Vốn FDI bắt đầu tháo chạy khỏi bất động sản

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, đứng đầu là sản xuất phân phối điện, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ... Bất động sản bị văng khỏi Top 3 ngành thu hút FDI nhiều nhất.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính lũy kế đến ngày 20/02/2020, cả nước có 31.345 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 369,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 214,23 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo đó, cả nước hiện có 500 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. 151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, bằng 74,6% so với cùng kỳ năm 2019. 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 827,3 triệu USD, tăng 52,4% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 16% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.

Bất động sản không còn nằm trong Top 3 dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ở tháng 2.
Bất động sản không còn nằm trong Top 3 dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ở tháng 2.

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 của khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhẹ so với cùng kỳ, xuất siêu 3,76 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 3,31 tỷ USD không kể dầu thô.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó sản xuất phân phối điện dẫn đầu với 3,89 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xếp thứ 2 là công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 195 triệu USD và 180 triệu USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 720,4 triệu USD, chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư (trong đó có dự án cấp mới 300 triệu USD và 1 dự án điều chỉnh vốn 138 triệu USD; 2 trường hợp này đã chiếm 60,8% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc trong 2 tháng). Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 425,4 triệu USD, chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản,...

Các nhà nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bạc Liêu dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 488,3 triệu USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ 3 với 480,6 triệu USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư. Trong đó đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 70% tổng vốn đầu tư đăng ký của Thành phố và chiếm 40,7% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...

Những dự án lớn được cấp phép trong tháng 2 gồm: Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.

Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh. Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 138 triệu USD.

 Dự án nhà máy Sews – components Việt Nam (Nhật Bản) với mục tiêu sản xuất các linh kiện điện và điện tử cho ô tô và mô tô; sản xuất các sản phẩm từ Plastic tại Hưng Yên điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 75,2 triệu USD. Dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị ngoại vi và thiết bị quang học (Đài Loan) tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 68 triệu USD.

Trước đó, năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đối tác đầu tư, đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông). Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc...

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương