Trung Quốc nhiều mưu toan ở biển Đông

Trung Quốc lộ rõ mưu độc chiếm biển Đông khi đơn phương lập đơn vị hành chính cấp huyện đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) rồi di chuyển xuống khu vực Nam biển Đông, gần vùng biển của Malaysia, Brunei, Indonesia, thì ngày 18-4, Trung Quốc lại công bố Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa phê chuẩn thành lập "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa", trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" của nước này.

Bất chấp luật pháp quốc tế

Theo công bố trên, "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa" là tên Trung Quốc dùng lần lượt để gọi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Theo đó, chính quyền "huyện Tây Sa" quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và bãi ngầm Macclesfield (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận; trụ sở đóng tại "đảo Vĩnh Hưng" (tức là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Còn chính quyền "huyện Nam Sa" quản lý các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận; trụ sở đóng tại "đảo Vĩnh Thử" (tức bãi Đá Chữ Thập, một trong 6 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988).

Việc Trung Quốc công bố 2 đơn vị hành chính cấp huyện này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế, một quốc gia khi thực hiện chủ quyền trong phạm vi lãnh thổ của mình, hoàn toàn có quyền thành lập các đơn vị hành chính các cấp để áp dụng mọi biện pháp quản lý nhà nước trong phạm vi lãnh thổ được phân cấp đó. Tuy nhiên, việc này phải tùy thuộc vào điều kiện địa lý, dân cư, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt là phải nằm trong phạm vi lãnh thổ được xác lập một cách hợp pháp, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo luật pháp và thông lệ quốc tế hiện hành. Đây là một nội dung pháp lý hết sức quan trọng, một yếu tố không thể thiếu được khi chứng minh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia với tư cách nhà nước trong phạm vi lãnh thổ của mình, nhất là đối với các vùng lãnh thổ đang trong tình trạng tranh chấp hay có bất đồng.

Về điểm này, đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, quá trình thực thi chủ quyền, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ hết sức quan trọng chứng minh 2 quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các chứng cứ này đã được Việt Nam gửi công hàm lưu chiểu vĩnh viễn tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự - của công pháp quốc tế. Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử.

  Học sinh xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong giờ ra chơi tại trường. Ảnh: QUANG LIÊM

Học sinh xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong giờ ra chơi tại trường. Ảnh: QUANG LIÊM

Bành trướng phía Nam biển Đông

Việc Trung Quốc công bố thành lập các đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm trong mưu đồ độc chiếm biển Đông của nước này, được thực hiện từ lâu. Chẳng hạn, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã công bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" (thuộc tỉnh Hải Nam), để quản lý quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield, dưới tên gọi lần lượt là quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa và quần đảo Trung Sa.

Thế nên, việc công bố thành lập đơn vị cấp huyện đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam không nằm ngoài mục đích trên. Đáng nói hơn nữa, đây có thể được coi là một trong những mũi tiến công của Trung Quốc để thực hiện cuộc "xâm lược mềm", tiến xuống phía Nam biển Đông bằng kế sách "mượn gió bẻ măng" trong bối cảnh các nước gồng mình chống dịch Covid-19.

Có thể thấy rõ, về pháp lý, Trung Quốc biện minh rằng các thực thể địa lý mà họ đánh chiếm và xây dựng, cải tạo như hiện nay là thích hợp cho đời sống con người và có đời sống kinh tế riêng, cho nên họ có quyền mở rộng phạm vi biển "kế cận", "liên quan" lên đến 200 hải lý. Do đó, việc công bố quyết định thành lập "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa" cũng là mưu kế được Trung Quốc bài binh bố trận trong cuộc "xâm lược mềm" nói trên.

Còn về kinh tế, Trung Quốc toan tính "xí phần" nguồn lợi biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh biển Đông. Nấp sau cái gọi là chủ trương "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác", Trung Quốc tìm mọi cách để buộc các nước phải lệ thuộc vào mình, cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng... Nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 đang di chuyển xuống phía Nam biển Đông chắc chắn không phải chỉ để thực hiện "quyền tự do hàng hải" thông thường, mà thực chất là Trung Quốc đang nhằm vào những mục tiêu này.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc Trung Quốc công bố việc thành lập "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa", tiếp theo các hành động khác trong biển Đông trong thời gian đã qua, không những là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong biển Đông theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam đã, đang và sẽ cùng với các quốc gia khu vực và quốc tế tiếp tục đoàn kết trên cơ sở thượng tôn pháp luật để đấu tranh ngăn chặn những hiểm họa do Trung Quốc gây ra trong biển Đông. 

Việt Nam phản đối mạnh mẽ 

Ngày 19-4, trước việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "huyện Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "huyện Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới. "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai" - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

D.Ngọc

. Ông BÙI VĂN TIẾNG, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng:

Vi phạm luật pháp quốc tế

Sự kiện tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mới đây cùng với hành động lập đơn vị hành chính cấp huyện đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho thấy Trung Quốc thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông một cách bất chấp luật pháp quốc tế. Hành động này vi phạm nghiêm trọng và thô bạo đến chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng.

. Ông VÕ NGỌC ĐỒNG, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng:

Hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai trái

Là chính quyền địa phương thuộc TP Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa".

Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngay trong ngày 19-4, chúng tôi đã có thông cáo, kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

Xây dựng huyện đảo tiền tiêu Trường Sa vững mạnh

Chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa phản đối hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chủ quyền của Trung Quốc khi tuyên bố thành lập cái gọi là huyện Tây Sa, Nam Sa trên vùng biển đảo, chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Chúng tôi đề nghị chấm dứt ngay hành động sai phạm này. Mặt khác, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục động viên ngư dân ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo; ra sức phấn đấu, xây dựng huyện đảo tiền tiêu Trường Sa ngày càng vững mạnh.

B.Vân - K.Nam ghi

TS Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ)

theo Người lao động

Thiên đường trên quần đảo bị tranh chấp

Thiên đường trên quần đảo bị tranh chấp

Được xem như một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Colombia nhưng cho đến bây giờ, người dân San Andres vẫn không thừa nhận mình là người Colombia