Từ mưa nhiều đến khô hạn, cà phê Indonesia đối mặt với El Nino cực đoan

Sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo giảm trong năm nay do hiện tượng thời tiết El Nino tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ qua gây ra thời tiết khô hạn, làm thiệt hại các vụ mùa.

Sản lượng cà phê Indonesia giảm sẽ dẫn đến nguồn cung cà phê robusta giảm và có thể hỗ trợ đà tăng giá mặt hàng này, vốn đã tăng hơn 40% vào năm 2023 và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 6.

Carlos Mera, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông sản tại Rabobank, cho biết: "Những dự báo về thời tiết El Nino dẫn đến tình trạng khô hạn vào cuối năm và đầu năm sau ở Indonesia có thể làm sản lượng cà phê của Indonesia giảm hơn nữa vào niên vụ 2024/2025". 

Từ mưa nhiều đến khô hạn, cà phê Indonesia đối mặt với El Nino cực đoan - Ảnh 1.

Hạt cà phê trong quá trình sấy khô tại làng Simarjarunjung ở Simalungun, đảo Sumatra, Indonesia, ngày 23/6/2018. Ảnh: Reuters

Cơ quan thời tiết Indonesia (BMKG) cho biết hiện tượng El Nino xuất hiện đã mang đến thời tiết nóng khô kéo dài cho quốc gia nhiệt đới này, đã ảnh hưởng đến hơn 2/3 diện tích đất nước, bao gồm đảo Java và một phần của Sumatra, hai khu vực sản xuất cà phê trọng điểm. 

Theo dữ liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023/2024 được dự báo là 9,7 triệu bao loại 60 kg, giảm so với mức 11,85 triệu bao niên vụ trước và thấp nhất kể từ niên vụ 2011/2012.

Dựa vào mưa

Các đồn điền ở Sumatra và Java có khả năng phải gánh chịu thêm các đợt hạn hán khi các nhà khí tượng học dự báo El Nino sẽ tăng cường vào cuối năm 2023 và đầu năm sau, thời điểm quan trọng để ra hoa và hình thành quả cà phê. 

Hầu hết các đồn điền cà phê của Indonesia đều được tưới bằng nước mưa. Mối đe dọa khô hạn xảy ra sau lượng mưa cao hơn trong vài tháng qua trên khắp Sumatra và Java, làm giảm sản lượng cà phê.

Từ mưa nhiều đến khô hạn, cà phê Indonesia đối mặt với El Nino cực đoan - Ảnh 2.

Hạt cà phê robusta được biết đến với đặc tính đắng và tính axit cao hơn, chứa nhiều caffein nên rẻ hơn so với hạt arabica cao cấp và đắt tiền hơn.

"Năm nay sản lượng thu hoạch của chúng tôi chỉ bằng 30% so với năm ngoái do mưa quá nhiều khiến hoa cà phê rụng sớm", Peratin Buchori, một nông dân 55 tuổi ở Lampung, cực nam đảo Sumatra cho biết.

Quá nhiều mưa trong giai đoạn ra hoa có thể khiến hoa rụng trước khi hình thành quả mọng, dẫn đến năng suất thấp hơn.

"Hiên nay nguồn cung cà phê ở Indonesia rất thấp, giảm khoảng 25% so với năm ngoái", một thương nhân cà phê ở Lampung nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng nguồn cung giảm đã tạo ra tâm lý hoảng loạn trong những tháng qua.

Lợi nhuận thấp 

Năng suất cà phê ở Indonesia dao động từ 0,7 đến 1,0 tấn/ha, trong khi Việt Nam, nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới, sản xuất 2,7 tấn/ha.

Hầu như tất cả khoảng 1,25 triệu ha đồn điền cà phê của Indonesia được chăm sóc bởi các hộ nông dân nhỏ, những người sử dụng phương pháp trồng truyền thống và hạn chế phân bón. Nhiều cây cà phê đã già cỗi, có cây trồng cách đây hơn chục năm. 

Chính phủ đã và đang thúc đẩy nông dân trồng lại cây, bao gồm cung cấp cây giống cà phê, trợ cấp phân bón và gia hạn các khoản vay giá rẻ. Tuy nhiên, chỉ 2% tổng diện tích trồng cà phê được trồng lại kể từ năm 2018, dữ liệu chính thức cho thấy.

Từ mưa nhiều đến khô hạn, cà phê Indonesia đối mặt với El Nino cực đoan - Ảnh 3.

Hiện tượng El Nino có liên quan đến lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ cao hơn, cả hai đều làm giảm sản lượng cà phê. Ảnh: MPU

"Nông dân của chúng tôi thường trồng nhiều loại cây khác nhau trên đất của họ, không chỉ cà phê, điều đó gây ra tình trạng phân bổ không đều về năng suất cũng như chất lượng. Đồng thời những người nông dân cũng thiếu kiến thức về kỹ thuật canh tác", Muhammad Rizal, giám đốc bộ phận cây trồng hàng năm và lâu năm tại Bộ Nông nghiệp cho biết. 

Bộ đang xem xét một chương trình mới để các doanh nghiệp thu mua cà phê sẽ giúp đào tạo người trồng trọt về các phương pháp hay nhất, đồng thời đóng vai trò là người bao tiêu sản phẩm. Sáng kiến này được ví với kế hoạch nông dân non trẻ của đất nước đối với dầu cọ, hàng hóa hàng đầu của Indonesia.

(Nguồn: Reuters)

TÚC