Vì sao doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thà chịu phạt chứ không nhập hàng?

Đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đầu mối đang lỗ 1.000 đồng/ lít xăng dầu nên họ không muốn nhập hàng về. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến họ không muốn nhập đủ tổng nguồn được giao.

Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 6 doanh nghiệp đầu mối không nhập đủ tổng nguồn tối thiểu mà Bộ Công Thương giao (trong đó có cả nguồn nhập xăng dầu từ nước ngoài và cả ở trong nước).

Danh sách gồm: Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Vì sao doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thà chịu phạt chứ không nhập hàng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đại diện một trong 6 doanh nghiệp bị nêu tên nhập không đủ tổng nguồn tối thiểu cho biết: Họ sẵn sàng bị phạt chứ không thể chịu khoản lỗ mãi được. Từ tháng 4 đến nay, doanh nghiệp đã chịu khoản lỗ nhiều tỷ đồng do giá nhập tổng nguồn cao, trong khi giá bán lẻ điều chỉnh thấp, trong khi doanh nghiệp không được tính đúng, tính đủ chi phí, theo Dân Việt.

"Hiện chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước từ ngày 11/10 được áp dụng. Tuy nhiên, 3 tháng nay doanh nghiệp đã bị lỗ từ 500-600 đồng/ lít xăng dầu. Lỗ lũy kế đến nay mỗi doanh nghiệp lỗ rất lớn nên nhập hàng về bán lại cho tổng đại lý, đại lý bắt buộc phải cắt chiết khấu. Cắt chiết khấu, thậm chí để chiết khấu âm, doanh nghiệp vẫn không cắt lỗ được. Buộc chúng tôi phải tạm ngưng, đó là việc bất khả kháng", đại diện doanh nghiệp nói.

Vị này cho rằng: "Giá xăng dầu thế giới biến động theo ngày, thậm chí giờ do diễn biến phức tạp địa chính trị. Chính vì vậy, các công thức tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu, chi phí định mức, premium, lợi nhuận… mà liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra cần thay đổi theo kịp với diễn biến thực tế, bởi xăng dầu là hàng hóa tuân theo thị trường, nhưng ở Việt Nam lại được quyết định, điều hành giá bởi Nhà nước".

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: Thị trường xăng dầu 2022 có những dị biệt do tác động từ thế giới thay đổi nhanh theo ngày, chính vì vậy các công cụ tính giá cơ sở, chi phí cho doanh nghiệp cần phải sát để tránh lỗ cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là chi phí được tính đúng, đủ. Không cần ưu đãi, biệt đãi.

Ông Bảo cho rằng, thực tế chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí đưa hàng ra thị trường từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ) áp dụng 8 năm nay chưa điều chỉnh, trong khi theo quy định phải rà soát hàng năm. Các chi phí tạo nguồn (giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước...) mới thực hiện từ năm nay, nhưng cũng chưa được điều chỉnh sát thực tế.

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu được điều chỉnh nhưng giá thực tế tăng rất cao, việc điều chỉnh các chi phí nhưng không sát thực tế khiến các doanh nghiệp lỗ trong quý II, riêng khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Bảo, với tổng nguồn xăng dầu Bộ Công Thương dự tính giao các doanh nghiệp, chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ trên 1.000 đồng một lít. "Họ đã lỗ, giờ nếu lỗ thêm nữa sẽ không thể chịu được", ông Bảo nhìn nhận.

Theo bà Phạm Thị Băng Trang, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, thời gian qua các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không chỉ do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nên không được cấp lại giấy phép.

Bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà, chia sẻ thêm, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn, theo VTC News.

"Hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý 1, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý 4, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?", bà Mai nói và đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.

Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro - chia sẻ thêm, thời gian qua, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ cơn bão số 5 khiến việc nhập khẩu hàng không dễ. Mặc dù doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng tìm cách để nhập hàng nhưng hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Thời điểm đầu năm đến quý II, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý III vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng.

"Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám "cắn răng" nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán", ông Phạm Văn Thoại nói và cho hay vừa rồi, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.

(Tổng hợp)

AN LY