Việt Nam hiện có 32.900 người bệnh đang sống chung với ung thư đại trực tràng, cứ 100.000 người thì có tới 13-14 người mắc căn bệnh này. Đây là thông tin được TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, đưa ra tại Hội thảo Ung thư Việt - Pháp lần thứ 3 do Bệnh viện K Trung ương tổ chức.
Theo TS Quang, năm 2018, Việt Nam có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, 115.000 ca bệnh nhân tử vong. Trong đó, số bệnh nhân ung thư đại trực tràng mắc mới là 14.733 ca và tử vong là 9.286 ca. Tại Bệnh viện K Trung ương, mỗi tháng, các bác sĩ chẩn đoán mới khoảng 200 ca.
Ung thư đại trực tràng đang nằm trong số 5 loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở nước ta. Dự đoán đến năm 2025, nó sẽ trở thành bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở ở nữ giới. Đến năm 2040, số người mắc ung thư đại trực tràng dự báo sẽ tăng gấp đôi so với năm 2018.
Nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng, trong đó, có những yếu tố không thay đổi được như di truyền, tuổi, giới, dân tộc, tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng... Những yếu tố có thể thay đổi được như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thừa cân - béo phì, thói quen dinh dưỡng và hệ vi khuẩn.
Người có hoạt động thể lực thường xuyên có thể giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Người ăn từ 800 gram rau củ/ngày giảm hơn 1/2 nguy cơ mắc bệnh so với người sử dụng 200 gram rau củ/ngày.
Ung thư đại tràng trong thời kỳ đầu có thể gây đau hoặc đau âm ỉ, bệnh nhân có thể chịu đựng được hoặc đau nhiều thành cơn. Cơn đau thường không ăn nhịp với bữa ăn, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Có trường hợp không đau nhưng lại có cảm giác nặng bụng. Không phải bao giờ tổn thương ung thư cũng ở dưới điểm đau. Có khi ung thư đại tràng trái nhưng điểm đau lại ở hố chậu phải.
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón thường xuất hiện sau cơn đau, thuốc nhuận trường chỉ có tác dụng tạm thời, thuốc tẩy cũng vậy. Có khi đại tiện lỏng, ngày đi 4 - 5 lần, trong phân có lẫn máu và mủ, do đó dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ. Thực tế có bệnh nhân bị táo bón, có bệnh nhân bị tiêu chảy, có bệnh nhân có xen kẽ những đợt táo bón và tiêu chảy.
Triệu chứng chảy máu đường ruột có thể xảy ra nhưng rất ít khi đại tiện ra máu đỏ tươi, thông thường trong phân có cả máu và mủ. Do đó bệnh nhân trên 50 tuổi mặc dù trong tiền sử có bệnh kiết lỵ hay bệnh trĩ nhưng phải chú ý để tìm phát hiện ra bệnh ung thư đại tràng.Các triệu chứng cơ năng nêu ở trên chỉ cho hướng để chẩn đoán nên cần phải khám bụng kỹ. Nếu chưa có khối u hình thành thì rất khó chẩn đoán, kể cả khi nắn sâu xuống bụng cũng không phát hiện một hiện tượng bất thường nào.
Có trường hợp chỉ thấy triệu chứng trướng bụng nhẹ, đều hoặc manh tràng bị trướng hơi và đau nhẹ. Nếu có khối u đã hình thành thì việc chẩn đoán dễ dàng hơn, nắn khối u bên phải thường dễ phát hiện vì chúng thường to hơn khối u ở bên trái. Lưu ý phải phân biệt khối u ở đại tràng với khối u ở túi mật, gan, dạ dày, thận...
Làm thế nào để chung sống với căn bệnh ung thư quái ác?
Ung thư là thuật ngữ y học xuất hiện ngày càng phổ biến, nó lấy đi sức khỏe, tuổi trẻ và cả tính mạng của hàng triệu người trên khắp thế giới.