Vì sao giới nhà giàu Trung Quốc chọn Singapore là nơi ‘gửi gắm’ tài sản của mình?

Ngày càng nhiều người giàu ở Trung Quốc lo lắng về việc giữ tiền của họ ở đại lục và một số người đã coi Singapore là nơi an toàn để bảo vệ những đồng tiền của mình.

Kể từ khi các cuộc biểu tình làm gián đoạn nền kinh tế Hồng Kông vào năm 2019, những người Trung Quốc giàu có đã tìm kiếm những nơi khác để cất giữ tài sản của mình và Singapore đã trở thành một nơi hấp dẫn để làm điều đó. Nguyên do, vì đảo quốc này có cộng đồng cư dân nói tiếng Quan Thoại lớn và đặc biệt là, không giống như nhiều quốc gia khác, Singapore không đánh thuế tài sản.

107035708-1648092831252-gettyima.jpg
Người giàu Trung Quốc có khuynh hướng chuyển tài sản ra nước ngoài.

Xu hướng này dường như tăng lên vào năm ngoái, sau khi Bắc Kinh đột ngột siết chặt lĩnh vực giáo dục và nhấn mạnh vào “sự thịnh vượng chung” – tức sự giàu có phải chia đều cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho một số ít.

Theo CNBC, các công ty ở Singapore đang giúp những người Trung Quốc giàu có chuyển tài sản của mình đến đảo quốc này thông qua các văn phòng gia đình.

Văn phòng gia đình là một dạng công ty tư nhân, nó sẽ đảm nhận việc đầu tư và quản lý tài sản cho một gia đình giàu có. Ở Singapore, để thành lập một văn phòng gia đình thường cần tài sản ít nhất 5 triệu USD.

Trong 12 tháng qua, yêu cầu về việc thành lập văn phòng gia đình ở Singapore đã tăng gấp đôi tại Jenga, một công ty dịch vụ kế toán và doanh nghiệp 5 năm tuổi, theo người sáng lập Iris Xu.

Theo nữ CEO này, phần lớn các yêu cầu đến từ những người ở Trung Quốc hoặc những người di cư từ trong nước.

[Người giàu Trung Quốc] tin rằng có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền ở Trung Quốc, nhưng họ không chắc liệu họ có an toàn để gửi tiền ở đó hay không.

Iris Xu - CEO Công ty Jenga

Khoảng 50 khách hàng của cô đã mở văn phòng gia đình ở Singapore - mỗi người có tài sản ít nhất 10 triệu USD, Xu nói.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra hàng trăm tỷ phú chỉ trong vài thập kỷ. Theo Forbes, hàng trăm người khác đã gia nhập hàng ngũ này vào năm ngoái.

Dữ liệu cho thấy, con số này đã nâng tổng số tỷ phú ở Trung Quốc lên 626 người, chỉ đứng sau 724 tỷ phú của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc đại lục - giới hạn chỉ được chuyển tiền ra nước ngoài trong một năm là 50.000 USD - đã hạn chế các lựa chọn đầu tư và giữ an toàn cho tài sản của các tỷ phú này.

Xu cho biết, các khách hàng Trung Quốc của cô “tin rằng có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền ở Trung Quốc, nhưng họ không chắc liệu họ có an toàn khi gửi tiền ở đó hay không”, theo bản dịch của CNBC trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Quan Thoại.

Những lo lắng về ‘thịnh vượng chung’

Ryan Lin, Giám đốc của Bayfront Law ở Singapore, cho biết công việc mới liên quan đến văn phòng gia đình đang đến với các khách hàng Trung Quốc một cách không cân xứng. Công ty của ông cũng có khách hàng từ Ấn Độ, Indonesia và các khu vực của châu Âu.

3500.jpg
Nhiều người Trung Quốc lo lắng về cái gọi là "thịnh vượng chung".

“Xu hướng này đã bắt đầu kể từ các cuộc biểu tình vào năm 2019 ở Hồng Kông khiến nhiều người Trung Quốc có suy nghĩ về sự an toàn cho tài sản,” Lin nói. Ông cho biết xu hướng này đã tăng tốc vào năm 2021 sau khi ngành giáo dục bị siết chặt quản lý bởi nhà nước và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai công bố về “sự thịnh vượng chung”.

Trong một bài phát biểu năm ngoái, ông Tập đã kêu gọi hạn chế thu nhập “quá mức” khi Trung Quốc tìm cách thực hiện tầm nhìn của chủ nghĩa Mác về sự thịnh vượng chung và giảm bất bình đẳng giàu nghèo.

Quyết định đó được đưa ra sau nhiều tháng chính quyền Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty giáo dục và công nghệ lớn của Trung Quốc, cũng như các nhà phát triển bất động sản - tất cả các ngành đã tạo ra khối tài sản khổng lồ cho các nhà sáng lập và giám đốc điều hành chỉ trong hai thập kỷ.

