Vì sao Bộ Công Thương đề xuất tính giá điện bao gồm khoản lỗ của EVN?

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản tiếp thu, giải trình gửi Bộ Tư Pháp, Bộ Công Thương về lý do của đề xuất tính khoản lỗ tỷ USD của EVN vào giá điện bán lẻ.

Cụ thể, tại dự thảo sửa đổi, thay thế Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về điều hành giá điện, Bộ Công Thương đề xuất tính khoản lỗ hoạt động kinh doanh điện, tỷ giá vào công thức tính giá điện bình quân.

Theo dự thảo trên, Bộ Công Thương đề xuất công thức giá điện bán lẻ bình quân mới trong đó có đưa các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá bán điện, đưa vào công thức tính giá bán điện.

Vì sao Bộ Công Thương đề xuất tính giá điện bao gồm khoản lỗ của EVN? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh phân phối điện, các khoản lỗ - lãi của tỷ giá trong hợp đồng mua và bán điện, các chi phí khác trước kia chưa được tính vào giá điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Hiện, trong công thức tính giá bán lẻ điện bình quân hàng năm, khâu phát điện, chi phí truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, hoạt động điều độ hệ thống truyền tải, hệ thống điện, giao dịch thị trường điện và các chi phí khác được phân bổ vào giá điện, theo Dân Việt.

Chi phí khác này là chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, cùng lợi nhuận định mức của EVN; chênh lệch tỷ giá trong hợp đồng mua bán điện, lỗ của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện sẽ nằm trong "chi phí khác".

Tại Tờ trình của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra việc điều chỉnh giá điện năm 2019, đến năm 2021, các nội dung kết luận Thanh tra được đưa ra, trong đó có nội dung yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, EVN phải: "Quy định cụ thể phương pháp tính giá điện cần gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện".

Dẫn trường hợp EVN thua lỗ 26.000 tỷ năm 2022, Bộ Công Thương phân tích: Với việc kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ và chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, trong khi Quyết định số 24 chưa quy định cụ thể về việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch. Điều này gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, theo TPO.

"Căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện", Bộ Công Thương cho hay.

Theo báo cáo của EVN, tập đoàn vẫn còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được hạch toán hết. Mức lỗ 26.000 tỷ của EVN năm 2022 còn chưa tính các khoản chênh lệch tỷ giá.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

(Tổng hợp)

AN LY