình tìm miền đất hứa đã để lại nhiều đau thương cho những người thân nơi quê nhà. 

Chắc chúng ta còn nhớ một câu chuyện từ giữa năm 2019, với tấm ảnh hai cha con người El Salvador nằm sấp mặt chết trên dòng sông ngăn cách giữa Matamoros (Mexico) với Brownsville (Hoa Kỳ). Họ chỉ là hai trong số vô vàn nạn nhân đã chết trên những dòng chảy di cư về những nơi hứa hẹn một đời sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn. Và họ có phải chết như thế hay không nếu như thế gian quay trở lại với thời kỳ con người không cần phải có giấy thông hành hay một tấm thị thực nào cả?

Và bên cạnh câu chuyện những dòng người di cư, những gì xảy ra ở Trung Đông vẫn phức tạp như nhiều thập niên qua. Ít ai để ý rằng trước khi có một quốc gia mang tên Israel như hôm nay, đúng 100 năm trước, Thỏa thuận Faisal – Weizmann đã được ký kết giữa một bên là Emir Faisal, con trai thứ ba của Quốc vương Hejaz, với thủ lĩnh Do Thái Chaim Weizmann.

Thỏa thuận đó quy ước việc hợp tác và phát triển vùng đất tổ của người Do Thái là ở Palestine và lãnh thổ của người Arab là ở phần rộng lớn hơn tại khu vực Trung Đông. Cái vương quốc Hejaz kia đã không còn nữa khi năm 1932 nó đã sát nhập cùng Nejd và Arab để trở thành Arab Saudi. Bây giờ, đã 100 năm trôi qua rồi, tranh chấp ở đó vẫn không nguội đi chút nào. Bước chân loài người dường như cả ngàn năm nay (chứ không phải trăm năm) vẫn cứ lún ở miền đất Thánh ấy, miền đất như một đầm lầy của lịch sử vậy.

Thực sự, trong cái mớ lùng nhùng của xã hội loài người, để biết được chi tiết những sự kiện lịch sử đã là khó, để hiểu được cái nguyên nhân sâu xa, và cốt lõi, của những sự kiện ấy còn khó hơn, nếu không nói là bất khả. Và trong mớ lùng nhùng cố mãi cũng không thể hiểu kia, anh Bèn thoát ra để nhìn về trăm năm trước cũng từ một chuyện hôm nay. Đó là câu chuyện của Maurizio Cattelan, một nghệ sỹ thị giác người Ý. Ông ta lấy băng keo và dán một quả chuối lên tường, dưới đó ký tên mình.

Tác phẩm của Maurizio Cattelan được bán với giá 120 ngàn USD.
Tác phẩm của Maurizio Cattelan được bán với giá 120 ngàn USD.

Tác phẩm ấy được 1 nhà sưu tập nghệ thuật người Pháp đặt mua với giá 120 ngàn USD, một cái giá không tưởng. Tất nhiên, quả chuối rất nuột và băng keo cũng rất dính nhưng rất nhiều người cho rằng kẻ sưu tầm kia bỏ nhiều tiền như thế chỉ vì chữ ký của Cattelan mà thôi. Anh Bèn không nghĩ vậy. Kẻ bỏ tiền ra chỉ vì lý do anh ta có tiền. Thế thôi.

Còn nếu vì chữ ký thì chắc chắn, với 120 ngàn USD, anh ta có thể mua được 1 tác phẩm với chữ ký của một tác giả danh tiếng hơn Cattelan nhiều. Nhưng ngoài chuyện anh ta có tiền thì còn lý do nào không? À, anh Bèn nghĩ thêm. Ngoài lý do có tiền, anh ta có thể có một lý do là muốn tự bản thân mình khẳng định với chính mình (chứ không phải với đời) là ta có khả năng biết thưởng thức cái gọi là nghệ thuật.

