Việc đáp ứng nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang

Việc đáp ứng nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang. Các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường trái phiếu đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay, dòng tiền chảy vào các công ty con đang bị kiểm soát bởi Thông tư 16, Thông tư 39, và tiếp theo là Nghị định 65.

Các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường sẽ chịu thêm nhiều ràng buộc khác về trách nhiệm công bố thông tin,...

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho rằng, Nghị định 65 sẽ phần nào giúp giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường trong thời gian tới. Mặc dù vậy, thị trường cần có đủ thời gian để làm quen với quy định và khẩn trương thực hiện các hoạt động phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu vốn. Do đó, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.

Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận dòng vốn tín dụng như bất động sản.

Ngày 16/9 vừa qua, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65) đã chính thức được ban hành. Nghị định 65 ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (Khoản 2 Điều 5). Fiin Ratings đánh giá, điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển dự án.

Chỉ tính riêng ngành bất động sản đã chiếm 59% tổng giá trị đáo hạn, áp lực đáo hạn tính riêng trong năm nay đạt 35.560 tỷ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61.370 tỷ đồng vào năm 2023. Tuy nhiên, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), 9 tháng vừa qua, có 20 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với giá trị 10.499 tỷ đồng (chiếm 4% tổng GTPH). Cùng đó là 389 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 233.692 tỷ đồng. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt gần 134.892 tỷ đồng, tương đương 55% tổng giá trị phát hành.

Nhóm bất động sản đứng thứ hai với 49.710 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị phát hành (giảm gần 61% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10,35%/năm.

Tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê trong quý III, tổng giá trị trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản là 4.300 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, chỉ có một doanh nghiệp phát hành trong tháng 7 là CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (210 tỷ đồng). Trong tháng 8, chỉ có hai đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food (1.000 tỷ đồng) và CTCP Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền (800 tỷ đồng). Sang tháng 9 cũng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành là CTCP No Va Thảo Điền (2.300 tỷ đồng).

Trước đó, báo cáo về thị trường TPDN quý III/2022 của bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán VNDirect (VND Research) cho thấy tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý IV năm nay sẽ đạt mức hơn 58.800 tỉ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, tỉ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 34,1%, 32,9% và 33%. Con số này thống kê từ các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.

Ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong lượng phát hành thành công với tỉ trọng 63% và 24% trong 9 tháng qua. Đồng thời, lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng phát hành 9 tháng tăng tỉ trọng đáng kể so với 2021 do các trái phiếu này vốn đã chịu quản lý của pháp luật chuyên ngành và ít bị ảnh hưởng hơn so với các trái phiếu thuộc các ngành khác trong bối cảnh thị trường trầm lắng.

Tổng Hợp