Tìm giải pháp hỗ trợ phụ nữ sống chung với HIV và bị bạo lực giới

Hội thảo tại Quảng Bình kêu gọi sự chung tay của cộng đồng và các cấp chính quyền hỗ trợ phụ nữ dễ bị tổn thương bởi HIV và bạo lực giới.
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Sự kiện do trung tâm Vì sự Phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ, phối hợp cùng UN Women Việt Nam và UNAIDS, vừa tổ chức Hội thảo - Tập huấn quan trọng tại tỉnh Quảng Bình nhằm tìm kiếm các giải pháp thiết thực, phù hợp với bối cảnh hiện tại để hỗ trợ phụ nữ sống chung với HIV và phụ nữ bị bạo lực giới.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu và chuyên gia trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới và HIV.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực phụ nữ của UN Women Việt Nam, đã nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa HIV và bạo lực giới. Bà khẳng định đây là hai vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, có căn nguyên sâu xa từ sự bất bình đẳng giới và mất cân bằng quyền lực. Tình trạng này gây ra những hệ lụy nặng nề về thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản, đồng thời gây thiệt hại kinh tế cho người bị ảnh hưởng, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực phụ nữ của UN Women Việt Nam
Bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực phụ nữ của UN Women Việt Nam

Bà Phương cũng đưa ra những con số đáng báo động về tình hình HIV tại Việt Nam, với ước tính khoảng 270.000 người đang sống chung với HIV và mỗi năm có hơn 10.000 ca nhiễm mới, chủ yếu qua đường tình dục và ngày càng trẻ hóa. Nghiên cứu cho thấy, đáng lo ngại hơn, có tới 34% phụ nữ nhiễm HIV từng bị từ chối dịch vụ y tế, 45% mất việc hoặc gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, và 60% cảm thấy bị kỳ thị ngay trong chính gia đình.

Hội thảo tập trung thảo luận về những rào cản lớn mà phụ nữ sống chung với HIV và phụ nữ bị bạo lực giới đang phải đối mặt trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và hỗ trợ thiết yếu. Sự thiếu hụt thông tin toàn diện về HIV và sức khỏe tình dục, cùng với những định kiến sâu sắc về giới, xu hướng tính dục, bản dạng giới và bạo lực giới, đang cản trở nghiêm trọng việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tích cực đưa ra nhiều đề xuất cụ thể nhằm cải thiện tình hình. Các ý kiến tập trung vào việc: Cải thiện luật pháp, chính sách và dịch vụ như cần xây dựng và điều chỉnh các quy định pháp lý, chính sách hỗ trợ dựa trên bằng chứng và kinh nghiệm thực tế từ cộng đồng, đặc biệt cần có sự tham gia trực tiếp của phụ nữ sống chung với HIV, các nhóm thiểu số về tính dục, bản dạng giới chịu ảnh hưởng bởi HIV và đại diện của các tổ chức phụ nữ.

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo.
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo.

Nâng cao năng lực cho cán bộ và nhà cung cấp dịch vụ, tăng cường kiến thức và kỹ năng cho nhân viên y tế và các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu để họ có thể cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới một cách nhạy cảm về giới, không kỳ thị và phân biệt đối xử.

Tăng cường giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, đặc biệt chú trọng đến thanh thiếu niên, nhóm có nguy cơ cao như trẻ em gái vị thành niên, nữ thanh niên và người trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ+. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục, y tế và cộng đồng được xem là giải pháp then chốt để giải quyết tình trạng gia tăng ca nhiễm HIV trong giới trẻ qua đường tình dục.

Đẩy mạnh kết nối dịch vụ công và cộng đồng, trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, việc tăng cường kết nối giữa các dịch vụ công và dịch vụ do cộng đồng cung cấp trở nên cấp thiết và mang tính bền vững.

Chú trọng dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đồng thời mở rộng các dịch vụ phát hiện sớm và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt trong các trường hợp mang thai ngoài ý muốn liên quan đến bạo lực tình dục.

Hội thảo cũng tạo cơ hội để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm và thực hành tốt từ các địa phương, góp phần thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và vận động chính sách. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo phụ nữ sống với HIV và phụ nữ bị bạo lực giới có thể tiếp cận đầy đủ và kịp thời các dịch vụ thiết yếu, hướng tới một xã hội không còn kỳ thị, không bạo lực và công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Hoàng Toàn

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cải thiện giáo dục và bình đẳng giới tại vùng núi

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cải thiện giáo dục và bình đẳng giới tại vùng núi

Đại sứ quán Nhật Bản và Plan International Japan hợp tác viện trợ, nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng giới cho trẻ em vùng cao.

Đọc nhiều nhất