Từ đoạn chat chồng kêu mệt mỏi khi vợ “mượn tiền” tiêm phòng cho con: Phụ nữ nên chuẩn bị tài chính thế nào để hôn nhân không “đáng sợ”?

Phụ nữ hãy cân nhắc trước khi bước vào hôn nhân nếu chỉ có mong muốn dựa dẫm vào kinh tế của chồng.

Không có tiền thì cuộc sống hôn nhân có thể “đáng sợ” thế nào?

Kết hôn là bước ngoặt của đời người nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, và tài chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Đơn cử như mới đây, lời tâm sự của một người vợ, người mẹ trẻ về cuộc sống hôn nhân khiến nhiều người suy ngẫm.

Cô nàng tâm sự: “Hồi trước nghĩ ‘Không có tiền thì có gì đáng sợ?’ Tiêu hết thì thôi cùng lắm không ăn vặt, không mua này mua kia nữa là được. Giờ có con ra mới hiểu, mình có thể nhịn ăn cả 1 ngày nhưng con mình thì không thể để thiếu một bữa.

Mình có thể không sắm này sắm nọ cho bản thân, nhưng vẫn phải sắm bỉm, sữa, thuốc thang... cho con. Vậy nên khi có con rồi mới biết những lúc không có tiền nó đáng sợ như thế nào. Không trách đồng tiền chỉ là trách người đàn ông bên cạnh mình không vượt qua được”.

Tâm sự của người vợ đang thu hút nhiều chú ý
Tâm sự của người vợ đang thu hút nhiều chú ý

Kèm theo đó là đoạn tin nhắn người vợ… xin chồng tiền tiêm phòng của con. 

Ban đầu, người vợ nhắn: “Mai con đến lịch tiêm, anh chuyển khoản cho em mượn nha”. Tuy nhiên người chồng tỏ ra không vừa lòng và thắc mắc sao lại phải tiêm cho con nhiều như thế, tiền mới bắn giờ đã lại hỏi tiếp kèm câu:“Mệt mỏi ghê”.

Trước phản ứng này, vợ vẫn nhún nhường nói vì mình chưa đi làm được nên mới bảo chồng chuyển khoản, bỉm của con đã hết rồi nhưng cũng không dám kêu và nói thêm “Em mượn chứ em có xin đâu”.

Người chồng không những không cảm thông mà tiếp tục kể khổ rằng mình đi làm được bao nhiêu đều chuyển khoản cho vợ mượn nên bây giờ không có tiền nữa. “Đi làm đã áp lực về vợ con còn than kêu. Mệt mỏi hết cả người”. Anh ta còn tuyên bố chỉ làm được đến thế và lo được đến thế, vợ muốn làm thế nào thì làm. Cuối cùng người vợ quyết định block luôn chồng.

Đoạn tin nhắn của cặp đôi
Đoạn tin nhắn của cặp đôi

Từ câu chuyện trên, có thể thấy phụ nữ nên kết hôn khi đã độc lập tài chính, chứ đừng chỉ ôm mơ ước dựa dẫm vào bạn đời. Bởi lẽ, kinh tế đóng một vai trò cực kỳ quan trọng với sự hạnh phúc bền chặt cho mối quan hệ. Sau khi kết hôn, những điều thực tế của cuộc sống sẽ “ập đến” nhanh chóng. Không chỉ trong sinh con, mà là cả khoản chi phí thường ngày như mua củi, dầu, mắm muối đến đối nội đối ngoại ra sao thì động đến việc nào cũng cần tiền.

Nên có tài chính ổn định mới kết hôn, tránh lấy nhau về ngày nào cũng tranh cãi

Cần có nền tảng tài chính ổn định mới tính đến chuyện kết hôn cũng là quan điểm của nhiều phụ nữ hiện nay.

Hải My (24 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ có 3 hoàn cảnh để con người bộc lộ rõ bản chất. Đó là khi ở cùng nhau, lúc xung đột về mặt lợi ích và bất đồng quan điểm trên khía cạnh tài chính. Vậy nên trước khi tiến đến hôn nhân, ngoài tình cảm với đối phương, cô nàng còn cần xem xét rất nhiều khía cạnh khác. Trong số đó, điều kiện kinh tế của cả hai có đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của nhau hay không là yếu tố quan trọng nhất.

“Theo quan điểm cá nhân, mình không thể dừng lại ở việc đủ ăn đủ mặc là được. Mình muốn có một cuộc sống thoải mái trên nhiều khía cạnh, và tài chính vững vàng là một trong những yếu tố quan trọng để đạt được điều đó. Có thể cho tới lúc thu nhập mỗi người tối thiểu 30-40 triệu/ tháng, mình mới sẵn sàng cho việc kết hôn”, Hải My bày tỏ.

