Trung Quốc sáp nhập hàng trăm ngân hàng nông thôn khi rủi ro tài chính gia tăng

Trung Quốc đang bắt tay vào cuộc hợp nhất lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng bằng cách sáp nhập hàng trăm nhà băng nông thôn thành các gã khổng lồ trong khu vực.

Kém minh bạch 

Sau khi sáp nhập kỹ thuật các hợp tác xã nông thôn và ngân hàng thương mại nông thôn ở ít nhất bảy tỉnh thành kể từ năm 2022, các nhà hoạch định chính sách đã xác định việc giải quyết rủi ro ở lĩnh vực trị giá 6.700 tỷ USD là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Điều đó có nghĩa là một làn sóng hợp nhất khác đang diễn ra trên toàn quốc.

Ngành ngân hàng Trung Quốc đã bị đè nặng bởi hàng loạt rắc rối trong những năm qua, bao gồm sự sụt giảm ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung rất mong manh. 

Hơn 2.000 ngân hàng trong hệ thống hợp tác xã nông thôn có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,48% vào cuối năm 2022, cao hơn gấp đôi so với toàn ngành. Tổng tài sản của những ngân hàng này vào khoảng 6.700 tỷ USD.

Liu Xiaochun, phó giám đốc Viện Tài chính Thượng Hải, cho biết: "Đó là nơi rủi ro tập trung nhiều nhất ở các tổ chức tài chính nhỏ hơn, vì vậy Trung Quốc đang đẩy mạnh cải cách với tốc độ nhanh hơn. Và một giải pháp quan trọng để giải quyết rủi ro là thông qua sáp nhập và tổ chức lại". 

Hồi năm 2022, một vụ lừa đảo có quy mô hàng tỷ USD đã diễn ra ở một số ngân hàng thuộc tỉnh Hà Nam. Vụ việc khiến hàng trăm người biểu tình đòi lại tiền gửi. Giới chức Trung Quốc đã bắt giữ hàng trăm người trong vụ việc này và hoàn lại tiền cho các nạn nhân.

Trung Quốc sáp nhập hàng trăm ngân hàng nông thôn khi rủi ro tài chính gia tăng- Ảnh 1.

Các ngân hàng nông thôn Trung Quốc có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong ngành. Ảnh: Bloomberg

Jason Bedford, cựu nhà phân tích của Bridgewater Associates và UBS Group AG - người đã dự đoán những rắc rối trước đó tại các ngân hàng khu vực của Trung Quốc làm rung chuyển thị trường vào năm 2019, cho biết các ngân hàng nông thôn "có lẽ là bộ phận kém minh bạch nhất trong hệ thống ngân hàng". 

Ông cho biết, Trung Quốc đã xử lý được khoản nợ xấu tương đương khoảng 13% GDP trong đợt dọn dẹp lớn cuối cùng của hệ thống ngân hàng trong năm 2016 và 2022.

Ông nói tiếp: "Trung Quốc chỉ cần phải xử lý nốt các ngân hàng rắc rối có quy mô nhỏ hơn". Ông đánh giá trong trường hợp các ngân hàng nông thôn sụp đổ, rủi ro lây nhiễm tới hệ thống tài chính sẽ khá hạn chế, nhưng tác động tới khu vực chúng hoạt động sẽ rất đáng kể.

Theo ngân hàng trung ương, trong khi cuộc trấn áp rủi ro kéo dài nhiều năm của Trung Quốc đã giảm một nửa số nhà băng có nguy cơ cao xuống còn 337 vào tháng 6 năm ngoái, khoảng 96% trong số đó là các ngân hàng thương mại nhỏ ở nông thôn và hợp tác xã tín dụng cấp địa phương. 

Các hợp tác xã ở Trung Quốc bắt đầu được thành lập từ đầu thập niên 1950. Theo thời gian, phần lớn các hợp tác xã đã chuyển thành ngân hàng thương mại nông thôn.

Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc cho vay tại những khu vực kém phát triển, nhưng nhiều ngân hàng nông thôn từ lâu đã gặp rắc rối với lợi nhuận yếu kém, chất lượng tài sản kém và quản trị lỏng lẻo.

Báo cáo ổn định tài chính năm 2023 của ngân hàng trung ương Trung Quốc viết rằng một số hợp tác xã nông thôn đã vận hành như "máy rút tiền" cho các cổ đông lớn. Một số còn đi chệch khỏi vai trò phục vụ khu vực nông thôn khi cấp khoản vay lớn cho những khu vực khác để theo đuổi tăng trưởng.

Nợ xấu gia tăng 

Nỗ lực sáp nhập các hợp tác xã tín dụng mới nhất được tiến hành vào năm 2022, khi các cơ quan quản lý Trung Quốc kêu gọi chuyển đổi 25 hợp tác xã cấp tỉnh được thành lập vào đầu những năm 2000 thành các công ty tài chính hiện đại để giảm thiểu rủi ro.

Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã cho phép 7 tỉnh hợp nhất 500 ngân hàng nhỏ bằng cách sáp nhập hoặc thay đổi cấu trúc sở hữu, theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp.

Trung Quốc sáp nhập hàng trăm ngân hàng nông thôn khi rủi ro tài chính gia tăng- Ảnh 2.

Ngân hàng chính sách nông thôn duy nhất của Trung Quốc trở thành nhà phát hành trái phiếu hàng đầu. Ảnh: Chinadaily

Việc sáp nhập tạo ra các tổ chức tài chính lớn hơn, nhưng chưa chắc giúp chúng trở nên mạnh hơn.

Một trường hợp là Liaoshen Bank, ngân hàng mà Trung Quốc tạo ra vào năm 2021 để hấp thụ hàng chục ngân hàng có bảng cân đối kế toán kém. Theo hồ sơ, người cho vay vẫn có tỷ lệ nợ xấu là 4,67%, cao hơn hẳn mức trung bình của các ngân hàng thương mại thành phố là 1,85%.

Liu cảnh báo: "Cuộc cải cách sẽ phải thực sự giải quyết các vấn đề thay vì quét sạch chúng. Các vấn đề về di sản có thể làm tê liệt hoạt động của các tổ chức mới thành lập nếu chúng chỉ bị che đậy, và trong trường hợp xấu hơn sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn và mối nguy hiểm lớn hơn". 

Theo Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co có trụ sở tại Bắc Kinh, xung đột cũng có thể nảy sinh ở cấp độ quản lý nội bộ, vì tất cả các bên tập hợp lại, dù mạnh hay yếu, giờ đây sẽ phải chia một chiếc bánh lớn.

Bà nhận xét: "Bạn sẽ không có một con thuyền lớn hơn bằng cách nối 10 chiếc xuồng nhỏ. Các vấn đề cơ bản không tự động biến mất".

(Nguồn: Bloomberg)

TÚC