Việc xử lý nợ xấu của ngân hàng còn khó

Sở dĩ việc xử lý nợ xấu của ngân hàng còn khó là dù bất động sản từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 có giá rất cao, song số giao dịch thành công không nhiều, vẫn ít người mua. Trong khi đó, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như khách sạn, nhà hàng cũng phải rao bán trong bối cảnh sự phục hồi của ngành du lịch chưa mạnh mẽ.

Mặt khác, một trong những kênh xử lý nợ xấu là sàn mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Các ngân hàng chủ yếu tự xử lý nợ, thay vì đưa qua sàn mua bán nợ VAMC, do sàn chưa sôi động.

Trong bản báo cáo số 174/BC-CP gửi lên Quốc hội, Chính phủ đã phác lược cơ bản ba giải pháp.

Thứ nhất, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác thực thi, hướng dẫn Nghị quyết 42 đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai Nghị quyết 42.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2026.

Thứ ba, đề xuất Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của Nghị quyết 42 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.

Theo báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, tính đến ngày 31/12/2021, tức sau gần 5 năm áp dụng Nghị quyết 42, tổng số nợ xấu đã xử lý được đạt 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực. Trong đó, khách hàng trả nợ đạt 148 nghìn tỷ đồng, chiếm tới gần 40% tổng số nợ xấu đã được xử lý. Số còn lại đến từ việc áp dụng các chính sách thí điểm xử lý nợ xấu quy định tại Nghị quyết số 42.

Từ số liệu do tổ chức tín dụng và VAMC báo cáo, Chính phủ cho biết, kết quả áp dụng các chính sách thí điểm xử lý nợ xấu quy định tại Nghị quyết số 42 chủ yếu qua 8 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường.

Thứ hai, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Thứ ba, thực hiện mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Thứ tư, chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Thứ năm, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ sáu, thực hiện bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Thứ bảy, bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

Thứ tám, thực hiện phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Theo Chính phủ, việc chưa sử dụng 4 nhóm giải pháp trên khi xử lý nợ xấu hay việc áp dụng 8 nhóm giải pháp đã được sử dụng nhưng còn hạn chế, chủ yếu xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương.

Điển hình như về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự. Điều 14 Nghị quyết 42 quy định: “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng...”.

Tổng Hợp