Văn phòng gia đình như một cách để nhập cư

Xu cho biết, những hạn chế liên quan đến việc đi lại quốc tế cũng thúc đẩy sự quan tâm của giới nhà giàu Trung Quốc trong việc thành lập văn phòng gia đình ở Singapore. Đất nước này có chương trình nhà đầu tư toàn cầu, qua đó cho phép những người trưởng thành đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la Singapore (1,8 triệu USD) để có giấy phép đăng ký thường trú nhân.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, một số công dân Trung Quốc nhận thấy rằng, chính phủ Trung Quốc có thể tạm dừng các dịch vụ cấp và gia hạn hộ chiếu với lý do kiểm soát đại dịch.

Trả lời câu hỏi trực tuyến vào tháng 8 về việc tạm dừng cấp hộ chiếu, Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc cho biết, họ sẽ chỉ cấp những giấy tờ đó cho những người có lý do cần thiết hoặc khẩn cấp để rời khỏi đất nước.

Sự bùng nổ văn phòng gia đình của Singapore

Nhiều tỷ phú trên toàn thế giới đã sử dụng văn phòng gia đình để quản lý tài sản của mình. Một phần khác của sự hấp dẫn đó là, Singapore là nơi mang lại cho các nhà đầu tư sự gần gũi với các cơ hội đầu tư ở châu Á hơn.

Kể từ cuối năm 2020, người sáng lập Bridgewater, Ray Dalio và người đồng sáng lập Google, Sergey Brin, đã mở văn phòng gia đình ở Singapore để tận dụng chính sách thuế thân thiện của nước này, theo báo cáo của Bloomberg.

Vào năm 2020, có khoảng 400 văn phòng gia đình ở Singapore, theo Economic Development Board (tạm dịch là Bộ phận phát triển kinh tế của Singapore). Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021 các cơ quan chức năng của đảo quốc này đã không cập nhật thêm và không đưa ra bình luận bổ sung cho đề nghị trả lời phỏng vấn của CNBC.

Các công ty địa phương hỗ trợ thành lập văn phòng gia đình ở Singapore ước tính hiện có thể có hàng trăm.

Đó là nhu cầu thúc đẩy đối với nhân viên dịch vụ - cho tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Xu cho biết công ty của cô đã mở rộng số lượng nhân viên lên 25% vào năm ngoái và việc thuê tài xế riêng cho các văn phòng gia đình ở Singapore ngày càng khó hơn.

Các văn phòng gia đình có thể kéo dài bao lâu?

Cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraina đã mang đến sự bất ổn cho những công dân Trung Quốc muốn mở văn phòng gia đình tại Singapore.

1_4064_02.jpg
Singapore được xem là nơi lý tưởng để người Trung Quốc gửi gắm tài sản.

Trung Quốc cho biết họ phản đối các lệnh trừng phạt. Bắc Kinh cũng từ chối gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là một cuộc xâm lược và truyền thông nhà nước thường đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc xung đột.

Trái ngược với nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa ra lập trường trung lập về cuộc chiến, Singapore đã cùng với Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vào đầu tháng này, động thái được cho là đã đóng băng các tài khoản ngân hàng địa phương do các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt của Nga nắm giữ.

Xu cho biết, tin tức về việc đóng băng tài sản đã khiến một số khách hàng tiềm năng người Trung Quốc tạm dừng kế hoạch mở văn phòng gia đình tại Singapore.

Tuy nhiên, Xu và Lin đều cho biết, nhu cầu từ những người Trung Quốc muốn mở văn phòng gia đình ở Singapore đã tăng trong năm nay với tốc độ tương tự như năm 2021.

Nhưng không rõ liệu sự quan tâm đến Singapore này sẽ có thể giúp đảo quốc này đạt được lợi thế đáng kể trong cuộc cạnh tranh lâu dài với Hồng Kông trong vai trò là một trung tâm tài chính hay không.

Singapore đang xem xét một loạt các loại thuế tài sản - bao gồm thuế thu nhập từ vốn, cổ tức và thuế tài sản ròng đánh vào cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong nói với CNBC vào tháng trước.

Xu nói rằng, các chuyên gia tài chính Hồng Kông có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý tiền bạc và một số nhà quản lý tài sản Hồng Kông sẽ đến Singapore để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

“Nếu Singapore không thể bắt kịp trong việc cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản [chất lượng], tài sản của Trung Quốc sẽ vẫn được quản lý bởi các chuyên gia từ Hồng Kông. Xét cho cùng, các văn phòng gia đình không bị hạn chế về nơi họ đầu tư, cô nói.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương