![]() |
Bệnh sởi ở người lớn diễn biến phức tạp tại Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Lê Hảo |
Bệnh nhân có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và đái tháo đường, nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng và phải tiến hành lọc máu. Dù được điều trị tích cực trong hai tuần, người bệnh đã không qua khỏi.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, đây là hồi chuông cảnh báo cho sự chủ quan trong phòng chống sởi ở người lớn nhóm đối tượng thường bị bỏ qua trong công tác tiêm phòng.
“Hiện mỗi ngày, Viện tiếp nhận từ 10 đến 20 ca mắc sởi ở người lớn. Phần lớn trong số đó chưa từng tiêm vaccine hoặc đã tiêm từ nhỏ nhưng không tiêm nhắc lại. Tình trạng bệnh thường nặng khi vào viện, nhiều người đã có biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não màng não,” PGS Cường cho hay.
Biến chứng nguy hiểm và đối tượng dễ tổn thương
Sởi vốn được xem là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng thực tế bệnh cũng xảy ra ở người trưởng thành, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 30 đến 50 nhóm đối tượng dễ chủ quan và ít quan tâm đến tiêm nhắc lại vaccine.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, sởi không phải là bệnh lành tính. Khoảng 5% số ca nhập viện do sởi tại Viện Y học Nhiệt đới có biến chứng nghiêm trọng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, suy gan, suy đa cơ quan phải lọc máu, suy hô hấp cần đặt ống nội khí quản… Trong đó, các bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng và có tỷ lệ tử vong cao.
Nguy cơ bùng phát trong cộng đồng
Sởi là bệnh truyền nhiễm có hệ số lây nhiễm rất cao, chủ yếu qua đường hô hấp. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch. Vì vậy, khi có người bệnh được chẩn đoán mắc sởi, việc cách ly và điều trị kịp thời là bắt buộc để ngăn chặn lây lan.
“Nhiều người vẫn lầm tưởng sởi là bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nhưng trên thực tế, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng,” PGS Cường nhấn mạnh.
Tiêm vaccine, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất chính là tiêm vaccine sởi đầy đủ. Vaccine sởi nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18–24 tháng tuổi. Tuy nhiên, đối với người lớn đặc biệt là những người chưa từng tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần chủ động tiêm nhắc lại vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR).
Vaccine sởi được khẳng định là an toàn và hiệu quả, không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Cảnh báo số ca bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng gia tăng
Tình hình các bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Ở nước ta, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm cũng đang gia tăng nhanh. Bộ Y tế khuyến cáo cần tăng cường tiêm vaccine phòng bệnh.