Nhưng câu chuyện hẳn sẽ không thú vị nếu không xuất hiện thêm một ông nghệ sỹ nữa. Đúng là đời mà thiếu vắng nghệ sỹ thì mất hẳn đi cái lý thú của nó. Ông nghệ sỹ thứ hai này tên David Datuna, người Georgie. Ông ta điềm tĩnh đến bên quả chuối của Cattelan như một người thưởng lãm tác phẩm, điềm tĩnh lột nó ra khỏi miếng băng keo, điềm tĩnh bóc vỏ và…xơi. Trong khi những nhà phê bình gọi quả chuối ấy là “một ý tưởng” thì Datuna lại nhận xét về nó rằng “quả thật ngon”.

Nghệ sĩ David Datuna đã
Nghệ sĩ David Datuna đã "xơi" ngay tác phẩm trị giá 120 ngàn USD tại triển lãm

Những lý thú mà Cattelan và Datuna mang lại có thể khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên nhưng thực sự nó có mới không? Anh Bèn nhớ lại tác phẩm “Fountain” của Marcel Duchamp cũng khoảng 100 năm trước. Với chữ kỹ R. Mutt, cái bồn tiểu xoay 90 độ của Duchamp đã gây chấn động và được coi là một tác phẩm quan trọng bậc nhất của nghệ thuật thị giác thế kỷ 20 bởi nó mang lại chiều kích sáng tạo cho rất nhiều nghệ sỹ sau này. Và câu chuyện “Fountain” cũng có cái kết khá tương đồng với quả chuối của Cattelan khi có một nghệ sỹ thị giác tên là Pierre Pinoncelli đã lấy búa đập vài tiêu bản bồn tiểu của Duchamp.

Điểm khác duy nhất, vì cái bồn tiểu không thể bỏ vào mồm nhai như quả chuối và được khen ngon nên Pierre Pinoncelli bị bắt chứ không được quay video livestream như Datuna. Song, điều Pierre nói cũng có cái lý thú riêng (dù không dí dỏm như Datuna). Ông khẳng định hành vi của mình cũng chính là nghệ thuật trình diễn và chắc chắn Duchamp cũng rất thích tác phẩm trình diễn này.

Và cứ thế, cứ thế, nếu chúng ta ngồi suy luận chuyện nay, chuyện xưa theo đúng cái lăng kính chuyện trăm năm nhìn lại trong một ngày, chúng ta chắc sẽ phải gật đầu mà đồng ý với nhau rằng:  Đúng là sau 100 năm, loài người tiến bộ hẳn. Nhưng cái tiến bộ hẳn ấy chỉ là sự tinh vi hoá trong hành vi của con người trên những câu chuyện chất liệu rất cũ mà thôi.

Từ chế độ nô lệ cho tới những mâu thuẫn giữa các quốc gia, giữa những nhóm người; từ ý niệm thực hành nghệ thuật cho tới mục đích và phương tiện của những cuộc chơi trên thương trường… Tất cả thực sự vẫn không thoát được khỏi chính bản chất ban đầu của nó.

Cái khác có chăng là con người được nhận nhiều công cụ hơn, nên thực hiện hành vi của mình một cách tinh xảo hơn, khôn ngoan hơn và cũng ranh mãnh hơn. Thế nên, giữa thời hiện đại này, khi mà chúng ta có đầy đủ những trang bị tận răng, chúng ta vẫn không thể vui khác nỗi vui của trăm năm trước, không thể buồn khác niềm buồn của trăm năm trước.

Bỏ hết quần áo ra, chúng ta vẫn chỉ là một con người bình thường. Chỉ có điều, đừng bỏ quần áo trước camera và có mang theo những trái chuối. Cái ác của loài người được trang bị tận răng hôm nay lại khác. Nó đã đạt đến độ ác bất thường.

Anh Bèn

Những khoảnh khắc văn hóa ấn tượng nhất năm 2019

Những khoảnh khắc văn hóa ấn tượng nhất năm 2019

Từ hình ảnh Jennifer Lopez sải bước trên sàn diễn Milan Fashion Week cho tới quả chuối được bán với giá 120.000 đô, năm 2019 đầy những khoảnh khắc khó quên.