Một trường hợp khác, Thu Hà (28 tuổi, Hà Nội) đã kết hôn và có 1 gia đình nhỏ. Cô cho rằng ngoài yếu tố tình cảm thấu hiểu lẫn nhau, để đi đến kết hôn thì cần thêm sự vững vàng về công việc và tài chính. 

Cô nàng chia sẻ chia sẻ rằng câu nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” trong cuộc sống hôn nhân vẫn còn đúng cho đến bây giờ. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay còn quan tâm hơn đến thu nhập đơn giản là vì muốn gia đình và con cái có được hưởng những lợi ích tốt nhất trong cuộc sống. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thêm nữa, khi bạn đã thấy đủ tự tin và cứng cáp để có thể đảm bảo cho tổ ấm của riêng mình, lúc ấy hãy tính đến chuyện kết hôn. Vì áp lực tài chính lớn hơn nhiều so với những gì các bạn trẻ tưởng tượng trước khi lập gia đình.

Tài chính không đủ mạnh cũng là một nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Thay vì mua sắm cho bản thân như khi còn độc thân, giờ chúng ta phải chi tiêu cho hàng loạt khoản chi phí như tiền điện nước, y tế, tiền nhà, bỉm sữa, tiền học của con,... Nhiều người quanh đi quẩn lại cuối cùng sau cả 1 tháng, họ lại chẳng dám mua một bộ đồ mới. 

“Cho nên mình vẫn cho rằng chuẩn bị một nền tảng tài chính vững vàng sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều rắc rối có thể xảy ra sau khi kết hôn", Thu Hà nhấn mạnh.

Chuẩn bị tiền nong như thế nào trước khi sinh con?

Có quan điểm cho rằng, sinh con là bước ngoặt thay đổi cuộc sống hôn nhân. Bởi lẽ bạn không chỉ đón chào sự ra đời của con, mà đi kèm là hàng loạt chi phí phát sinh và có thể là những tranh cãi không đáng có. Do đó, nền tảng tài chính ổn định là sự chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ cho con mà còn cho chính chị em phụ nữ.

Kim Ngân (27 tuổi, Hà Nội) cho hay trước khi sinh con, cô đã chuẩn bị trước công việc kinh doanh online. Nhờ đó, cô có thể tự nuôi sống bản thân và đến giai đoạn sinh nở, Kim Ngân kiếm được tiền mà không phụ thuộc hoàn toàn kinh tế vào chồng, không tạo áp lực “cơm áo gạo tiền” lên vai đối phương.

Kim Ngân chia sẻ: “Với các bạn dự định sinh con đầu lòng, hãy chuẩn bị  tài chính thật vững chắc, tối thiểu là chi phí sinh hoạt cho khoảng 1 năm đầu tiên. Khi cả hai có sự chuẩn bị về kinh tế thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, tinh thần cũng ít bị ảnh hưởng. Vì thế, cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn, tránh bị rơi vào khủng hoảng hôn nhân”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, Linh Trần (31 tuổi, Hà Nội) cho biết đã tiết kiệm trước từ 1 năm so với kế hoạch để chuẩn bị cho quá trình có con. Cô cài đặt chế độ tự động thanh toán vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng, đến đúng ngày có lương là tài khoản sẽ trừ tiền. Bên cạnh đó, tháng nào dư dả, cô sẽ mua 1 ít vàng để tích lũy trong tương lai cũng như hạn chế chi tiêu lãng phí.

“Mình nghĩ nếu sức khỏe ổn định và sinh con tự nhiên, vợ chồng nên chuẩn bị khoảng 200 triệu đồng. Vì trong quá trình mang thai và sau sinh con, gia đình sẽ cần chi tiêu rất nhiều khoản ngoài dự kiến, nhất là khi con còn nhỏ, việc ôm đau đi viện là điều khó tránh khỏi”, Linh Trần bày tỏ. 

Cô nàng nói thêm, nếu muốn cuộc sống sau khi có con không quá vất vả, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng nên khoảng 30 triệu đồng trở lên. Đồng thời, cả hai nên có công việc ổn định và khoản tích lũy, thay vì suy nghĩ “cứ đẻ con ra rồi tính”. Bởi vì như vậy, cuộc sống hôn nhân rất dễ rơi vào cảnh phụ thuộc tiền nong, cũng như hình thành áp lực tài chính.

Vân Anh - Design: Huyền Trang

TP.HCM giải ngân đầu tư công được 45.866 tỷ đồng, hoàn thành 67% chỉ tiêu

TP.HCM giải ngân đầu tư công được 45.866 tỷ đồng, hoàn thành 67% chỉ tiêu

Năm 2023, TP.HCM được phân bổ một tổng vốn đầu tư công lên đến 68.000 tỷ đồng. Tính đến 12/1/2024, số vốn đã được giải ngân đạt 45.866 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67% so với tổng số vốn được giao.