Việt Nam xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD, ngành nào đóng vai trò chủ lực?

Xuất siêu Việt Nam đạt kỷ lục hơn 20 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020. Động lực chủ yếu đến từ nhóm hàng điện thoại và thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2020 của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt những con số ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm nay ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu hơn 20 tỷ USD

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính tháng 11/2020 đạt 24,8 tỷ USD, giảm 9% so với tháng trước, nhưng lại tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu đạt 73 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỷ USD và vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn hẳn 71,3%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng 2020 ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Báo Hải Quan
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng 2020 ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Báo Hải Quan

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính tháng 11/2020 đạt 24,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính luỹ kế 11 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch nhập khẩu giảm 9,6% về còn 85,43 tỷ USD. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng 9,2% đạt 149,07 tỷ USD.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế gần như đóng băng vì COVID-19, Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao hơn hẳn nhập khẩu liên tiếp trong 7 tháng qua (kể từ tháng 5/2020). Do đó, cán cân thương mại hàng hóa luỹ kế trong 11 tháng năm 2020 ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Con số này gần gấp đôi cùng kỳ năm trước khi 11 tháng 2019 chỉ xuất siêu 10,8 tỷ USD. Riêng tháng 11/2020, ngành thương mại ước tính xuất siêu 600 triệu USD.

Tuy xuất siêu luỹ kế kỷ lục nhưng tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng chững lại. Từ tháng 8/2020 đến nay, giá trị xuất siêu liên tục giảm. Riêng tháng 11, xuất siêu giảm tới gần 80%. Chưa kể, tình trạng xuất siêu lại phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI. 11 tháng qua, khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỷ USD, còn khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD.

Điện thoại chiếm hơn 18% kim ngạch xuất khẩu

Trong 11 tháng qua, ngành thương mại có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%.

Điện thoại và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam. Nhóm hàng mang về 46.880 triệu USD cho Việt Nam trong 11 tháng qua, chiếm hơn 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, hãng công nghệ Samsung liên tiếp ra mắt nhiều sản phẩm, phải kể đến là các mẫu thiết bị đình đám như Galaxy S20, bộ đôi Note 20 và máy tính bảng Tab S7.

Samsung đã ra mắt bộ đôi Galaxy Note 20 trong năm, gây nhiều tiếng vang trên thị trường. Ảnh: FPTshop
Samsung đã ra mắt bộ đôi Galaxy Note 20 trong năm, gây nhiều tiếng vang trên thị trường. Ảnh: FPTshop

Một báo cáo đến từ công ty nghiên cứu thị trường Omdia vào tháng 5 tiết lộ rằng, Samsung đã xuất xưởng chỉ 8,2 triệu chiếc điện thoại thông minh Galaxy S20, S20 Plus và S20 Ultra trong quý đầu tiên của năm 2020. Riêng dòng Note 20 vẫn chưa có doanh số thống kê, nhưng riêng tại thị trường Việt Nam, đến cuối tháng 8/2020, dòng này có 41.000 đơn hàng được đặt thông qua các nhà bán lẻ, vượt doanh số của Note 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, nhóm hàng này lại giảm nhẹ 3,4%. Điều này dễ hiểu khi ngành hàng điện thoại đang vào thời kỳ bão hào. Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường này tiếp tục gặp khó về tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tới.

Lấy đại diện Samsung, ta cũng dễ thấy sự hụt hơi. Dòng Galaxy Note 20 ban đầu được hãng công nghệ Hàn Quốc lên kế hoạch sản xuất với dây truyền 900.000 chiếc, thế nhưng theo kế hoạch mới đây, HĐQT Samsung phải hạ công suất xuống còn 600.000 chiếc.

6 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đồ hoạ: Tất Đạt
6 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đồ hoạ: Tất Đạt

Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD còn lại gồm điện tử , máy tính và linh kiện; dệt, may; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc khi có kim ngạch cao hơn 44,5% so với cùng kỳ. Nhóm điện tử, máy tính và linh kiện nhiều tháng qua trở thành động lực không nhỏ cho ngành xuất khẩu Việt Nam, 11 tháng qua tăng 24,3%.

Đáng chú ý, nhóm hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 tháng qua khi tăng 52,4% so với cùng kỳ.

Thị trường Mỹ chiếm gần 1/3 xuất khẩu

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch.

Những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại tăng trưởng liên tục. Trong bối cảnh tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng về tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn có sự tăng trưởng lạc quan. Các nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường này gồm hàng dệt, may, nông - thủy - hải sản, máy tính, điện thoại,… Tất cả đều có số lượng lớn và chủng loại phong phú.

Ngành xuất khẩu Việt Nam tiếp tục thu về kim ngạch lớn từ thị trường Mỹ. Ảnh: Vietnam+
Ngành xuất khẩu Việt Nam tiếp tục thu về kim ngạch lớn từ thị trường Mỹ. Ảnh: Vietnam+

Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng. Tính riêng 6 tháng đầu năm, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện “made in Vietnam” đã tăng 91% so với cùng kỳ; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng tăng tới 82%,…

Đối với mặt hàng nông sản , ngay sau khi nhận được kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại đối với các nhóm hàng cụ thể như rau, quả, trái cây đã được Mỹ cấp phép nhập khẩu như thanh long, vải, chôm chôm. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Mỹ đẩy nhanh quá trình xem xét, cấp phép nhập khẩu đối với quả bưởi.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, như thông lệ, vẫn là Trung Quốc . Kim ngạch ở thị trường này đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2011-2018, xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21,7%/năm. Hơn hết, Trung Quốc còn là đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD vào năm 2018.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 tháng 2020. Đồ hoạ: Tất Đạt
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 tháng 2020. Đồ hoạ: Tất Đạt

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, trong 11 tháng qua, Việt Nam tiếp tục giữ quan hệ giao hảo với nhiều bạn hàng thân thuộc. EU là thị trường lớn thứ ba với kim ngạch đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Riêng thị trường EU đã mang về 19 tỷ USD giá trị xuất siêu cho Việt Nam. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.

Trong 11 tháng đầu năm 2020, cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch. Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, chiếm đến hơn 54% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, chiếm khoảng 35%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, chiếm 7%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, chỉ chiếm được 3%.

Trong khi nhóm hàng công nghiệp nặng - khoáng sản và công nghiệp nhẹ - tiểu thủ công nghiệp có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, thì nhóm hàng nông, lâm sản và thuỷ sản lại giảm nhưng chỉ ở mức nhẹ.

Xuất khẩu nông sản giảm trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp trong tháng 11 đang tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa trên cả nước và gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc. Tình hình chăn nuôi tiếp tục phát triển khá nhưng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp của tại nhiều địa phương. Ngành thủy sản gặp thuận lợi khi cá tra nguyên liệu duy trì được mức giá tốt, sản lượng nuôi trồng tôm nước lợ tăng khá do giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc trong tháng 11, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương