Các cổ phiếu tác động tích cực nhất lên thị trường phiên 31/8 là nhóm bất động sản và xây dựng, ngược lại ở nhóm ngân hàng lại sụt giảm mạnh.
Trong số các cổ phiếu giao dịch trên 2 sàn chính thức thì chỉ có NVB của NCB tăng giá 1,5% và VCB của Vietcombank tăng 0,1%, còn lại đều giảm. 5/6 mã tăng còn lại đều là cổ phiếu giao dịch trên UPCoM trong đó tăng mạnh nhất là VAB của VietABank với 1,5% và BVB của Viet Capital Bank với 1%. Các cổ phiếu còn lại tăng gần như không đáng kể.
Ở nhóm giảm giá, HDB của HDBank và STB của Sacombank giảm nhiều nhất phiên nay, lần lượt 2,6% và 2%, tiếp đến là các cổ phiếu MBB của MB, TPB của TPBank, TCB của Techcombank và BID của BIDV... Nếu như ngày hôm qua cổ phiếu LPB của LienVietPostBank tăng kịch trần thì phiên hôm nay đã không giữ nổi thành quả mà quay đầu giảm 1,1% xuống đóng cửa tại 23.050 đồng/cổ phiếu. CTG phiên 30/8 tăng mạnh 3,7% thì hôm nay cũng giảm 1,5% về chỉ còn 31.800 đồng/cổ phiếu.
Gần đây thông tin về hoạt động của ngành ngân hàng kém lạc quan hơn so với trước, bao gồm việc phải cắt giảm lãi suất cũng như miễn, giảm phí dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, khiến cho kết quả lợi nhuận của nửa cuối năm có thể không thể tăng trưởng cao như nửa đầu năm. Theo ước tính của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo & Nghiên cứu BIDV, trong 5 tháng cuối năm, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có thể phải "hi sinh" lợi nhuận khoảng 28,2 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế, nâng tổng mức hỗ trợ của cả năm lên khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng cũng có tín hiệu tích cực đó là những ngày cuối tháng 8 các nhà băng đang giảm lãi suất tiết kiệm để giảm giá đầu vào trong bối cảnh phải giảm lãi suất cho vay cũng như cầu tín dụng có thể chậm hơn. Ngoài ra, các ngân hàng còn đang đề xuất sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến "sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch", thay vì hạn 31/12/2021 như quy định hiện hành.
Không chỉ sắc đỏ bao phủ nhóm ngân hàng mà thanh khoản hôm nay cũng sụt giảm hẳn so với các phiên trước. Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là SHB cũng chỉ đạt hơn 15 triệu đơn vị, CTG đứng thứ 2 với hơn 12,2 triệu đơn vị.
Điểm tích cực duy nhất với nhóm ngân hàng hôm nay là khối ngoại vẫn mua ròng ở một số cổ phiếu. CTG của VietinBank được mua ròng nhiều nhất với hơn 1,7 triệu cổ phiếu, tiếp theo là SHB với hơn 600 nghìn đơn vị, tiếp đến là STB với mua ròng khoảng 300 nghìn cổ phiếu và VCB hơn 200 nghìn. Ngược lại, các cổ phiếu bị bán ròng có MBB bị bán hơn 600 nghìn cổ phiếu, HDB bị bán ròng hơn 500 nghìn đơn vị, VPB bị bán ròng 100 nghìn cổ phiếu trong khi BID cũng bị bán ròng hơn 200 nghìn đơn vị.
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm. Ngay từ lúc mở cửa, sắc xanh đã bao trùm, trong phiên dù có những nhịp rung lắc điều chỉnh nhưng kết phiên vẫn tăng, với VN-Index tăng 3,3 điểm lên 1.331,47 điểm cùng thanh khoản hơn 22,8 nghìn tỷ đồng trong khi cả HNX-Index và UPCoM cũng tăng giá.
Cương Nguyễn